Tôn sư trọng đạo là một nét đẹp truyền thống của người xưa cũng như tại mảnh đất Trung Hoa. Đạo làm thầy luôn tôn quý, trang nghiêm. Thầy giáo là người truyền thụ luân lý đạo đức, tri thức, giá trị quan niệm, dạy cho người ta quy phạm hành vi trong đối nhân xử thế và cũng là biểu tượng của đạo đức. Trong “Lễ ký – Học ký” có viết: “Sư nghiêm, nhiên hậu đạo tôn; đạo tôn, nhiên hậu dân tri kính học.” Để có thể duy trì sự tôn nghiêm của thầy giáo không chỉ yêu cầu sự tôn kính và lễ nghĩa trong ngôn hành cử chỉ của học sinh với thầy mà còn là sự tôn trọng từ nội tâm, cần cù học tập, hiểu được đạo lý và uốn nắn bản thân. Dưới đây xin kể lại ba câu chuyện về tôn sư trọng đạo của người xưa.

van-hoa-than-truyen-4

Vua Nghiêu bái sư học đạo

Vua Nghiêu trị vì thiên hạ, giúp cho đất nước thanh bình, hiền tài được trọng dụng, nhân tài ở khắp mọi nơi. Nhưng ông vẫn lo mai một nhân tài, nên thường xuyên đi vào núi sâu để cầu hiền học đạo.

Một lần, vua Nghiêu đi đến núi Vương Ốc và nghe thấy có tiếng đọc sách văng vẳng ở trong rừng. Đi theo tiếng đọc vua tìm đến một ngôi nhà tranh thấy một đứa trẻ đang ngồi đọc sách. Vua Nghiêu thấy cậu bé đang đọc một cuốn sách kinh điển về đạo đức liền hỏi: “Cậu bé còn nhỏ tuổi thế mà đã có thể đọc hiểu được cuốn sách sâu sắc này hay sao?” Cậu bé đáp: “Từ đầu cháu cũng không hiểu lắm, nhưng được Sư phụ giảng nên cháu dần dần hiểu ra.” Vua Nghiêu nói: “Sư phụ của cậu là ai, tên họ là gì? Có đang ở đây không?” Cậu bé đáp: “Sư phụ của cháu họ Doãn tên Thọ, đi ra ngoài hái thuốc chưa về.” Vua Nghiêu lại hỏi: “Vậy sư phụ của cháu khi nào về?” Câu bé trả lời: “Cái này rất khó nói, có khi một tháng cũng có khi mười mấy ngày.” Vua Nghiêu thấy trong phòng toàn là sách, đa số đều là sách về đạo đức, còn có sách về thiên văn, vua nghĩ Doãn Thọ hẳn là một bậc cao nhân.

Trưa ngày hôm sau, vua Nghiêu lại sai tùy tùng chuẩn bị lễ vật, đến nhà Doãn Thọ, nhưng Doãn Thọ vẫn chưa về, còn cậu bé vẫn đang đọc sách, liền nói với cậu bé: “Ta muốn gặp thầy của cháu mà chưa có cơ hội. Nay vì việc ở kinh thành nên ta phải về ngay, phiền cháu chuyển lễ vật đến cho thầy. Mùa xuân năm sau ta sẽ lại đến.” Cậu bé nói: “Hôm qua cháu đã nghe hàng xóm nói ngài là Thiên tử, sư phụ cháu vốn ít giao thiệp với quý nhân, những lễ vật này cháu không dám nhận, xin ngài mang về cho.” Vua Nghiêu đành phải mang lễ vật về, tùy tùng đều cho rằng đứa trẻ này thật là vô lễ, vua Nghiêu nói: “Trẫm lại rất thích sự ngây thơ của cậu bé, quả là đứa trẻ hiếm hoi trên thế gian, không hổ là đệ tử của bậc cao nhân.”

