Có câu nói: “Vạn vật đều có linh”, quả đúng là như vậy. Không chỉ con người mới có cảm xúc vui, buồn, giận, hờn… mà động vật cũng có, thậm chí khi gặp chuyện oan khuất chúng cũng biết tố cáo.

1. Gặp chuyện oan khuất, chó cũng biết tố cáo

Vào đời vua Càn Long của nhà Thanh có một vị tiên sinh tên Vu Khả Trai. Trong nhà ông có nuôi một con chó nhưng một phạm nhân đi đày đến vùng này làm lao dịch đã dùng gậy đánh chết nó. Nơi ở của phạm nhân này cách nhà Vu Khả Trai rất xa. Chỉ vì con chó chạy vào nơi ở của mình mà phạm nhân này liền dùng gậy dồn sức đánh nó, dự định sẽ ăn thịt con chó, lại còn dùng da nó làm đệm giường.

Khi phạm nhân cầm dao chuẩn bị lột da, con chó bỗng nhiên tỉnh dậy chạy trốn. Trong tình trạng toàn thân máu chảy đầm đìa, nó chạy đến nhà một người lính bảo an địa phương, rồi chạy tới nhà quan khám nghiệm tử thi, tiếp đó lại tiến vào quan thự (nơi quan lại làm việc) của bộ thính, chạy quanh đại sảnh và nhị sảnh, sau đó lại chạy vào đại sảnh huyện nha, cuối cùng mới chạy về nhà vị tiên sinh.

Lúc về nhà, nó cũng đi một vòng từ phòng trước ra phòng sau, như đang nói với chủ nhân rằng “Con bị người ta đánh trọng thương“, giống như muốn tất cả mọi người nhìn thấy làm chứng. Sau một hồi con chó mới chết. Lúc này mọi người vẫn chưa biết nó bị ai giết chết.

(* Bộ thính: Quan chuyên lùng bắt tội phạm, đóng giữ tại các nơi lưu vong, tương đương với đơn vị đồn trú duy trì trật tự hiện nay, hoặc có phần tương tự tòa án binh.)

Khi đó, người đảm nhiệm chức bộ thính chính là Trần Cẩm. Sau khi chứng kiến chuyện này, ông vô vùng kinh ngạc, liền phái người lần theo vết máu của con chó. Lúc này, lính bảo an địa phương và quan khám nghiệm tử thi đã điều tra ra con chó của Vu Khả Trai bị phạm nhân lưu đày kia dùng gậy đánh chết. Họ lập tức trói tên phạm nhân lại áp giải đi, người này không có cách nào chối cãi nên bị xử phạt đánh bằng gậy và đeo gông.

Có lẽ sẽ có người hỏi: “Súc vật cái gì cũng không hiểu mà lại có thể tố cáo oan khuất, chẳng lẽ nó thật sự có linh, hay là có quỷ thần phụ thể điều khiển nó làm như vậy?“.

Trương Nguyên từng nói: “Mọi loài vật có sinh mạng đều yêu quý tính mạng của mình“. Lời này nói rõ không chỉ con người mới có cảm xúc vui, buồn, giận, hờn… mà động vật cũng có. Khi bạn cho chó ăn thì chúng sẽ vẫy đuôi, đó là chúng đang vui sướng. Sau khi ăn xong nó nằm xuống nghỉ ngơi, đó là chúng đang hạnh phúc.

Nếu ai dùng gậy đánh nó thì nó sẽ kêu gào, đó là chúng đang đau đớn. Nếu ném khúc xương mục cho con chó thì nó sẽ trợn mắt nhìn, đó là chúng đang tức giận. Trước cái chết thì chúng lại càng dễ kích phát đủ loại cảm xúc. Con chó trong câu chuyện này xin mọi người thương cảm, chính là nó đang bộc lộ tình cảm chân thật của mình.

Một con chó còn không cam tâm chết oan như thế, vậy một người nếu bị người khác sát hại mà không ai biết, hoặc bị âm mưu hãm hại mà đến chết cũng không thể phân trần thì làm sao có thể cam tâm nơi chín suối đây!

2. Con chó trí dũng song toàn trừng phạt hung phạm sát hại ân nhân

Vào mùa Thu năm Bình Thân đời vua Thuận Trị nhà Thanh có một thương gia người Thái Nguyên. Trong một lần trở về sau khi đi buôn bán ở phương Nam, ông cưỡi một con lừa, trong túi đựng năm, sáu trăm lượng bạc. Khi đi qua huyện Trung Mưu, Hà Nam, ông dừng chân nghỉ ngơi bên đường.

Lúc đó, ở bên đường đang có một thanh niên ngồi nghỉ, bên cạnh đặt một con chó bị trói vào cây gậy. Con chó này hướng về vị thương gia sủa to, giống như chờ mong ông có thể cứu nó. Động lòng thương cảm, vị thương gia liền mua con chó rồi phóng sinh.

