“Đắc đạo thành tiên”, “bạch nhật phi thăng” là những từ chúng ta thường nghe nói trong tu luyện. Những người không tin vào chuyện tu luyện, không tin Thần Phật thì có thể cho đây là chuyện hoang đường. Nhưng trong lịch sử đây lại là chuyện hoàn toàn có thật. Vậy thời cổ đại có bao nhiêu người thực sự đã bạch nhật phi thăng thành tiên?

Mã Minh Sinh là người Lâm Tri tỉnh Sơn Đông, vốn là họ Hòa, tự Quân Hiền. Ông thời còn trẻ từng làm một chức quan nhỏ trong huyện. Bởi vì một lần truy đuổi bọn cướp bị chúng gây thương tích, may mắn gặp được một vị thần tiên dùng thuốc cứu sống mà thoát chết.

Mã Minh Sinh cảm thấy không biết lấy gì báo đáp ân cứu mạng, liền vứt bỏ chức quan rồi đi theo vị thần tiên đó. Ban đầu ông chỉ đoán là vị thần tiên chỉ biết cách trị lành vết thương mà thôi, về sau mới biết vị thần tiên này còn có đạo trường sinh. Bởi vậy quyết tâm trường kỳ đi theo vị thần tiên ấy.

Ông mang theo hòm sách, đi theo hướng Tây tới mấy ngọn núi huyện Nghi Dương, Hà Nam, theo hướng Bắc tới huyện Huyền Khâu, hướng Nam tới Lư Giang, An Huy, cùng vị thần tiên chu du khắp thiên hạ, vất vả cần cù phụng dưỡng vị thần tiên rất nhiều năm. Về sau, vị thần tiên đã truyền thụ cho ông ba cuốn “Thái dương thần đan kinh” rồi để ông trở về.

Sau khi trở về, Mã Minh Sinh vào núi, chiểu theo phương thức luyện đan dược được ghi chép lại trong kinh sách. Bởi vì không muốn thăng thiên thành tiên, ông ăn một nửa thuốc tiên đã trở thành thần tiên chốn nhân gian, có thể vĩnh viễn ở lại trên nhân thế.

Sau khi Mã Minh Sinh ăn tiên đan, cứ ba năm ông chuyển chỗ ở một lần, cho nên mọi người cũng không biết ông là thần tiên. Ông cũng tu tạo phòng ốc, cũng có người hầu và xe ngựa, vậy nên cũng không lấy làm khác lạ với mọi người xung quanh. Ông cứ như vậy không ngừng thay đổi chỗ ở, đi khắp Cửu Châu, cứ như thế sống qua hơn 500 năm sau. Có một ít người nhận ra ông, thấy ông trông vẫn không già đi, cảm thấy hết sức kỳ quái. Về sau ông tu luyện đại đan, rồi một ngày bạch nhật phi thăng.

Thời cổ đại có bao nhiêu người đã bạch nhật phi thăng thành tiên? - ảnh 2“Đắc đạo thành tiên”. (Ảnh: sohu)

Âm Trường Sinh là người Tân Dã, tỉnh Hà Nam, ông là họ hàng thân thuộc của hoàng hậu triều Hán. Tuy rằng sinh ra trong phú quý, nhưng lại không lưu luyến vinh hoa phú quý, đặc biệt thích nghiên cứu thuật Đạo gia. Ông nghe nói Mã Minh Sinh biết bí quyết tu tiên, nên muốn đi tìm người ấy, cũng cam tâm tự nguyện làm nô bộc phục dịch cho Mã Minh Sinh. Nhưng mà Mã Minh Sinh cũng không truyền cho ông đạo thuật tu tiên, chỉ cả ngày cùng ông bàn luận viển vông, nói toàn là những chuyện vụn vặt thế tục đời thường. Cứ như vậy hơn mười năm, nhưng Âm Trường Sinh vẫn không lấy làm lười biếng, chán nản.

Cùng với Âm Trường Sinh hướng tới Mã Minh Sinh học đạo còn có 12 người khác, nhưng lần lượt đều rời đi cả. Chỉ có Âm Trường Sinh đối với Mã Minh Sinh trước sau vẫn là đệ tử một lòng cung kính lễ nghĩa.

Mã Minh Sinh nói với ông: “Ngươi là người chân chính có thể đắc đạo”. Vì thế liền dẫn ông đi tới huyện Quán, Tứ Xuyên ở phía tây nam núi Thanh Thành, lấy đất sét biến thành vàng cho ông xem. Sau đó Mã Minh Sinh lập đàn tế lễ, đem “Thái thanh thần đan kinh” truyền thụ lại cho Âm Trường Sinh, xong rồi cáo biệt rời đi.

Âm Trường Sinh sau khi trở về, chiểu theo cách luyện tiên đan trong kinh sách, chỉ ăn một nửa tiên đan đã thành tiên thăng thiên. Về sau Âm Trường Sinh lại làm giống như Mã Minh Sinh, dùng phương thuật lấy bùn đất làm ra hơn mười vạn hoàng kim, dùng số vàng này bố thí cho những người khốn khổ trong thiên hạ. Cho dù là người không quen biết ông cũng đều bố thí. Sau đó Âm Trường Sinh lại dẫn thê tử đi chu du khắp thiên hạ, cả nhà ông mọi người đều trường sinh bất lão.

Âm Trường Sinh sống trên thế gian chừng ba trăm năm, về sau tại một ngọn núi ở huyện Phong Đô, Tứ Xuyên mà bạch nhật phi thăng.

“Thần tiên truyện” viết: Âm Trường Sinh trước lúc rời đi đã để lại sách cửu thiên, nói rằng: “Thời thượng cổ đắc đạo thành tiên có rất nhiều, không thể kể hết. Nhưng từ lúc triều Hán hưng khởi đến nay, thành tiên thì có bốn mươi lăm người, tính cả ta đây là bốn mươi sáu người. Trong đó, hai mươi người lấy “cái chết” làm phương thức viên mãn, còn lại đều bạch nhật phi thăng”.

Theo Tinh hoa