Đối với cổ nhân, tên của một người là hết sức trọng yếu. Nó không chỉ để xưng hô, mà còn là đặc điểm vận mệnh của người đó. Không giống với thời nay, vốn chỉ có “họ tên” mà cổ nhân còn có “hiệu” và “tự”.
Ngày nay mọi người đều vô cùng coi trọng tên gọi của mình, để đặt một cái tên hay, các bậc phụ huynh thường phải lao tâm khổ tứ, hy vọng con cái mình có được tên dễ nghe và bao hàm nhiều ý nghĩa.
Người xưa cũng như vậy, họ cũng cân nhắc kĩ càng mỗi khi lựa chọn tên gọi, hơn nữa cách đặt tên của người xưa không giống với hiện nay, một người không chỉ có tên và họ, mà còn phải có tự và hiệu. Vậy thì giữa danh, tự, hiệu của người xưa có mối liên hệ và khác biệt như thế nào?
Thế nào là ‘danh’ và ‘tự’?
Vào thời cổ đại, ‘danh’ và ‘tự’ không hề đồng nhất, được sử dụng riêng biệt. ‘Danh’ ở thời cổ đại thật ra là tên húy hoặc biệt danh, ‘tự’ ở thời cổ đại mới là ’danh’ trong ‘danh tính’ hiện nay, cũng tức là tên gọi thường ngày.
Vào thời cổ đại, sau khi một người sinh ra được ba tháng, các bậc trưởng bối sẽ đặt cho một cái tên, thường gọi là ‘ấu danh’, vào ngày cử hành lễ trưởng thành mới có ‘tự’, ám chỉ rằng đã có thể hòa nhập được với xã hội.
Trong cuốn “Lễ ký sĩ quan lễ” có ghi chép rằng: “Một người sau khi trưởng thành, ‘danh’ mà các bậc trưởng bối đặt cho đã không còn phù hợp để trực tiếp xưng hô trong xã hội nữa, cần có một cách để xưng hô với người đồng cấp hoặc hậu bối, đó cũng chính là nguồn gốc của ‘tự’”.
Cả nam lẫn nữ đều có ‘tự’, chứ không phải chỉ mỗi nam mới có. Vào thời cổ đại, nữ nhân cũng có thể có ‘tự’. Trong cuốn “Lễ ký nội tắc” có ghi chép rằng: “Nữ tử thập hữu niên nhi kê”, nghĩa là lễ trưởng thành của nữ sẽ tổ chức vào lúc 15 tuổi, sau đó có thể lấy chồng, cũng có “tự” của riêng mình. Cái gọi là “Đãi tự khuê trung” (khuê nữ), chính là bắt nguồn từ đây.
Người xưa chú ý đến điều gì khi đặt ‘tự’?
‘Tự’ chính là ‘danh ngoại chi danh’ (một cái tên khác ngoài tên), có thể là một chữ, cũng có thể là hai chữ, nhưng phần lớn là hai chữ, hơn nữa khi đặt ‘tự’ thường có liên quan đến ‘danh’, mối quan hệ giữa tự và danh có thể chia thành một số loại sau:
Loại song song: Tự có ý nghĩa tương đồng hoặc tương thông với danh. Ví dụ như Khuất Bình, tự Nguyên, trong cổ ngữ, “Quảng Bình viết là Nguyên”, vì vậy tự và danh có ý nghĩa tương đồng. Hoặc như Mạnh Kha, tự Tử Dư, trong Hán ngữ thì Kha, Dư đều có ý nghĩa là xe.
Loại bổ trợ: Tự gần nghĩa với danh, nhưng không hoàn toàn đồng nhất, có thể bổ sung cho nhau. Ví dụ như Lục Cơ, tự Sĩ Hoành, Cơ và Hoành đều là tên của chòm sao Bắc Đẩu, danh và tự hỗ trợ lẫn nhau.
Loại mâu thuẫn: Tự và danh có ý nghĩa tương phản. Ví dụ Chu Hi, tự là Nguyên Hối, Hi là ánh mặt trời, mang ý nghĩa trời sáng, còn Hối lại nghĩa là tối tăm, biểu thị trời tối.
Loại bổ sung: Tự và danh có ý nghĩa thêm vào, có quan hệ nhân quả hoặc có thể dùng để giải thích cho nhau. Ví dụ Triệu Vân, tự Tử Long, trong cuốn “Chu Dịch” có viết: “Vân tùng long, phong tùng hổ” (Mây theo rồng, gió theo hổ), Vân và Long có ý nghĩa thêm vào.
