Sau hàng loạt các hội nghị thượng đỉnh cấp cao của Chủ tịch Tập Cận Bình với các quốc gia châu Âu trong chuyến công du tới Đức vào tháng 3/2019, năm 2020 được dự kiến là năm ngoại giao của châu Âu và Trung Quốc. Vậy mà, tình thế này đã và đang thay đổi…
Châu Âu đã vô cùng tức giận với hành vi của Trung Quốc trong đại dịch viêm phổi Vũ Hán; từ việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) che giấu thông tin về sự bùng phát của virus Corona Vũ Hán khiến virus lây lan, tạo thành đại dịch toàn cầu, gây họa loạn đặc biệt cho châu Âu và Hoa Kỳ; đến cái giá “cắt cổ” mà Châu Âu phải trả cho các thiết bị y tế của Trung Quốc, cũng như sự mù quáng của WHO đối với hành động và tuyên truyền của Bắc Kinh. Cách xử lý của Bắc Kinh trong cuộc khủng hoảng đã lấy đi lòng tin của châu Âu.
Reinhard Buetikofer, một nhà lập pháp đảng Xanh của Đức, và là chủ tịch phái đoàn quan hệ với Trung Quốc thuộc Nghị viện Châu Âu, cho biết: “Trong những tháng qua, Trung Quốc đã ‘đánh mất’ châu Âu”. Ông trích dẫn những quan ngại về sự dối trá của ĐCSTQ trong giai đoạn đầu của dịch bệnh, về lập trường “cực kỳ hung hăng” của Bộ Ngoại giao ở Bắc Kinh, và “chiến dịch tuyên truyền đanh thép” về sự ưu việt của chế độ độc tài toàn trị của ĐCSTQ đối với nền dân chủ của phương Tây.
Ông nói: “Họ [ĐCSTQ] đã vô trách nhiệm để dịch bệnh bùng phát trên thế giới, mà lại thể hiện thái độ trịch thượng, không có thiện chí hợp tác”.
Trong khi chính quyền Tổng thống Trump công khai chỉ trích Trung Quốc, giới chức châu Âu có truyền thống kín tiếng hơn, và cũng một phần vì họ e ngại bị Bắc Kinh “trả đũa”. Trên thực tế, các chính trị gia ở Berlin, Paris, London và Brussels đang bày tỏ mối quan ngại và sự không hài lòng đối với những thông tin của Bắc Kinh về dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán, và thể hiện sự phẫn nộ sâu sắc với những hậu quả sâu rộng của nó. Một số thành viên EU đang theo đuổi các chính sách giảm phụ thuộc kinh tế vào ĐCSTQ, và kiểm tra các khoản đầu tư mang tính thâu tóm từ chính quyền này. Điều này có thể gây rủi ro cho quan hệ thương mại Trung Quốc-EU trị giá gần 750 tỷ đô-la Mỹ trong năm 2019.
Cách đây vài tuần, Trung Quốc tổ chức các buổi hội thảo trên mạng để chia sẻ kinh nghiệm ứng phó với đại dịch virus ở Vũ Hán – nơi khởi phát dịch bệnh. ĐCSTQ cũng viện trợ các vật tư y tế bao gồm thiết bị bảo hộ, các bộ kit xét nghiệm và máy thở cho các quốc gia bị thiệt hại nặng nhất ở châu Âu.
Đại dịch dường như đem lại cơ hội gắn kết song phương giữa Trung Quốc và châu Âu. Tuy nhiên, điều này không tồn tại được bao lâu…
Ông Joerg Wuttke, chủ tịch Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc, cho biết: “Bây giờ, mỗi khi nhắc đến Trung Quốc là bầu không khí ở châu Âu trở nên rất tiêu cực”.
Thái độ châu Âu đối với ĐCSTQ đã thay đổi!?
Ngày 25/3/2020, các Bộ trưởng Ngoại giao của nhóm G-7 đã họp qua điện thoại và thể hiện những quan ngại về cách thức Trung Quốc tiến hành trong và sau cuộc khủng hoảng. Các chính khách được thông báo rằng châu Âu và G-7 phải cảnh giác vì Bắc Kinh đang hoạt động “tự tin hơn, mạnh mẽ hơn”, cũng như đang tận dụng bối cảnh các quốc gia khác phải đóng cửa biên giới, theo một nguồn tin từ châu Âu.
Trên truyền thông, các quan chức Trung Quốc “ra rả” bài “tâm lý chiến”, rằng: “Khi sinh mệnh bị đe dọa, việc cứu người là tối quan trọng. Tranh luận ai hơn ai kém trong hai hệ thống xã hội khác nhau chẳng có ích gì”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên phát biểu trong một cuộc họp báo thường kỳ vào ngày 17/4/2020 rằng Trung Quốc đã sẵn sàng làm việc với cộng đồng quốc tế, bao gồm cả các nước châu Âu để “cùng chung tay bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của nhân loại”.
Tuy nhiên, thái độ của châu Âu đã thay đổi.
‘Vành đai và con đường’ khiến các công ty châu Âu bị thất thế trong bối cảnh đại dịch viêm phổi Vũ Hán
Hai năm gần đây, các chính phủ châu Âu đã cẩn trọng hơn với Trung Quốc khi “Sáng kiến Vành đai và Con đường” của Tập Cận Bình bành trướng về thương mại và cơ sở hạ tầng trên khắp lục địa, chiếm đoạt các tài sản chiến lược bao gồm các cảng biển, công ty điện lực và các công ty robot từ Địa Trung Hải đến Biển Baltic. Nhiều quốc gia ở châu Âu đang quan ngại về một sự đe dọa khác của chương trình được gọi là “Made in China 2025” của Bắc Kinh, với tham vọng dẫn đầu thế giới về công nghệ chủ chốt của ĐCSTQ.
