Trong lịch sử có không ít tăng nhân đạo sĩ, nhìn bề ngoài tưởng điên nhưng thực chất không hề tầm thường. Đời Tống xuất hiện vài vị tăng điên, ngoài vị ‘tăng điên’ Tế Công, Phong Ba hòa thượng ra, còn có một vị tên là Ngô Tăng Già, trong nhân gian đã lưu truyền lại vô số câu chuyện truyền kỳ về ông.
Ngô Tăng Già là tăng nhân ở huyện Tín Phong, Giang Tây thời nhà Tống, pháp danh là Văn Hữu, tục tính là Ngô. Lúc đầu, sau khi xuất gia, ông ngao du khắp nơi, cuối cùng đến vùng núi non của Cám Châu, tự mình dựng lên một am nhỏ, tu hành ở đó trong thời gian dài. Sau đó ông rời khỏi tiểu am, trú ngụ ở viện tăng già tại Diệu Tịnh tự huyện Vu Đô Giang Tây (Vu Đô ngày nay), làm chức vụ tăng nhân chủ sự trong viện. Vậy nên người ta gọi ông là ‘Ngô Tăng Già’.
Tăng điên không điên, chưa bói đã biết rồi
Ngô Tăng Già có lúc điên điên khùng khùng đi bộ trên đường, mọi người không biết ông gặp phải chuyện gì. Nếu trên đường gặp người lương thiện, ông liền cung kính cúi lạy hành lễ với người đó. Nếu như gặp phải người tham lam, hung bạo, bất nhân, thì mắng người đó không bằng con chó con lợn. Những kẻ độc ác nghe xong rất tức giận, chửi bới hò hét đuổi ông đi. Ngô Tăng Già liền chạy vào trong rừng trúc, trốn đám người đó.
Sau khi ông vào rừng trúc, liền hô hoán cầu cứu, còn đập vào một cây trúc và nói: “Rừng trúc rộng lớn như vậy, mà lại sắp thành chổi quét nhà rồi”. Không ngờ rằng, chưa đến mười ngày sau, hàng trăm ngàn cây trúc đều chết khô. Chủ nhân của rừng trúc này vốn là một người độc ác nham hiểm, sau khi rừng trúc chết khô, nhà ông ta cũng lụi bại.
Điều trùng hợp là, đằng sau của Diệu Tinh tự cũng có một rừng trúc, trong đó có một cây trúc khổng lồ. Đột nhiên vào một buổi tối, Ngô Tăng Già chạy đến chỗ cây trúc, đập vào thân cây, ngẩng đầu cất giọng hát. Trong đêm khuya thanh vắng, tiếng hát của ông vang vọng tứ phương.
Liên tiếp vài đêm, ông đều hát như vậy. Tăng nhân trong tự không chịu nổi, bèn chặt cây trúc đó đi. Điều bất ngờ là, cây trúc vừa đổ, thì bất ngờ một ngọn linh chi tím mọc lên từ rễ cây trúc, cao khoảng một xích, vô cùng kì lạ.
Dân chúng tôn kính dâng cơm chay, tăng điên tặng lại ‘hai hạt trân châu’
Ngô Tăng Già thường đi lại trên đường một cách điên loạn, mọi người không biết chuyện gì đang xảy ra. (Ảnh qua Epochtimes)
Tuy rằng Ngô Tăng Già thường đi lại trên đường một cách điên loạn, nhưng cũng có vài người dân thường cho rằng ông không tầm thường. Trong huyện có một cư dân tên là Tằng Đức Thái, đã cao tuổi, mà vẫn chưa có con cháu. Ông và vợ bàn tính cùng nhau chuẩn bị cơm chay cho Ngô Tăng Già, cầu xin một đứa con. Hai vợ chồng mới chỉ vừa quyết định, chưa kịp đi mời.
Sáng sớm ngày hôm sau khi hai người vừa ngủ dậy, Ngô Tăng Già đã tự mình đẩy cửa bước vào, dường như ông có linh cảm vậy, nhìn thấy được suy tư trong lòng của đôi vợ chồng. Tằng Đức Thái nhìn thấy ông thì vô cùng kinh ngạc, mau chóng cung kính dâng cơm chay cho ông.
Trước khi Ngô Tăng Già đi, ông nói với Tằng Đức Thái rằng: “Nên báo đáp hai người như thế nào bây giờ? Chỉ có thể tặng cho hai hạt trân châu”. Sau đó, vợ chồng Tằng Đức Thái liên tiếp sinh ra hai đứa trẻ, ứng với ‘hai hạt trân châu’ mà Tăng Già đã nói.
Hiểu rõ cả những chuyện nhỏ vặt vãnh
Trong một số sự việc nhỏ, Ngô Tăng Già cũng bộc lộ năng lực tiên tri của mình. Có một lần, Ngô Tăng Già muốn xin một dân phụ ít rau xanh để ăn, hi vọng cô ta có thể chuẩn bị một ít. Dân phụ đồng ý. Hôm đó, dân phụ chuẩn bị nhiều rau xanh đặt trên bàn. Sau khi chồng cô ta về, thấy trên bàn bày nhiều rau xanh, tức giận trách móc cô là đã quá lãng phí.
Lúc này Ngô Tăng Già đến, yêu cầu dân phụ chuẩn bị cho nhiều nước tương giấm, nhúng rau xanh vào tương giấm bắt đầu ăn sống. Ông ăn không ngừng nghỉ, còn suýt nghẹn vài lần. Dân phụ nói: “Ăn no là được rồi, hà tất phải ăn hết?”. Ngô Tăng Già nói: “Để vợ chồng nhà cô đỡ phải cãi nhau”.
