Đạo đức con người ngày càng xuống dốc, các mánh khóe lừa bịp hại người hiện nay nhiều không đếm xiết lại ngày càng trở nên tinh vi khiến người ta khó lòng phòng bị. Nhưng không chỉ con người là biết lừa bịp, cả ma quỷ cũng tinh ranh không kém.

screenshot_2Ma quỷ mạo danh đòi cúng tế. (Ảnh minh họa: Tinh Hoa)

1. Ma quỷ mạo danh đòi cúng tế

Có một thị vệ cấm quân thích cưỡi ngựa bắn tên, một lần vì đuổi theo một con thỏ rừng, phi ngựa đến Đông Trực Môn, vừa lúc có một ông già, đang lúi húi bên giếng lấy nước, ngựa vốn đang phi băng băng không kìm cương được đã hất ông già xuống giếng. Thị vệ vô cùng hoảng sợ, vội vàng chạy trốn về nhà.

Đêm hôm đó, thị vệ thấy ông già bị rơi xuống giếng đẩy cửa đi vào, chửi rằng: “Dù ngươi không cố ý hại ta, nhưng thấy ta rơi xuống giếng lại không cứu. Nếu như ngươi lập tức gọi người đến cứu ta, như vậy ta còn có hy vọng sống. Sao ngươi lại nhẫn tâm chạy trốn, vứt bỏ ta mà trở về nhà?”.

Thị vệ chỉ biết im lặng. Hồn của ông già hết ném đồ đạc, lại đập cửa sổ, không ngừng làm loạn. Cả nhà thị vệ, đều quỳ dưới đất cầu xin, đồng ý sẽ ngay lập tức chuẩn bị đồ chay lễ bái.

Quỷ hồn nói: “Mấy thứ đó chẳng có ích gì. Nếu muốn ta được thanh thản, phải khắc cho ta một tấm bài vị bằng gỗ, bên trên viết tên của ta, mỗi ngày dùng chân lợn để cúng, kính trọng thờ phụng ta như tổ tiên nhà các ngươi, như vậy ta mới bỏ qua”. Thị vệ làm theo như lời con quỷ, mọi chuyện mới yên ổn.

Từ đó về sau, thị vệ hễ phải đi qua Đông Trực môn, nhất định sẽ đi đường vòng, tránh xa cái giếng đó ra. Có một lần, thị vệ hộ vệ hoàng đế xuất chinh, lúc đi qua Đông Trực môn, thị vệ lại muốn đi đường vòng.

Tổng quản của ông ta quở mắng: “Nếu như thánh thượng hỏi đi đâu thì ta biết trả lời làm sao? Huống hồ bây giờ là ban ngày ban mặt, xe ngựa người đông, ngươi sợ ma quỷ gì chứ?”. Thị vệ hết cách, đành phải đi qua cạnh cái giếng đó.

Bỗng nhiên thị vệ thấy một ông già ở bên cạnh giếng. Ông già chạy như bay đến trước mặt, kéo áo của thị vệ chửi rủa: “Hôm nay rốt cuộc ta cũng tìm được ngươi rồi. Năm trước ngươi cưỡi ngựa đâm ta rơi xuống giếng không cứu, sao ngươi nhẫn tâm như vậy?”.

Ông già vừa chửi vừa đánh. Thị vệ sợ hãi khổ sở van xin nói: “Ta khó tránh chịu tội, nhưng ông đã được cúng tế ở nhà ta, hưởng hương khói ba năm, ông cũng đã nói sẽ bỏ qua cho ta, chẳng nhẽ những lời ông nói không có nghĩa lý gì sao?”.

Nghe đến đây, ông già tức giận: “Ta đâu có chết, không cần ngươi cúng bái, mặc dù ta bị ngựa dồn ép, trượt chân rơi xuống giếng, nhưng may mắn có người đi qua nghe thấy tiếng ta kêu cứu, đã kéo ta từ dưới giếng lên. Ngươi dựa vào cái gì mà nghĩ ta là quỷ?”.

