“Xin lỗi” là một câu nói phổ biến ở những quốc gia văn minh nhưng cách nói xin lỗi ở Đài Loan có đôi chút khác biệt và cũng không giống với những nước nói tiếng Hoa khác. Bạn có nghĩ rằng, người ta xin lỗi ngay cả khi chuẩn bị nói lời yêu với vị hôn thê của mình?
Tác giả Leslie Nguyen-Okwu mở đầu bài viết về cách nói xin lỗi ở Đài Loan đăng trên BBC bằng một câu chuyện về một cặp đôi sắp cưới. Yun-Tzai Lee và Joanne Chen giống như nhiều cặp đôi người Đài Loan khác, dù họ có nhiều cử chỉ thân mật đáng yêu dành cho nhau, nhưng ba từ “anh yêu em” hay “em yêu anh” lại không dễ cất thành lời. Mặt Lee chuyển sang đỏ khi anh nghĩ đến việc thốt ra ba từ đó và đó chính là cảm giác “bất hảo ý tứ” mà nhiều người Đài Loan trong hoàn cảnh này sẽ đồng cảm.
Cụm từ “bất hảo ý tứ” (不好意思) hay tạm chuyển nghĩa là “thật ngại quá”, “xin lỗi vì đã làm phiền”, “xin lỗi vì sự bất tiện”… là một trong nhiều cách nói xin lỗi của người Đài Loan. Với nghĩa từng từ được dịch ra là “ý tứ xấu”, đây là cách nói xin lỗi hầu như chỉ được dùng ở Đài Loan mà hiếm khi xuất hiện ở cộng đồng nói tiếng Hoa khác như Trung Quốc đại lục hay Macao.
“Bất hảo ý tứ” được sử dụng trong trường hợp bạn muốn thu hút sự chú ý của người phục vụ cho đến việc bày tỏ cảm giác tội lỗi, làm phiền người khác như khi bạn chuẩn bị thú nhận tình yêu với ai đó. Thậm chí, như giáo sư Chia-ju Chang thuộc trường Đại học Brooklyn, New York đã nói rằng, người Đài Loan còn sử dụng nó để bắt đầu một cuộc trò chuyện.
Khi đi tàu điện ngầm ở Đài Bắc, bạn sẽ nghe thấy một đoạn điệp khúc “bất hảo ý tứ” khi hành khách rón rén đi qua người khác một cách khiêm tốn. Bước vào một lớp học, bạn sẽ thấy học sinh bắt đầu và kết thúc mỗi câu hỏi với “bất hảo ý tứ” khiêm nhường cùng cảm giác mắc nợ và biết ơn. Mở một bức thư điện tử, dòng đầu tiên thường sẽ là cụm từ ngụ ý xin lỗi này, vì đã làm phiền bạn ngay cả khi đó là những thông tin ưu đãi dành cho bạn. Và nếu một người thân thiết tặng bạn một món quà, lời hồi đáp đúng không phải là “tôi cảm ơn” mà là “bất hảo ý tứ” vì sự bất tiện mà bạn đã gây ra cho họ. Thật là kỳ cục, nhưng cũng không hề vô lý chút nào.
Là quốc gia lưu giữ các triết lý đạo đức cơ bản của Nho giáo (cùng với Nhật Bản) tốt hơn cả ở cái nôi của nền văn hoá này (Trung Quốc), người Đài Loan coi trọng sự khiêm nhường và cung kính khi giao lưu với người khác.
Khác với Trung Quốc, Đài Loan còn lưu giữ được rất nhiều nét tinh hoa của văn hóa truyền thống (ảnh: Secrets).
Văn hoá khiêm nhường chứa đựng nội hàm vô cùng sâu sắc. Lão Tử nói: “Người không tự cho mình là đúng thì trí óc mới có thể sáng suốt, người không khoe khoang thì công trạng của họ mới có thể được khẳng định, người không kiêu ngạo thì sự nghiệp mới có thể phát triển”. Thế nên trong văn hoá Nho gia xưa, “khiêm nhường là gốc của đức”, “người khiêm nhường có thể đứng trước mọi người, kẻ cậy công ngạo mạn đứng sau mọi người”. Bởi khiêm tốn thì mới có thể mở lòng dung nạp những ý kiến, tính cách khác biệt của người khác, tôn trọng người khác.