Thanh niên kia thấy túi tiền của vị thương gia rất nặng bèn lặng lẽ đi theo sau ông. Khi đến nơi vắng vẻ, anh ta dùng gậy đánh chết vị thương gia rồi kéo thi thể đến mép nước bên cây cầu nhỏ, lấy cát và cỏ lau đắp lên, sau đó vác túi tiền đi.

Một trong 10 bức “Tuấn khuyền đồ” của Lang Thế Ninh. (Ảnh: Pinterest)

Chứng kiến vị thương gia bị sát hại, con chó liền lặng lẽ đi theo hung phạm trẻ tuổi, khi đến trước cửa nhà hắn, nó dùng chân trước cào đất để làm ký hiệu. Sau đó nó chạy vào huyện lị, đúng lúc gặp huyện lệnh thăng đường, trong nha môn vô cùng yên lặng. Con chó này trực tiếp chạy đến phía trước huyện lệnh, ngồi dưới đất kêu ăng ẳng như đang khóc bi thương, lại giống như đang tố cáo việc gì đó, bị người khác đuổi nó cũng không đi. Huyện lệnh hỏi: “Ngươi có oan khuất gì sao?“. Con chó liền gật đầu.

Thấy vậy, huyện lệnh nói: “Vậy ta sẽ phái nha dịch đi theo ngươi“. Lúc này, con chó lập tức đứng dậy dẫn nha dịch đến chỗ vị thương gia bị sát hại, rồi hướng về mép nước sủa liên hồi. Nha dịch xới lớp cỏ lau lên thì phát hiện thi thể thương gia, họ liền trở về báo án, nhưng cũng không biết hung thủ là ai.

Con chó lại tiếp tục đến huyện nha, lần này nó cũng sủa bi thương như lần trước. Huyện lệnh nói: “Ngươi biết hung thủ là ai sao? Ta lại phái nha dịch đi theo ngươi“.

Con chó lập tức chạy khỏi huyện nha, huyện lệnh liền phái mấy nha dịch đuổi theo. Qua hơn hai mươi dặm đường, đi vào một thôn trang vắng vẻ, con chó trực tiếp xông vào một căn nhà, khi gặp được thanh niên kia nó liền nhảy tới cắn cánh tay anh ta, cắn đến máu chảy ra. Nha dịch nhìn vậy liền biết hung thủ là thanh niên này, họ trói anh ta lại rồi áp giải lên huyện nha.

Trên công đường, thanh niên thú nhận đã sát hại thương gia và khai rằng số ngân lượng vẫn còn trong nhà anh ta. Huyện lệnh lập tức phái nha dịch quay lại nhà thanh niên lấy túi tiền, sau khi khám xét thì phát hiện một cuốn sổ nhỏ bên trong, từ đó mà biết tên tuổi và địa chỉ nhà của vị thương gia xấu số. Huyện lệnh kết án tử hình với người thanh niên, nợ mạng phải đền mạng, còn chỗ ngân lượng kia thì bị tịch thu, sung vào công quỹ.

Lúc đó, con chó lại đến trước mặt huyện lệnh sủa liên hồi. Huyện lệnh nghĩ: “Thương gia này tuy đã chết nhưng người nhà của ông ta vẫn còn, túi ngân lượng này phải quy về ai đây? Con chó này sủa lớn như vậy phải chăng vì chuyện này?“. Vì vậy ông lại phái nha dịch đến Thái Nguyên, con chó này cũng đi theo.

Khi nha dịch đến nhà vị thương gia, mọi người trong nhà ông mới biết được thương gia đã chết, lại biết rõ ngân lượng vẫn còn thì cảm thấy vô cùng đau buồn. Sau đó con trai của vị thương gia liền thu thập hành lý đi theo nha dịch đến huyện nha. Lúc này hung phạm đã bệnh chết trong ngục, huyện lệnh phái người đem túi tiền ra nghiệm thu rồi giao cho con của vị thương gia. Con chó vẫn đi theo con trai của vị thương gia, cùng hộ tống quan tài của thương gia hồi hương. Tính ra thì vì chuyện của thương gia mà con chó này đã đi lại mấy ngàn dặm, việc ăn cơm ngủ nghỉ trên đường của nó không khác gì người bình thường.

Ăn một bữa cơm còn muốn báo đáp, huống gì là ân cứu mạng. Khiếu nại quan huyện có gì là lạ, con chó thậm chí còn đưa tang và tìm cách trừng phạt hung phạm. Khi báo thù thì dũng cảm kiên định, lúc vạch kế hoạch thì cẩn thận kín đáo, mặc dù không phải đường đường đấng nam nhi nhưng cũng có thể nói con chó đã không làm nhục sứ mạng.

Theo Tinh Hoa