Thị vệ nghe xong, hết sức ngạc nhiên, lập tức kéo ông già về nhà, cho ông ta xem bài vị, thì ra trên bài vị không phải khắc tên không già. Ông lão chửi rủa, xắn tay áo, cướp lấy bài vị gỗ ném ra ngoài, gạt hết đồ cúng trên bàn xuống đất, cả nhà người thị vệ bị dọa cho sững sờ, không biết đã xảy ra chuyện gì. Lúc này, bỗng nghe thấy trên không trung có tiếng truyền đến, chính là con quỷ mạo danh đó, cười lớn rồi bỏ đi.

2. Quỷ hồn của Cố Nghiêu Niên đến xin cơm ăn

Năm Càn Long thứ 15, tôi (tác giả Viên Mai) tạm cư ngụ tại nhà của Giang Vũ Phong ở Tô Châu. Con trai của ông ta là Giang Bảo Thần, đến Kim Lăng tham gia thi hương, vừa về đến nhà liền mắc bệnh nặng.

Giang Vũ Phong chạy đôn chạy đáo khắp nơi mời các vị danh y đến khám bệnh cho con trai, nhưng ai nấy đều tỏ ý lực bất tòng tâm. Ông ta biết tôi và danh y Tiết Nhất Biểu có mối quan hệ tốt, nên bảo tôi viết thư mời Tiết Nhất Biểu đến khám bệnh cho con trai.

Hôm đó, Tiết Nhất Biểu sắp đến, tôi và Giang Vũ Phong, đang đứng ở cửa chờ thì nghe thấy tiếng con trai Giang Bảo Thần của ông kêu lên trong phòng: “Cố Nghiêu Niên đến rồi!”. Còn liên tiếp chào hỏi: “Cố tiên sinh, mời ngồi!”.

Cố Nghiêu Niên là một dân thường trong thành Tô Châu, từng vì yêu cầu quan phủ giảm giá gạo không thành, mà kéo người đến đánh quan sai, kết quả bị An tuần phủ của Tô Châu giết hại.

Giang Bảo Thần ngồi dậy, tự lẩm bẩm một mình (thực chất là hồn của Cố Nghiêu Niên nhập vào đang nói): “Giang tướng công (ám chỉ Giang Bảo Thần), kì thi hương lần này ngươi đã thi đậu xếp thứ 38. Lần này ngươi bệnh không nghiêm trọng, xin chớ lo lắng. Xin tướng công ban cho ta một bữa cơm, ta (hồn của Cố Nghiêu Niên) sẽ đi”.

Giang Vũ Phong nghe xong, vội vào phòng an ủi nói: “Cố lão tiên sinh xin ông mau đi đi, ta sẽ lập tức chuẩn bị rượu thịt tế bái lão tiên sinh”. Đứa con trai bị ốm (vẫn là hồn nhập ma vào đó) nói: “Bên ngoài có một người làm quan là Tiền Đường Nhân Viên Mai, hắn ta đang đứng ở cửa trách móc, ta sợ hắn, không đi ra được”.

Sau đó lại thở dài, nói: “Tiết tiên sinh đã đến cửa rồi. Ông ta là lương y, ta phải trốn ông ấy”. Giang Vũ Phong từ phòng đi ra ngoài, kéo tôi sang một bên, để nhường đường, quả nhiên Tiết Nhất Biểu từ ngoài đi vào.

Tôi kể lại cho ông ta mọi chuyện, Tiết Nhất Biểu cười ha ha, nói: “Nếu quỷ đã sợ hai người chúng ta, vậy để ta và tiên sinh cùng đi vào, đuổi con quỷ đi”. Thế là hai người cùng đi vào phòng của con trai Vũ Phong, Tiết Nhất Biểu bắt mạch chẩn đoán, tôi thì cầm cái chổi đến trước giường quét đất, sau khi uống một thang thuốc, bệnh của con trai Vũ Phong liền khỏi. Năm đó, Giang Bảo Thần đậu cuộc thi hương, quả nhiên là xếp thứ 38.

Cố Nghiêu Niên dẫn người đánh quan sai là hành vi sai trái. Sau khi bị sát hại, phải chịu đói đi xin cơm, tất nhiên là rất khổ sở. Đó là hệ quả do kiếp trước ông ta lỗ mãng gây tội. Do đó, người sống trên đời, phải tuân thủ luật pháp, tránh mắc sai lầm!

(Trích trong “Tử bất ngữ” của Viên Mai đời Thanh)

Tuệ Tâm, theo Secret China