Sau khi trở về vua Nghiêu kể lại câu chuyện của Doãn Thọ, trong đó có hai vị lịch quan là em vua đều nói Doãn Thọ quả là bậc đạo sỹ, vốn muốn tiến cử ông với vua, nhưng biết rằng ông ở ẩn không muốn ra làm quan nên không tiến cử nữa. Vua Nghiêu nói: “Trẫm nghĩ từ xưa đến nay các tiên đế đều cầu học bậc thánh hiền, như Hoàng Đế học Đại Điên, Chuyên Húc Đế học Lạc Đồ, Hoàng Khảo học Xích Tùng Tử. Doãn tiên sinh đạo đức cao siêu lại cao đạo không muốn ra làm quan, trẫm sẽ bái làm sư phụ, đến tận nơi học tập. Hai ngươi hãy nhân danh trẫm đến giới thiệu trước rồi trẫm sẽ đến gặp sau.” Hai người tuân lệnh.

Đông qua xuân về, vua Nghiêu cùng hai người anh em đi đến núi Vương Ốc, khi nhìn thấy ngôi lều tranh của Doãn Thọ từ xa, vua Nghiêu đã cho xe dừng lại, ba người cùng đi bộ vào. Đi đến lều tranh thì chỉ thấy đồng tử đang ngồi đọc sách, vua Nghiêu liền hỏi: “Sư phụ đâu?” Đồng tử vội vàng chạy vào bẩm báo. Sau đó, Doãn Thọ đi ra cung kính nói với vua: “Hôm trước thảo dân có việc đi ra ngoài nên ngài đến mà thảo dân không biết để đón tiếp xin ngài thứ lỗi. Thảo dân có nghe đệ tử kể lại ý vua, vô cùng lo lắng. Việc các bậc hoàng đế đi cầu học thời cổ đại là có, nhưng các vị ấy đều là những người thầy có đạo đức học vấn cao siêu hơn người thường, còn thảo dân đây chỉ là một kẻ ở trong núi sâu, học vấn đơn giản, đâu dám nhận là “thầy của vua”. Vua Nghiêu liền trả lời: “Đệ tử thực lòng muốn học, xin thầy giáo đừng từ chối.” Nói rồi vua đi đến bái thầy, Doãn Thọ vội vàng đáp lễ nhưng vẫn từ chối. Một vị lịch quan nói: “Chủ nhân của chúng tôi rất thành tâm, đã trai tịch sạch sẽ trước khi đến, xin tiên sinh đừng từ chối.” Lúc này Doãn Thọ mới đồng ý.

Doãn Thọ mời vua và hai người anh em ngồi xuống nói chuyện, Doãn Thọ giảng về đạo đức và thiên hạ, vua nghe cảm thấy khâm phục vô cùng. Vua Nghiêu nói: “Đệ tử muốn tìm một bậc đại thánh nhân để nhường ngôi vị, và muốn tìm những bậc hiền tài để trợ giúp.” Doãn Thọ nói: “Vua khiêm nhường như vậy, nếu gặp được bậc thánh nhân xuất thế thì quả là hợp với chí nguyện của ngài, đạo đức của ngài là tấm gương cho thiên hạ. Các bậc thánh nhân trong thiên hạ còn có Sào Phủ, Tử Châu Chi Phụ, Y Bạc Tử, Bị Y, Phương Hồi đều là những hiền sỹ chân chính, ẩn cư trong núi, không xuất thế nhân.” Về sau vua Nghiêu đều đến học hỏi những vị hiền sỹ này.

Vua Nghiêu ở trong núi Vương Ốc mười ngày, hàng ngày Doãn Thọ đều giảng cho vua những kinh điển đạo đức, tối đến cùng vua quan sát thiên tượng, giảng về thiên văn, lý của các ngôi sao và dự đoán. Từ đó, vua Nghiêu bất kể đông hè, thường đến học hỏi Doãn Thọ, vua rất cung kính đối với thầy, thường để cho Doãn Thọ ngồi trên còn mình ngồi dưới, hướng mặt về phía Bắc hành lễ cầu giáo.

