Trong thời đại phổ biến thông tin ngày nay, những hành vi tiêu cực của người Trung Quốc ở nước ngoài như: đi vệ sinh bừa bãi, ăn như sắp chết đói khi vào nhà hàng dù không hề đói khát… đã khiến phần còn lại của thế giới ngỡ ngàng. Chuyện xấu của người Trung Quốc ngày càng xuất hiện nhiều hơn trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Có nhiều lý giải đã được nêu ra nhưng tựu trung lại người ta đều lý giải rằng đó là bởi sự khác biệt trong giá trị nhân sinh quan của người Trung Quốc với người dân hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Trong vụ đắm tàu Titanic, triệu phú Isidor Straus, người đồng sáng lập công ty Macy’s của Hoa Kỳ, vào thời điểm đó đã từ chối lên xuồng cứu sinh để cứu phụ nữ và trẻ em, vợ ông cũng nhường cơ hội cho một người khác để cùng chồng đối diện với cái chết.
Mạng sống của triệu phú với mạng sống của những người nghèo là như nhau, cái làm nên sự khác biệt là sự cao cả của nhân cách. Hành động đó đã thể hiện quan niệm về sự bình đẳng trong cuộc sống được phản ánh qua sự lựa chọn của họ, đó là tấm lòng nhân ái, vị tha với người khác.
Sự khác biệt về quan niệm này, ngoài việc dẫn đến sự khác biệt trong lựa chọn hành vi cá nhân, cũng sẽ ảnh hưởng đến xu hướng phát triển của toàn xã hội. Khi một quốc gia hoặc một xã hội không tương thích với thế giới bên ngoài, nó sẽ dần bị gạt ra ngoài lề, và cuối cùng bị bỏ lại phía sau rất xa.
Một số người cho rằng phương Đông và phương Tây là hai hệ thống văn hóa hoàn toàn khác nhau, nhưng những giá trị phổ quát, cơ bản nhất thì ở đâu cũng vậy, là đức nhân nghĩa, biết nghĩ đến người khác trước khi nghĩ đến mình. Tuy nhiên, sau Cách mạng Văn hóa, nhiều truyền thống văn hóa tốt đẹp đã bị phá hủy một cách trắng trợn ở Trung Quốc. Những giá trị đạo đức muôn đời vẫn cần để níu giữ nhân tính lại bị đánh đồng là thủ cựu, cần phải phá trừ. Thay vào đó sự thù hận giai cấp được đẩy lên cao, con người với nhau như kẻ thù, luôn đề phòng nhau và tranh đấu sinh tồn.
Cách mạng Văn hóa theo thời gian có thể mai một dần trong ký ức cá nhân và cộng đồng, nhưng vết thương tâm lý do nó gây ra đối với người dân Trung Quốc Đại Lục là mãi mãi.
Hầu hết người trong xã hội Trung Quốc ngày nay đều tin tưởng thành công của một người được tính bằng tiền nhiều, địa vị xã hội cao, là một người vợ xinh đẹp, con cháu đề huề, sự xuất sắc trong học tập và những giá trị hình thức khác. Trong những bữa tiệc hoặc ở những nơi đông người, người ta thích khoe tiền nhiều, nhà đẹp, xe sang, và cả những cô vợ trẻ đẹp, nếu không có những điều kiện này thì sẽ bị xem là người thất bại.
Có vị tỷ phú Trần Quang Tiêu, tự nhận là “Trung Quốc thủ thiện” (người làm từ thiện đứng đầu Trung Quốc), so với nhiều người nước ngoài giàu có, tài sản của ông có lẽ chẳng là gì nhưng ông rất thích công khai sự giàu có đó trước bàn dân thiên hạ.
Ở các nước khác, ngay cả khi người ta có điều kiện kinh tế bình thường, nhưng miễn là họ có một công việc ổn định và một gia đình hạnh phúc, thì họ đều là những người thành công. Ngay cả khi bạn không có những điều đó, bạn có thể sống theo cách bạn thích và bạn vẫn có thể nhận được sự tôn trọng của người khác. Nhưng trong xã hội Trung Quốc ngày nay, nếu bạn chẳng có gì và bạn sống theo ý mình, thì bạn sẽ bị xã hội xa lánh và thường bị đem ra làm trò đùa.
Đối với người phương Tây, tiền không phải là duy nhất. Nhiều người giàu có thường không tích trữ tiền của cho con cái họ ngay cả khi họ có rất nhiều tiền. Họ chọn quyên góp và trả lại cho xã hội, họ sẽ không làm nô lệ cho tiền, nhưng sẽ vẫn kiếm sống từ xã hội để lo cho bản thân và gia đình, khi dư giả họ giúp đỡ những người thiệt thòi.
Không có gì lạ khi người Hoa ở nước ngoài cảm thấy rằng mỗi khi họ gặp khó khăn ở nước ngoài, người nước ngoài là những người đầu tiên giúp đỡ họ chứ không phải người Trung Quốc.
Hành vi của người Trung Quốc ngày nay quá dị biệt với thế giới, ví như việc vẽ bậy lên các di tích văn hóa (ảnh: Watson).
Khi một người chỉ biết đến bản thân mình, dùng mọi cách để lợi dụng người khác, làm lợi cho mình thì họ sẽ không có sự đồng cảm và cảm thông cho người khác. Trong xã hội Trung Quốc đã lan truyền câu nói:
“Trong những năm 50 mọi người giúp đỡ lẫn nhau,
Trong những năm 60 mọi người đấu tranh với nhau,
Trong những năm 70 mọi người lừa đảo lẫn nhau,
Trong những năm 80 mọi người chỉ lo cho chính mình,
Trong những năm 90 mọi người lợi dụng bất cứ ai mà họ gặp”.
Có lẽ xã hội Trung Quốc trượt trên con dốc đạo đức cho đến mức này, một phần là bởi cái lý thuyết tăng trưởng kinh tế lấn át hết thẩy, nhà nhà làm kinh tế, người người làm kinh tế. Ngày nay, sự theo đuổi của cải của xã hội Trung Quốc chưa có dấu hiệu dừng lại, việc hưởng thụ vật chất bên ngoài nhiều hơn so với những giá trị tình cảm giữa con người với con người.
Trong một xã hội mà bạn có thể cảm thấy thiện chí, mọi người sẽ đối xử tốt với nhau một cách thiện chí và nó tạo thành một vòng tròn đạo đức tốt đẹp, thì xã hội đó cũng ngày càng tốt đẹp hơn. Ngược lại, khi mọi người trong xã hội đấu tranh và cạnh tranh với nhau, khi bạn cảnh giác với người khác, ngay cả khi bạn có nhiều tiền, trái tim bạn vẫn thiếu sự an toàn và chứa đầy sợ hãi và tuyệt vọng.
Khi chúng ta có thể biến đổi các giá trị của mình và đối xử với mọi người xung quanh bằng thái độ cởi mở, hào phóng, tốt bụng và nhân hậu hơn, xã hội có thể phát triển theo hướng lành mạnh. Nếu không, chỉ với một xã hội đột biến như ngày nay, con người sống trong đó sẽ tiếp tục chìm xuống, hủy hoại bản thân, cũng như hủy hoại các thế hệ tương lai.