Oán trách, than vãn, chỉ mang lại cảm xúc tiêu cực, khiến bản thân trở thành kẻ ích kỷ, vị tư, chỉ biết nhìn vào lỗi lầm của người khác mà từ đó thất bại.

Trong cuộc sống, oán trách hoàn toàn là một loại cảm xúc tiêu cực, và đầy năng lượng tiêu cực, nó khiến người ta chỉ nhìn thấy khuyết điểm của người mà không thấy thiếu sót của chính mình. Phàn nàn về số phận chi bằng hãy thay đổi số phận; oán trách cuộc sống chi bằng hãy cải thiện cuộc sống.

Trong quan hệ giữa người với người, một khi bắt đầu có sự oán trách thì mối quan hệ giữa hai người đã xuất hiện nguy cơ, bất kể là mối quan hệ người thân, bạn bè hay đồng nghiệp đều như vậy cả.

Điều khủng khiếp nhất của sự oán trách là nó có thể làm mờ mắt người ta, khiến chúng ta không thể thấy được khuyết điểm của chính mình. Oán trách là một loại thói quen xấu, nó khiến chúng ta đổ hết những sai lầm cho người khác và quy hết mọi nguyên nhân vào bản thân sự tình, nó làm cho chúng ta bỏ qua hết những lỗi lầm và thiếu sót của chính mình.

Có thể nói rằng oán trách là một sự tự lừa dối đáng sợ. Những người thích oán trách chắc chắn là rất hèn nhát yếu đuối, họ không dám tự mình chịu trách nhiệm, mà đẩy hết trách nhiệm cho cuộc sống và cho những người khác để lừa dối bản thân, sống trong khổ sở và hèn mọn.

Bằng cách oán trách, chúng ta chỉ nhìn thấy những sai lầm của người khác, mà che đậy đi những sai lầm và khiếm khuyết của bản thân, và rồi càng ngày càng lún sâu hơn vào thói quen này.

Oán trách là một vòng luẩn quẩn không lối thoát. Người càng không có năng lực thì càng hay oán trách, người càng hay oán trách thì càng nghèo, người càng nghèo thì càng hay than vãn, càng than vãn thì càng thích bào chữa, càng tìm nhiều lý do thì càng trốn tránh trách nhiệm, càng trốn tránh trách nhiệm thì lại càng vô dụng.

Sống trên đời này thay vì trách than về điều gì đó, chi bằng hãy hoàn thiện bản thân, rũ bỏ mọi oán trách để khám phá niềm vui của cuộc sống. Câu chuyện về Tăng Quốc Phiên và những người em trai, cùng những bài học chu du các nước của Khổng Tử dưới đây, hy vọng có thể giúp chúng ta hiểu rằng cuộc sống không cần oán trách, tất cả đều đã có an bài.

Cuộc sống không cần oán trách, tất cả đều đã có an bài - ảnh 2Tăng Quốc Phiên. (Ảnh: Pinterest)

Cả đời của Tăng Quốc Phiên có thể được xem là khá êm đẹp thuận lợi, công thành danh toại. Nhưng em trai của ông thì không được tốt như vậy. Người em thứ 4 và thứ 6 của ông đều là dùng tiền để mua chức Giám sinh, người em thứ 9 và người em nhỏ nhất tuy là thi đỗ tú tài, nhưng cũng chỉ dừng lại ở đó. Bốn người em trai này khá là âu sầu phiền muộn, nên thường nói rất nhiều lời than vãn.

Người em thứ 6 của Tăng Quốc Phiên là Tăng Quốc Hoa rất có tài thiên phú trong sáng tác văn thơ, Tăng Quốc Phiên luôn hy vọng người em này có thể đỗ đạt làm nên sự nghiệp nhờ tài năng văn chương này.

Tăng Quốc Hoa cũng rất tự tin, nhưng trong các kỳ khoa cử, ông lại luôn gặp bất lợi. Đây là một đả kích rất lớn đối với ông, một chàng trai trẻ từng có ý chí rất cao mà lại liên tục thất bại trong khoa cử như vậy, tâm lý của ông đã suy sụp cùng cực, và rồi ông cứ không ngừng oán thán.

Tăng Quốc Hoa than trách rằng quan khảo thí không có tầm nhìn, không hiểu được bài viết của mình; thậm chí ông còn oán trách cả người vợ, không biết tự lo thân khiến ông không thể dồn hết sức để học. Nhưng từ đầu chí cuối ông chưa bao giờ đi tìm nguyên nhân từ bản thân.

Sau khi Tăng Quốc Phiên biết chuyện, liền viết thư gửi đến cho Tăng Quốc Hoa, trong thư đã mắng người em này một trận ra trò. Tăng Quốc Phiên nói: “Đệ thi không đậu đều là tại đệ đã không nỗ lực, không chịu cầu tiến, giờ còn trách ai đây? Đệ có tư cách gì mà than trách chứ!”

Trong mắt của Tăng Quốc Phiên, oán trách quá nhiều là một biểu hiện của kẻ vô tích sự, người như vậy khi gặp một chút trắc trở liền không ngừng than trách, đó là người không có tương lai.

Tăng Quốc Phiên nói: “Nếu than vãn quá nhiều, thì sẽ càng có nhiều áp lực hơn. Nếu vô cớ oán trời thì trời sẽ không cho, nếu vô cớ trách người thì người sẽ không phục, điều này rất có lý lẽ”.

Những người than phiền quá nhiều, con đường phía trước chắc chắn sẽ không dễ đi, bởi vì họ không biết tự xem xét bản thân, không biết cải thiện và nâng cao giá trị. Thất bại là không thể tránh khỏi, và những lời than phiền của họ sẽ gây phản cảm với người khác, khiến người khác phải tránh xa.

Trong “Luận ngữ – Hiến vấn”, Khổng Tử đã từng nói: “Không oán trời, không trách người, học điều nhỏ nhặt biết thứ lớn lao, chỉ có trời mới hiểu được ta!”.

Khổng Tử chu du nhiều nước, gặp đủ mọi chuyện xúi quẩy trên đời, có lúc giống như kẻ lang thang không nhà, nhưng ông không bao giờ than trách cả. Khổng Tử không oán trời, không trách người, mà biết tu thân dưỡng đức, hoàn thiện bản thân mình.

Người trưởng thành mà biết tự tìm ra nguyên nhân từ bản thân mình là tốt rồi. Không có loại nỗ lực nào là lãng phí cả, mọi thứ đều đã có an bài. Phải tin rằng, chúng ta chỉ cần cố gắng thì dù cho không thành công cũng sẽ có những gặt hái khác.

Loại người không chịu cố gắng, mà đến khi gặp thất bại lại còn oán trách người khác, than phiền về sự việc thì chính là loại người vô tích sự nhất, không còn hy vọng nhất.

Theo Tinh Hoa