Doãn Thọ nhiều lần giảng cho vua Nghiêu về đạo đức nhân nghĩa và đạo thanh tịnh vô vi. Vua Nghiêu thực hành rất nghiêm túc, thương yêu dân chúng, cai trị thuận theo thiên ý, khởi xướng đại đạo; định ra pháp luật, nghiêm cấm dối trá; khích lệ người dân phê bình những lỗi lầm của mình; xét xử công minh, trọng dụng hiền tài; nhân từ thương dân, luôn quan tâm đến bách tính muôn dân, trở thành một tấm gương trong việc trị vì đất nước.

“Sử ký” viết: Phẩm chất và tài trí của vua Nghiêu đều rất phi phàm, “kỳ nhân như thiên, kỳ tri như thần” (đức nhân của ngài như trời, trí của ngài như thần). Ông nêu cao tinh thần đạo đức, luôn lắng nghe ý kiến người dân, để lại cho hậu nhân một tấm gương về tinh thần tôn sư trọng đạo.

Sư Văn tôn sư kính học

Vào thời Xuân Thu, Sư Văn từ nhỏ đã lập chí học âm nhạc, khi ông nghe nói Sư Tương đánh đàn khiến cho chim chóc nhảy theo tiếng nhạc, cá nhảy ra khỏi mặt nước để nghe, liền chuẩn bị hành lý đến bái Sư Tương làm thầy.

Sư Tương là một người thầy nổi tiếng nghiêm khắc, không dễ dàng nhận đồ đệ, Sư Văn phải khẩn cầu ba lần, Sư Tương cuối cùng bị cảm động bởi thành ý và quyết tâm của ông nên đã thu ông làm đồ đệ. Sư Tương giảng nhạc lý cho anh, cầm tay dạy cho anh cách chỉnh đàn định âm, nhưng ngón tay của anh cứng nhắc, ba năm sau, cũng không đánh nổi một khúc nhạc hoàn chỉnh. Sư Tương nói với anh: “Con vẫn thiếu ngộ tính, học đàn không đủ chuyên tâm, tốt nhất là đi về đi.”

Sư Văn hối hận tự trách mình: “Con biết, là do con thường hay tâm thủ bất chuyên. Con không phải là không thể chỉnh được thanh, định chuẩn âm, cũng không phải là không biết tấu một nhạc chương hoàn chỉnh, điều con quan tâm không chỉ là âm điệu tiết tấu, điều con thực sự muốn là dùng tiếng đàn để biểu đạt nội tâm mình. Khi con chưa làm cho âm nhạc phát từ nội tâm, rồi cảm ứng đến nhạc cụ, nên tay cũng không thể phối hợp tốt với dây đàn. Xin thầy cho con thêm thời gian xem có thể tiến bộ được không.”

Từ đó, Sư Văn tĩnh tâm lại, chuyên tâm nhất trí, thanh trừ tạp niệm, hàng ngày chăm chỉ học tập, dụng tâm thể ngộ ý tứ mà âm nhạc biểu đạt, không ngừng hoàn thiện tu dưỡng. Một thời gian sau anh lại đến bái kiến Sư Tương, Sư Tương hỏi: “Bây giờ con đánh đàn thế nào rồi?” Sư Văn trả lời: “Đã chạm đến tâm can, xin thầy hãy nghe con đánh một khúc!”

Sư Văn bắt đầu căng dây đánh đàn, đầu tiên anh tấu âm thương thuộc kim âm, một khung cảnh của tháng tám mua thu hiện ra, tiếng đàn mang theo những làn gió thu mát mẻ, cây cỏ đều sắp đến mùa thu hoạch.

Sau mùa thu vàng óng, anh lại tấu một bài âm giác thuộc mộc âm, theo đó dường như có làn gió xuân ấm áp thổi về, hoa cỏ đâm chồi nảy lộc, đó là hình ảnh của một mùa xuân với vạn vật canh tân.

Tiếp đó Sư Văn tấu bài cung vũ thuộc thủy âm, hiện ra trước mắt là một mùa đông lạnh lẽo giữa tháng 11 với tuyết trắng bao phủ, sông hồ đóng băng.

Tiếp theo nữa, anh lại tấu cung chinh thuộc hỏa âm, đại biểu cho nhạc luật của tháng năm, khiến cho người ta cảm nhận thấy sự nắng nóng của một mùa hè rực lửa.