Trong bối cảnh khủng hoảng của đại dịch, giá cổ phiếu sụt giảm đã khiến nhiều quốc gia, trong đó có Đức, thắt chặt quy định sàng lọc đầu tư do quan ngại rằng Trung Quốc có thể lợi dụng thời cơ này để kiểm soát cổ phiếu trong các công ty bị thất thế. Trong một cuộc phỏng vấn với Thời báo Tài chính, Ủy viên EU phụ trách lĩnh vực cạnh tranh Margrethe Vestager đã đề nghị các chính phủ châu Âu mua cổ phiếu của những công ty bị thất thế để ngăn chặn sự thâu tóm của chính quyền Trung Quốc.
Ủy viên EU phụ trách Thương mại Phil Hogan đề nghị tổ chức cuộc họp để thảo luận về vấn đề “làm thế nào để xây dựng chiến lược tự chủ”, thực hiện đa dạng hóa để đảm bảo chuỗi cung ứng. Nhật Bản đã dành 2,2 tỷ đô-la Mỹ từ gói kích cầu trị giá 1 nghìn tỷ đô-la Mỹ để di dời các công ty sản xuất của họ ra khỏi Trung Quốc.
Trong một cuộc gọi ngày 16/4/2020, các bộ trưởng thương mại EU đã thống nhất về tầm quan trọng của sự phát triển đa dạng hóa để giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc, không chỉ về vật tư y tế và công nghệ pin cho xe chạy điện, mà còn trong nhiều lĩnh vực khác nữa. Bước đầu tiên, Berlin lên kế hoạch sử dụng ngân sách quốc gia để bắt đầu dây chuyền sản xuất hàng triệu khẩu trang các loại vào cuối mùa hè năm nay. Trung Quốc hiện đang xuất khẩu 25% khẩu trang trên toàn thế giới.
Ông Joerg Wuttke cho biết cuộc thảo luận về chuỗi cung ứng bắt đầu khi Bắc Kinh đóng cửa cảng biển vào đầu năm 2020, làm dấy lên lo ngại rằng dược liệu sản xuất tại Trung Quốc sẽ không đến được châu Âu, và điều này cũng khiến các nhà hoạch định chính sách nhận thấy rằng cần phải đảm bảo nguồn cung đối với các sản phẩm chiến lược. Một quan chức châu Âu khác cho biết, thậm chí có nhà cung cấp chính thức từ Trung Quốc (không nêu tên) đã phá vỡ hợp đồng cung cấp máy thở, lừa đảo người dân, và phá hoại quan hệ đối tác. “Không nên để ‘toàn bộ trứng vào một giỏ’, người dân cần nhiều sự lựa chọn hơn nữa”, ông Wuttke nói.
‘Đốt cháy những cây cầu nối’ giữa Euro và Trung Quốc
Đương nhiên, kể từ thời điểm đó, nội dung của cuộc tranh luận chính trị ở châu Âu đã thay đổi. Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas nói với tờ Bild rằng việc Trung Quốc báo cáo bổ sung con số tử vong vào tuần giữa tháng 4/2020 là việc đáng “báo động”. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với Thời báo Kinh tế rằng “rõ ràng là phải có gì đó xảy ra mà chúng tôi không biết”. Bộ trưởng Ngoại giao Anh Dominic Raab cho biết sau khi đại dịch kết thúc, Anh sẽ không thể “tiếp tục quan hệ thương mại như thường lệ” với Trung Quốc nữa.
Tờ El Pais của Tây Ban Nha cho biết, sau khi gửi trả lại lô hàng kém chất lượng, Bộ Y tế nước này đã hủy đơn đặt hàng mua bộ kit xét nghiệm kháng nguyên từ công ty Bioeasy của Trung Quốc. Các nhà chức trách y tế phát hiện ra rằng cả hai bộ dụng cụ này đều bị lỗi.
Cuộc khủng hoảng virus Corona Vũ Hán đã khiến nước Anh đảo ngược quyết định cho phép tập đoàn công nghệ Huawei Technologies của Trung Quốc tham gia một phần vào mạng di động 5G của họ. Pháp có thể sẽ không ký hợp đồng với Huawei nữa. Đức sẽ đưa ra quyết định về vấn đề này vào khoảng giữa năm 2020.
Cô Janka Oertel, giám đốc chương trình châu Á tại Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu ở Berlin cho biết rằng Đức đóng vai trò chủ chốt trong diễn biến này. Dẫn đầu về kinh tế ở Châu Âu, Đức có lượng hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc năm 2019 cao hơn tổng hàng hóa xuất khẩu của Anh, Pháp, Ý, Tây Ban Nha và Hà Lan cộng lại.
Cô Janka Oertel nhận định rằng Trung Quốc vẫn có thể lấy lại sự ủng hộ và giành được vai trò lớn hơn trên thế giới, bằng cách chấp nhận yêu cầu mở cửa thị trường và kiến tạo một “sân chơi” bình đẳng hơn cho các doanh nghiệp quốc tế. “Đó là điều mà người dân châu Âu sẽ đánh giá rất cao”, cô nói. Tuy nhiên, như mọi lần, cô lưu ý: “Tôi không nghĩ rằng điều này có thể xảy ra”.
Theo : NTD