Người xưa rất chú trọng giường ngủ. Trên chiếc giường có ẩn chứa lịch sử văn hóa lâu đời, ngoài ra hình dáng còn rất bắt mắt và thể hiện công phu chế tác. Đồng thời đạo lý đằng sau chiếc giường ngủ cũng là một bài học quý giá cho con người hiện đại.
Văn hóa truyền thống phương Đông là một nền văn hóa uyên thâm, không những đã thấm sâu vào từng cách nghĩ, hành động của con người, mà còn thể hiện qua cách thiết kế những đồ gia dụng khác nhau trong gia đình. Mỗi món đồ nội thất cổ đều là bản sắc văn hóa truyền thống và là sự kết tinh trí tuệ của người xưa.
Vào thời cổ đại, giường không chỉ là nơi nằm ngủ mà còn là chỗ ngồi nghỉ tạm thời. Chiếc giường đầu tiên có nguồn gốc từ thời nhà Thương ở Trung Quốc, cũng có những truyền thuyết cho rằng Thần Nông đã phát minh ra chiếc giường vào thời cổ đại. Trong thời nguyên thủy, chỗ ngủ của con người cũng rất khiêm tốn, chỉ cần vài cành cây hoặc da động vật mắc thành võng mà nằm. Sau này khi công nghệ dệt xuất hiện, người ta làm thêm chiếu, sau khi chiếu xuất hiện, hình dáng của chiếc giường cũng dần hoàn thiện.
Trong Giáp cốt văn thời nhà Thương cũng có những ký tự hình chiếc giường. Điều này chứng minh giường đã có từ thời nhà Thương, nhưng nó không phải chỉ dùng để ngủ. Từ thời Xuân Thu, chiếc giường có công dụng gấp đôi những đồ gia dụng khác, trên đó người ta có thể đọc sách, luyện chữ, thậm chí là ăn uống.
Giường hoa cái thời nhà Thanh (ảnh: Sandstein/ Wikipedia).
Ngoài những công dụng khác nhau ấy, chiếc giường đơn giản vậy cũng hàm chứa những đạo lý về lễ nghĩa. Người Việt có câu: “Cắt không ngay không ăn, chiếu trải lệch không ngồi” để nói các bà mẹ khi mang thai phải hành xử ngay chính từ những việc nhỏ để rèn mình, sau còn đủ tư cách mà rèn con thành người.
Trong Thuyết văn giải tự, có một đoạn nói về chữ “giường” trong thời cổ đại: “Không được lên giường một cách bừa bãi, những người khác nhau, ngủ ở những loại giường khác nhau”. Theo những ghi chép của Kinh Lễ: “Tăng Tử vì chiếc chiếu tre trên giường không hợp với quy định, mà khi gần qua đời, đã yêu cầu phải đổi bằng được mới yên tâm ra đi”.
Từ đó có thể thấy, giường ngủ trong quy tắc của người xưa quan trọng như thế nào. Làm người phải ngay chính, nên đi đứng nằm ngồi cũng phải ngay chính, đến cái chiếu, cái giường cũng phải ngay ngắn, chỉnh tề.
Giường ngủ cho con cháu
Ở thời cổ đại, giường cho con cháu trong nhà khi chưa có gia đình riêng rất khác biệt với những chiếc giường của những người lớn trong gia đình. Từ những chiếc giường mà người xưa chuẩn bị cho con cháu của họ, chúng ta có thể thấy triết lý giáo dục thâm sâu.
Ảnh: Wikipedia.
Giường cho con cháu thường là giường tán hoặc là giường bạt bộ, “giường tán” được người xưa coi là chiếc giường phù hợp nhất cho những đứa trẻ chưa trưởng thành ngủ trên đó, vì thế những chiếc giường tán khá đơn giản. Thân giường kiên cố, không những có lợi cho sự phát triển xương của những đứa trẻ trong nhà, đồng thời giáo dục chúng phải bước đi thẳng và làm người một cách thẳng thắn, chân thành. Thông qua hình thức thể hiện ngầm có thể thấy những kỳ vọng của người xưa dành cho con cháu.