Khi nhạc khúc sắp kết thúc, Sư Văn tấu âm cung đầu tiên trong ngũ âm, kết hợp với thương, giác, vũ, chinh, từ bốn phía đều có gió nam thổi nhè nhẹ, những áng mây lững lờ trôi, dường như có một dòng cam lộ từ trên trời giáng xuống, dòng suối mát từ trong nguồn chảy ra.

Sư Tương nghe xong liền khen rằng: “Tiếng đàn của con quá mỹ miều! Thực sự đưa người ta như đi vào khung cảnh vậy!”

Thái độ học tập của Sư Văn vô cùng nghiêm túc, sau khi thầy giáo giáo huấn rằng trước tiên phải làm được dụng tâm chuyên nhất. Anh đã cảm ngộ được sự cao siêu của nghệ thuật âm nhạc, cái chí của âm nhạc không ở thanh, mà ở “đắc tâm ứng thủ”, nhấn mạnh vào tác dụng chủ đạo của “tâm hồn” trong diễn tấu âm nhạc, “nội đức vu tâm, phương năng ngoại ứng vu khí”. Điển cố thành ngữ “đắc tâm ứng thủ” cũng sinh ra từ đó, miêu tả việc nỗ lực đến nhà thầy học tập, vận dụng nhuần nhuyễn cả bàn tay và trái tim; nó đã trở thành một nguyên tắc học quan trọng trong diễn tấu âm nhạc cổ đại Trung Quốc.

Câu chuyện Sư Văn học đàn đã cho người ta một bài học rằng: Bất cứ việc gì cũng phải dụng tâm, học kỹ nghệ không chỉ là học kỹ thuật bên ngoài, mà còn cần lĩnh ngộ được nội hàm bên trong, hiểu rõ được cái lý, không ngừng đề cao tu dưỡng và ngộ tính, “đắc tâm” đi với “ứng thủ”. Dùng chính tâm, chính niệm để đạt được sự thanh tịnh, thân tâm hòa làm một, đạt đến cảnh giới tương hòa với trời đất.

Tử Hạ nối chí thầy

Tử Hạ, họ Bốc tên Thương, tự là Tử Hạ. Tử Hạ là người có chí học tập nên thường được Khổng Tử khen ngợi và là một trong những học trò xuất sắc của Khổng Môn.

Suốt cuộc đời Khổng Tử coi việc truyền bá văn hóa truyền thống là nhiệm vụ của mình, chu du khắp các nước hoằng đạo mà không màng khó khăn gian khổ. Tử Hạ chăm chỉ hiếu học, tinh thông hầu hết những kinh điển Nho giáo “Thi”, “Thư”, “Lễ”, “Dịch” và theo Khổng Tử đi khắp các nước. Sau khi Khổng Tử qua đời, Tử Hạ cùng các bạn đồng môn Tử Du, Trọng Cung biên soạn bản thảo của “Luận Ngữ”, đồng thời ghi chép lại những lời dạy của thầy thành ngôn luận, học thuyết, tư tưởng, câu chuyện. Tử Hạ kế thừa tư tưởng giáo dục của Khổng Tử, thêm một bước nữa nghiên cứu biên tập văn hiến cổ đại, đi khắp nơi giảng dạy truyền bá về đạo đức, truyền bá nghi thức lễ nhạc do Khổng Tử khởi xướng, đóng góp lớn cho sự phồn vinh văn hóa và giáo hóa dân phong tại nhiều nơi.

Khi còn theo học Khổng Tử, ông thường vấn đáp với thầy, Khổng Tử khen ông chính trực thẳng thắn, trong đầu không có tạp niệm. Nhờ những quan điểm độc đáo mà ông thường được thầy khen ngợi, ví dụ như lời nói sau: “Bác học nhi đốc chí, thiết vấn nhi cận tư, nhân tại kỳ trung hỉ.” Ý nghĩa là học sâu hiểu rộng và kiên trì chí hướng của mình, đào sâu tìm hiểu những sự việc chưa liễu giải được đồng thời suy xét đến năng lực của bản thân, thì nhân đức đã ở trong đó.