Loại mở rộng: Ý nghĩa của tự là sự mở rộng ý nghĩa của danh, ví dụ như Lý Bạch, tự Thái Bạch, Thái Bạch tức là chỉ Thái Bạch Kim Tinh.
Tại sao có ‘danh’, ‘tự’ rồi còn phải đặt thêm ‘hiệu’?
So sánh với ‘danh’ và ‘tự’, ‘hiệu’ thường không phải do các bậc trưởng bối đặt, mà là các văn nhân nho sĩ dùng để xưng hô với nhau, thường gửi gắm vào đó cảm xúc, phẩm chất, hứng thú và sở thích kinh nghiệm sống… của chủ nhân, là tượng trưng những thứ cần theo đuổi trong cuộc sống.
Người xưa lựa chọn ‘hiệu’ một cách phóng khoáng tự do, dù là lựa chọn về mặt số lượng chữ, số lượng hiệu, hay là từ ngữ, đều không có sự hạn chế nào. Thông thường, một người có thể có vô số ‘hiệu’, tùy theo sở thích mỗi người, muốn đặt bao nhiêu cũng được.
Như Tô Thức có hiệu là ‘Đông Pha Cư Sĩ’, ‘Cư Sĩ’ có nghĩa là ông ta theo tín ngưỡng Phật giáo, hơn nữa ông từng tự khai khẩn một mảnh đất hoang ở phía đông thành Hoàng Châu, ‘Đông Pha’ chính là tên gọi khác của mảnh đất hoang đó.
Có lúc, cũng có thể dùng tên chức quan, quê hương để làm hiệu, ví dụ Vương Duy hiệu là ‘Vương Hữu Thừa’, Liễu Tông Nguyên hiệu là ‘Liễu Hà Đông’…
Các bậc đế vương hay sĩ đại phu sau khi chết được phong tặng một ‘thụy hiệu’, ‘miếu hiệu’, đây cũng là một loại biệt hiệu. Ví dụ như ‘Phạm Văn Chính Công, ‘Tăng Văn Chính Công’, ‘Tần Mục Công’.
Cách dùng của ‘danh’, ‘tự’, ‘hiệu’
Theo lễ nghĩa xưng hô thời xưa, khi bản thân xưng hô thì xưng ‘danh’, gọi người khác thì gọi ‘tự’, đây là lễ phép cơ bản. ‘Danh’ là do các bậc trưởng bối đặt, khi tự xưng hô, hay xưng hô một cách khiêm tốn thì có thể dùng ‘danh’, giữa bạn bè với nhau, nếu như quan hệ vô cùng thân thiết, khi riêng tư cũng có thể trực tiếp xưng ‘danh’.
Thông thường khi giao tiếp với trưởng bối, bắt buộc phải gọi ‘tự’, nếu như trực tiếp gọi ‘danh’, tức là mạo phạm, “trực tiếp gọi tên”, “chỉ đích danh họ tên “thông thường đều có nghĩa thể hiện sự chỉ trích, thiếu tôn trọng”. Còn khi nói chuyện với hậu bối, tuy rằng có thể trực tiếp xưng ‘danh’, nhưng thường cũng sẽ dùng ‘tự’ để xưng hô, biểu thị sự khách sáo và tôn trọng.
Còn về ‘hiệu’ thường được sử dụng khi các văn nhân nho sĩ xưng hô với nhau, phổ biến là dùng để tự xưng hô. Nhưng đối với các nhân vật lịch sử mà nói, cách xưng hô mà mọi người đều biết, có thể là ‘danh’, cũng có thể là ‘tự’, cũng có thể là ‘hiệu’. Thông thường sẽ lưu truyền cách xưng hô thuận miệng dễ nhớ nhất.
Ví dụ như Trịnh Bản Kiều, danh là Trịnh Tiếp, tự là Khắc Nhu, hiệu là Bản Kiều đạo nhân, chữ ‘Bản Kiều’ dễ nhớ, còn Trịnh Tiếp hay Trịnh Khắc Nhu đều ít người biết đến. Một ví dụ khác là Tề Bạch Thạch, danh là Thuần Chi, hiệu là Bạch Thạch sơn nhân, chữ Bạch Thạch dễ nhớ nên đương nhiên dễ dàng lưu truyền. Thêm một ví dụ Tô Thức tự Tử Chiêm, hiệu Đông Pha Cư Sĩ, đến bây giờ cũng nhiều người còn gọi ông là Đông Pha Cư Sĩ.