Ngoài ra, loại giường tán này thường đơn giản và thanh lịch, và chạm khắc nhiều hơn về một số chủ đề như hoa mận và hoa cúc và phong cách Tứ quý để con em luôn cố gắng học tập chăm chỉ trở thành người tử tế.
Giường của người đã kết hôn
Dù ở thời cổ đại hay hiện đại, hôn nhân đều là một sự kiện rất quan trọng. Do đó, người xưa cũng rất chú ý đến chiếc giường sau khi kết hôn. Một số người cũng sử dụng giường tán cho giường cưới của họ, nhưng đa phần, các gia đình lớn sẵn sàng chi nhiều tiền để làm một chiếc giường bạt bộ làm giường cưới.
Giường cưới cổ (ảnh: deror_avi/ Wikipedia).
Trên những chiếc giường này có những nét chạm khắc và hội họa vô cùng ý nghĩa và thú vị. Ngoài các mô hình tượng trưng cho sự may mắn và một số câu chuyện trong văn hóa dân gian. Nó trở thành bí mật của những cặp vợ chồng và không tiện để người ngoài nhìn thấy. Đây cũng là sự khéo léo của người xưa.
Giường của người lớn tuổi
Thuật ngữ “giường trường thọ” là khá phổ biến ở khu vực Giang Nam, Trung Quốc. Đây là chiếc giường của người đứng đầu gia đình hay là người đàn ông lớn tuổi nhất trong gia đình. Khi người đàn ông lớn tuổi nhất trong gia đình chết đi, mỗi người con cháu trong gia đình đều phải ngủ trên chiếc giường trường thọ một lần, ngụ ý để có được một cuộc sống khỏe mạnh và lâu dài như người quá cố. Sau đó chiếc giường trường thọ này sẽ được truyền cho người đứng đầu mới của gia đình, để nó được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, nghĩa là đời này qua đời khác, thế hệ tương lai sẽ có một cuộc sống trường thọ và cũng có ý nghĩa thịnh vượng.
“Giường trường thọ” còn được gọi là giường “trăm phúc nghìn công”, trong số những loại giường thì giường “trăm phúc nghìn công” được gọi là giường trường thọ tốt nhất, chỉ có những gia đình giàu có mới có thể sở hữu loại giường này, hầu hết chúng được làm từ gỗ hồng sắc, gỗ hương… có tuổi thọ rất bền và chắc chắn. “Nghìn công” để chỉ rằng để làm ra chiếc giường trường thọ này, người công nhân chế tạo đã phải dành hàng nghìn giờ đồng hồ, chăm chỉ, tỉ mỉ, thậm chí là dành cả 3 năm trời mới có thể chạm khắc nên chiếc giường này. Chiếc giường này rất sang trọng, xung quanh giường được chạm khắc rất nhiều chữ phúc, biểu thị sự may mắn, phước lành, và một cuộc sống dài lâu. Ngoài ra trên giường còn chạm khắc rất nhiều đề tài khác nhau, thể hiện lòng hiếu thảo của người xưa.
Giấc ngủ là một cơ chế bảo vệ và cần thiết cho sức khỏe và sự sống còn của con người, và giấc ngủ cũng chiếm một phần ba cuộc sống, vì thế từ rất sớm người xưa đã chú trọng đến giấc ngủ thông qua những chiếc giường ngủ. Đó không chỉ là nơi để con người có thể thoải mái đi vào giấc ngủ mà còn truyền tải những giá trị văn hóa truyền thống. Sau này, cùng với sự thay đổi của thời gian, chiếc giường trở thành một món đồ nội thất lớn trong gia đình của những người hiện đại, nhưng vẫn truyền tải nét văn hóa kiến trúc, văn hóa của đồ nội thất, văn hóa quốc gia, bao gồm đời sống, kinh tế, nghệ thuật và văn hóa quần chúng.