Một lần, đệ tử của Khổng Tử là Tư Mã Ngưu buồn rầu nói: “Người ta đều có huynh đệ, chỉ có đệ tử là không có.” Khổng Tử nói: “Người quân tử không buồn cũng không lo sợ.” Tư Mã Ngưu lại nói: “Thưa thầy, không buồn cũng không lo sợ thì là người quân tử sao?” Khổng Tử trả lời: “Không ngừng kiểm điểm bản thân thì còn điều gì phải buồn phải lo sợ nữa?” Ý nghĩa là người quân tử có thể thường xuyên kiểm điểm bản thân và không làm việc hổ thẹn với lòng mình thì có điều gì phải buồn rầu. Tử Hạ khuyên Tư Mã Ngưu rằng: “Thương văn chi hỉ: tử sinh hữu mệnh, phú quý tại thiên. Quân tử kính nhi vô thất, dữ nhân cung nhi hữu lễ; tứ hải chi nội, giai huynh đệ dã. Quân tử hà hoạn hô vô huynh đệ dã?” Ý nghĩa là người quân tử đối đãi với cuộc đời bằng thái độ siêu phàm. Đầu óc rộng mở, làm việc cẩn thận chắc chắn, đối với người khác thì cung kính lễ nghi, đi khắp thiên hạ đâu đâu cũng là huynh đệ, người quân tử sao phải lo lắng không có huynh đệ nữa?

Tử Hạ từng hỏi Khổng Tử về đức hạnh của vua Hạ Vũ, Thương Thang, Văn Vương rằng: “Đức hạnh của ba vị vua, lớn như trời đất, con xin mạo muội hỏi: Làm thế nào để hòa vào cùng với trời đất?” Khổng Tử nói: “Lấy tam vô tư để trị vì thiên hạ.” Tử Hạ lại hỏi: “Thế nào là tam vô tư?” Khổng Tử đáp: “Thiên vô tư phủ, địa vô tư tải, nhật nguyệt vô tư chiếu. Bổng tư tam giả dĩ lao thiên hạ, thử chi vị tam vô tư.” Tinh thần tam vô tư mà Khổng Tử nhắc đến là: Trời vô tư che chở vạn vật, đất vô tư ôm chứa vạn vật, nhật nguyệt vô tư soi chiếu cho vạn vật. Các bậc thánh vương ngày xưa đã đồng tâm với trời đất, mang theo tấm lòng vô tư và bao dung như trời, đất, nhật nguyệt đối với vạn vật, yêu thương và quan tâm đến dân. Khổng Tử còn giảng về đức hạnh của ba vị thanh vương trong “Thi kinh” rằng: “Thánh nhân tự thân đắc đức hành cự kỳ thanh minh, khí chất vi diệu như thần, kính sự thượng thiên, giáo hóa vạn dân.” Tử Hạ nghe thấy vô cùng cảm kích: “Đệ tử xin tiếp thu lời giáo huấn này của thầy!”

Khi làm huyện lệnh huyện Cử Phụ, Tử Hạ đã thỉnh giáo Khổng Tử về đạo làm quan, Khổng Tử dạy rằng: “Không cần vội vã truy cầu thành quả, không để mắt tới những lợi ích nhỏ bé. Vội vã truy cầu thành quả thì lại khiến mình không đạt được mục đích; để mắt đến cái lợi nhỏ thì không làm được việc lớn.” Khổng Tử còn giảng làm quan thì không những phải có trách nhiệm quản lý chính sự mà còn phải gánh vác trọng trách giáo hóa muôn dân, khi dạy dỗ đệ tử thì cần coi thiên hạ là trách nhiệm của mình, truy cầu nhân nghĩa đại đạo. Khi làm quan tại địa phương, Tử Hạ luôn cung kính học hỏi cách cai quản của các hiền sỹ, huyện Cử Phụ được bình yên và ấm no. Khổng Tử nói với các đệ tử rằng: “Tử Hạ thích được ở cùng với các bậc hiền minh, cho nên tu dưỡng đạo đức sẽ ngày càng tiến bộ.”