Nho gia lấy nước làm ví dụ về sự khiêm nhường, không ngại hạ mình chảy chỗ thấp để dung nạp mọi thứ như biển dung nạp trăm sông. Sách Thượng Thư cũng có viết: “Tự mãn thì tổn hại, khiêm cung thì thọ ích” (Mãn chiêu tổn, khiêm thụ ích). Nên khiêm nhường là mỹ đức được lưu truyền ở các nền văn hoá còn lưu giữ các giá trị phổ quát của Nho gia.
Việc luôn đặt mình ở thế dưới, kiềm chế sự bành trướng của cái tôi là để chân thành học hỏi, để ghi nhận người khác và để đối xử với người khác như với bản thân mình. Thế nên phô trương bản thân, không biết nghĩ đến sự bất tiện của người khác là một điều thiếu hiểu biết và dại dột.
Câu nói “mệnh do mình tạo, phúc do mình cầu” không phải như cách con người ngày nay lý giải dựa trên sự tự tin và tự tôn. Theo quan điểm khiêm nhường của người xưa, thì khi ta thuận theo đạo, mà một đạo lý trong đó là biết khiêm tốn, cung kính với tha nhân và vạn vật, thì phúc đức sẽ theo tới, số mệnh từ đó chẳng phải là tốt đẹp hơn do sự thực hành đạo đức của mình sao.
Ngại làm phiền người khác chính là từ sự khiêm nhường mà ra, lâu dần nó hình thành một nét văn hoá đại chúng của người Đài Loan và Nhật Bản hiện đại.
Chưa biết người Đài Loan có thấy cuộc sống của mình tốt đẹp hơn thật không, nhưng ít nhất theo báo cáo Expat Insider Index của tổ chức InterNations, Đài Loan luôn được xếp hạng là một trong những quốc gia thân thiện nhất thế giới. Khoảng 90% người nước ngoài ở Đài Loan đã cho cư dân ở đảo quốc này điểm cao về lòng hiếu khách, so với mức trung bình 65% ở các quốc gia còn lại được khảo sát. Ngày nay, hơn một phần ba người nước ngoài đang cân nhắc việc ở lại trên hòn đảo nhỏ này mãi mãi, theo khảo sát trên 12.500 người được hỏi từ khắp nơi trên thế giới.
Sự thân thiện của họ đã giành được cảm tình của thế giới và đó chẳng phải chính là phúc đức của dân tộc tới từ văn hoá truyền thống khiêm nhường đầy nội hàm sao?
Có người nói rằng văn hoá “bất hảo ý tứ” của Đài Loan có mặt trái là sự yếu đuối, không thích đối đầu, nên họ vẫn mãi là một hòn đảo chưa được cả thế giới công nhận là quốc gia độc lập. Nhưng tôi chưa cảm thấy lý lẽ đó thuyết phục, Đài Loan ngày nay đang ngày một vươn lên khẳng định mình, nhưng vẫn giữ lại truyền thống khiêm nhường chủ đạo.
Khiêm nhường không phải là yếm thế, hèn nhát, mà chính là từ việc biết mình biết người mà cảnh giới tư tưởng không ngừng thăng hoa, ý chí mạnh mẽ ở bên trong sự điềm đạm, trầm tĩnh. Vì thế mà khi gặp sự bất bình, bất ngờ phi lý mới không thất kinh hay tức giận. Người như thế sao sợ hãi và nhu nhược cho được! Đài Loan ngày nay đang là nỗi đe doạ lớn với Trung Quốc dù chỉ là một quốc gia quá nhỏ bé. Ở cách Trung Quốc một eo biển hẹp, vậy mà họ vẫn kiên cường với lý tưởng độc lập của mình, liệu đó có thể là một quốc gia yếu nhược không?
Giáo sư Wenhui Chen, thuộc trường Đại học Ming Chuan cho biết, nếu xã hội nào còn giữ được khái niệm xin lỗi như Đài Loan và diễn đạt những từ này hàng ngày, thì xã hội đó có thể lịch sự hơn, đạo đức hơn và truyền thống hơn. Nếu không còn biết nói lời xin lỗi, xã hội sẽ trở nên bất lịch sự, vô đạo đức và hung hãn. Vì thế, “bất hảo ý tứ” dù có dần trở thành lời nói đầu môi, khách sáo và quen thuộc đến mức người ta không còn nhớ về nguồn gốc của nó, thì nó vẫn cần tồn tại. Không những thế, nó nên được thế giới biết tới để cùng tôn vinh lại những văn hoá truyền thống giúp lưu giữ đạo đức của con người.