Vì có quá nhiều rau, Ngô Tăng Già không muốn lãng phí, cũng là để đôi vợ chồng nọ không cãi nhau vì chuyện đó, nên quyết tâm ăn hết. Chồng của dân phụ nghe thấy câu nói đó liền cảm thấy kinh ngạc. Ngô Tăng Già không hỏi, mà cũng biết chuyện vừa rồi dân phụ đã bị trách mắng.
Sư Định Ứng tiết lộ bí mật, tăng điên quả nhiên là Phật sống
Sư Định Ứng tiết lộ bí mật, tăng điên quả nhiên là Phật sống. (Ảnh minh họa)
Một người dân huyện Vu Đô là Tôn Đức Tuấn quyết tâm học theo Phật, anh ta đi đến Khánh Nham tự ở Vũ Bình Đinh châu (nay là thành phố Long Nham tỉnh Phúc Kiến) để bái kiến Định Ứng hòa thượng. Hòa thượng Định Ứng nói: “Vu Đô của các người đã có Phật, tại sao phải đến tận đây bái kiến ta?”.
Tôn Đức Tuấn hỏi: “Xin hỏi ai là Phật vậy?”. Định Ứng hòa thượng nói: “Chính là đồ đệ Ngô Tăng Già của ta. Ngươi hãy mang chiếc quạt của ta tặng cho ông ấy”.
Tôn Đức Tuấn đem theo chiếc quạt của Định Ứng quay về Vu Đô. Thuyền khách vừa cập bến, Ngô Tăng Già đã đứng sẵn ở trên bờ đợi. Ông nói với Tôn Đức Tuấn: “Chiếc quạt mà sư phụ ta tặng ta đâu rồi?”.
Tôn Đức Tuấn nhét chiếc quạt cùng với vài chục chiếc quạt khác, Ngô Tăng Già vừa nhìn, đã rút ngay ra chiếc quạt mà Định Ứng hòa thượng tặng. Mọi người chứng kiến tận mắt không ít những chuyện thần kì về Ngô Tăng Già. Vậy nên, dần dần không ai còn nói ông là tăng điên nữa, đều gọi ông là Phật sống.
Ngô Tăng toạ hoá, tái hiện thần tích
Ngô Tăng Già hành tẩu trong dân gian nhiều năm, đã để lại nhiều chuyện kì tích. Có lẽ, sứ mệnh cứu giúp và giáo hoá dân chúng của ông sắp hoàn thành, đến thời khắc ông chuẩn bị rời khỏi nhân gian. Vào một buổi tối, Ngô Tăng Già đến thăm tăng nhân trong tự, ngồi trên bồ đoàn (một dụng cụ toạ thiền), hành lễ với các tăng nhân và nói: “Mong hãy bảo trọng! Mong hãy bảo trọng!”. Chúng tăng nghe xong, đều cảm thấy mơ hồ, không biết ông đang muốn nói điều gì.
Đêm hôm đó, Ngô Tăng Già viên tịch khi ngồi trên bồ đoàn. Đó là vào ngày 6/6 năm Ất Dậu (tức năm 1009) dưới thời Tống Chân Tông Đại Trung Tường Phù. Sau khi Ngô Tăng Già viên tịch, một mùi hương kì lạ lan tỏa khắp căn phòng, liền mấy ngày sau không tan biến. Vậy nên chúng tăng bàn bạc không nên hỏa thiêu thân thể của ông, thay vào đó là sơn vào nhục thân để gìn giữ về sau.
Thế nhưng, vào ngày đó, có một thương nhân người Vu Đô đang làm ăn tại Tứ Xuyên. Anh ta gặp Ngô Tăng Già trên một cây cầu ở Cổ Thục, còn hỏi ông đi đâu? Ngô Tăng Già cúi gập người, nhưng lại đi rất nhanh, còn nói: “Tránh ra, tránh ra”. Ý nói rằng, ta đang có chuyện gấp cần làm. Sau đó khi thương nhân kia về quê, mới biết rằng Ngô Tăng Già đã viên tịch vào ngày 6/6.
Sau khi Ngô Tăng Già viên tịch bảy mươi năm, vào mùa đông năm Thần Tông Nguyên Phong thứ tám tức năm Ất Sửu (1085), có một vị tăng nhân đột nhiên đến nhà một người tên Quế An Nhã ở thành Cám Châu, thỉnh cầu anh ta hiến tặng gỗ cho tự viện để làm am thờ Phật. Quế An Nhã hỏi lại: “Sư phụ, ngài là ai vậy?”. Vị tăng nhân đó nói: “Ta chính là Ngô Tăng của Minh Giác viện Diệu Tinh tự thành Vu Đô đây”.
Sau khi Quế An Nhã đồng ý dâng tặng gỗ, tiễn tăng nhân ra cửa, nhưng vừa bước qua thềm cửa, tăng nhân liền biến mất không một dấu vết. Quế An Nhã tìm khắp nơi để hỏi rõ ngọn ngành. Có người nói với anh ta: “Minh Giác viện chính là Tăng Già viện”. Mà Ngô Tăng hóa ra chính là Ngô Tăng Già!
Khi Hồng Mại, học sĩ hàn lâm viện thời Nam Tống ghi chép lại câu chuyện này, cơ thể Ngô Tăng Già vẫn đang được gìn giữ. Hồng Mại sinh vào năm Tuyên Hòa thứ năm (năm 1123), lúc Hồng Mại viết ra câu chuyện này, thân thể của Ngô Tăng Già đã được gìn giữ hơn một trăm năm.
Theo câu chuyện được ghi chép trên cuốn “Di Kiên Chí”, pháp thuật tu hành của Ngô Tăng Già quả nhiên tồn tại, ông còn có khả năng tiên tri, và tinh thông nhiều công năng khác.
(Dựa theo “Di Kiên Đinh Chí” quyển tám)
Theo NTDTV