Khổng Tử coi trọng việc giáo hóa lễ nhạc, nhấn mạnh việc dùng lễ nhạc cảm hóa nhân tâm, khiến cho âm nhạc của con người thuận với thiên đạo, thành tựu việc dĩ “thành” vi bản, nhân cách “ôn nhu đôn hậu” của người quân tử. Vào thời lễ nhạc bị băng hoại, âm nhạc Trịnh Vệ thịnh hành, biểu hiện ra sự truy cầu những dục vọng vật chất, Khổng Tử phản đối âm nhạc của Trịnh Vệ, gọi đó là niệu âm. Ông cho rằng chỉ có âm nhạc hợp với đạo mới được gọi là âm nhạc, ông bắt tay vào phục hưng lễ nhạc, hoằng đạo tế thế. Tử Hạ giỏi về nhạc, sau khi Khổng Tử mất, ông ghi nhớ lời dạy của thầy, đi khắp nơi truyền bá, phổ cập lễ nhạc, giúp cho rất nhiều người có thể hát khúc cổ cầm “Huyền Ca”.

Một lần Tử Hạ gặp Ngụy Văn Hầu, Ngụy Văn Hầu nói: “Khi ta mặc y phục chỉnh tề đi nghe cổ nhạc, chỉ lo là sẽ ngủ mất; mà khi nghe những loại nhạc thịnh hành Trịnh, Vệ thì lại không thấy mệt mỏi. Cổ nhạc và nhạc hiện đại có gì khác nhau?” Tử Hạ nghiêm túc trả lời: “Cổ nhạc là nhã nhạc do các bậc thánh hiền lưu truyền lại từ thời Hoàng Đế, vua Nghiêu, vua Thuấn. Tiết tấu từ tốn và trang trọng, có nhiều ngụ ý. Tiếng nhạc hài hòa, khí thế rộng mở, điệu múa nhanh mà nho nhã chứ không trần tục. Còn âm nhạc hiện nay, một số chỉ có thể gọi là âm nhạc gây mê hoặc. Biểu diễn thì tạp loạn, thô tục nông cạn, ẩn chứa sự phóng đãng, không hề có nội hàm bên trong, khiến cho người nghe truy cầu sự dâm dục, ý chí suy đồi hoặc kiêu ngạo, hoàn toàn không tuân theo đức, nên không thể gọi là nhạc.”

Mọi người khuyên Tử Hạ ra làm quan để thay đổi môi trường, nhưng ông lại không muốn đi tranh giành chút lợi ích nhỏ, mà kiên trì ý chí “quân tử tiềm vu cơ hàn, nhi chí bất tịch” đi khắp nơi truyền giảng kinh điển nho giáo “Xuân thu”. Mục đích viết ra “Xuân thu” của Khổng Tử là thuật lại những diễn biến xã hội, sự băng hoại của lễ nhạc, Khổng Tử cho rằng thiên thượng sẽ dựa vào những hành vi thiện ác của con người mà giáng tội cho người đó, ông còn đưa ra những tai ương để cảnh cáo con người, giúp người ta nhận ra mà hối cải, bởi vậy “Xuân thu” nói về chuyện tai ương và nói lên thiên đạo. Trong khi truyền giảng “Xuân thu” Tử Hạ cũng nêu ra nhiều sự kiện lớn ở các nước, hy vọng mọi người lấy đó làm bài học lịch sử, dẫn cho thế nhân đến gần với các bậc thánh hiền, đi trên con đường chính đạo.

Khi Tử Hạ mở trường dạy ở nước Ngụy, ông chú trọng hướng dẫn học sinh về đạo đức. Ông còn dạy học sinh và bách tính truyền bá lễ nghĩa, khởi đầu văn minh, đạt được nhân đạo thông qua lễ nhạc.

Cổ nhân tôn trọng đạo, tôn trọng người thầy có đạo, gìn giữ sự tôn nghiêm của đạo làm thầy, khiến cho muôn đời sau phải noi theo và kinh trọng, truy cầu đạo đức cao thượng và tạo ra tín ngưỡng cao quý, học thầy đức, cảm ơn thầy, trở thành chân lý và đạo nghĩa.