Nếu buộc Formosa xả thải trên cạn, chi phí vận tải chất thải rắn là 30 tỷ VND/tháng, một con số khổng lồ. Nếu yêu cầu Formosa phải tách kim loại nặng cùng Phốt pho, Lưu huỳnh ra trước khi xả thải thì Formosa sẽ lỗ vốn. Nếu tống tất cả ra biển: toàn bộ cá Biển Đông sẽ tuyệt chủng.
Nhà máy gang thép Formosa- Hà Tĩnh
Formosa-Cục ung bướu không thể giải quyết nổi – (Bài viết của tác giả Thành Nam, một doanh nhân Khoáng sản và Luyện kim.)
Với kinh nghiệm một doanh nghiệp đã từng làm về khoáng sản và luyện kim chúng tôi có một số nhận xét về Formosa như sau :
Với sản lượng thép của Formosa là 7.1 triệu tấn/năm. Vậy Formosa sẽ phải thải ra môi trường xung quanh một lượng chất thải rắn thấp nhất là 7,1 triệu tấn/năm, tức 600.000 tấn/tháng.
Thành phần của chất thải bao gồm: Đất đá + Các kim loại nặng ngoài sắt + Phốt pho, lưu huỳnh + hóa chất để lọc quặng. (Xin bạn hãy lưu ý: Trong quặng sắt bao giờ cũng chỉ có trên 50% là sắt còn lại là các tạp chất khác).
Nếu bố trí một mặt bằng rất lớn ở trên cạn và thành lập những núi thải lớn, thì Formosa cũng phải bố trí một đoàn xe hùng hậu để chở thải đi đổ, chi phí cho vận tải chất thải là 30 tỷ VND/tháng.
Nếu tống tất cả ra biển, chưa bàn đến ô nhiễm biển, cũng chưa tính toán kỹ các dòng hải lưu sẽ mang đi thì chỉ trong vài tháng, biển Hà Tĩnh chúng ta sẽ lội tới đầu gối. Cá chết ở miền Trung chỉ là chuyện nhỏ mà toàn bộ Biển Đông cá sẽ tuyệt chủng.
Nếu buộc Formosa phải tách các kim loại nặng & phốt-pho lưu huỳnh ra khỏi chất thải thì Formosa sẽ lỗ vốn và phải đóng cửa ngay sau khi có lệnh ban bố của Nhà nước.
Còn một vấn đề khác hết sức nghiêm trọng mà tôi thấy hình như người Việt Nam chưa ai quan tâm, đó là: Nếu để làm ra 7.1 triệu tấn thép trong một năm, vậy mỗi năm Formosa cần phải đốt hết, thấp nhất là 4 triệu tấn than cốc. Cả một lượng khí CO2 khổng lồ thải ra trên bầu trời Việt Nam, không biết Nhà nước tính toán tới vấn đề này chưa, và Formosa đã có hạn ngạch thải khí CO2 với quốc tế chưa?
Nếu buộc Formosa đóng cửa ngay lúc này, Nhà nước phải bồi thường 28 tỷ USD, đối với Việt Nam chúng ta là một việc quá sức vì hiện nay chúng ta đang phải đi vay mới để đảo nợ cũ.
Có 03 điểm tôi xin lưu ý bạn đọc là:
1- Bản chất của ngành luyện kim từ quặng là: Trong quặng kim loại, có rất nhiều các thành phần kim loại nặng khác nhau, người ta chỉ luyện, lọc ra loại kim loại có hàm lượng cao nhất, còn các kim loại khác có hàm lượng thấp sẽ là phế thải đổ đi.
2- Các kim loại nặng nếu được cô đọng thành thỏi sẽ không gây hại cho người. Nếu ở dạng các nguyên tử và trộn lẫn các tạp chất khác thì lại là thứ hết sức độc hại.
3- Ngành luyện kim không thể thu hồi tất cả các kim loại từ một chất quặng, nếu doanh nghiệp nào làm được việc đó thì cũng đồng nghĩa với sập tiệm.
Điều khôn ngoan nhất đối với Nhà nước hiện nay là: Hủy bỏ xả thải của Formosa ra biển, tập kết nó về một bãi. Đó là thứ vật liệu làm gạch không nung và làm đường rất tốt.
Nhà nước cần phải công bố công khai toàn văn: Bản thỏa thuận môi trường giữa Formosa và phía Nhà nước.
Theo quan điểm của tôi: Nước thải trong ngành luyện thép không phải là vấn đề quan trọng, vì nó chỉ là thứ nước tuần hoàn, dùng để làm mát hệ thống vỏ lò, sau một thời gian đóng cặn, người ta mới thải đi.
Vấn đề nghiêm trọng là: Cả một khối lượng khổng lồ chất thải rắn, mà từ khi Formosa bắt đầu hoạt động và thải ra. Khối lượng nó là bao nhiêu? Hiện nó đang nằm ở đâu? Sau khi kiểm tra, số lượng ấy đã thu lại được bao nhiêu và còn thiếu bao nhiêu? Nếu còn thiếu bao nhiêu chưa gom lại được, tức là nó đang nằm tại đáy biển bấy nhiêu. Cần phải hướng điều tra vào việc này.
Minh họa đường ống ngầm xả thải của KCN Vũng Áng. Ảnh đồ họa VTC14
|
Còn một vấn đề nữa: Tới đây Chính phủ cần phải kiểm soát chặt: Nguồn quặng đầu vào hàng tháng (Không phải thứ quặng sắt nào cũng được phép đưa vào luyện thép).
Thực tế thị trường quặng sắt VN mấy năm vừa qua cho thấy: Các thương lái TQ họ cương quyết không mua những loại quặng sắt có hàm lượng Lưu huỳnh, phốt pho và Asen cao, để đem về nước, vì TQ cấm.
Qua sự kiện Formosa, chúng ta nhận ra một điều là Chính phủ có vẻ rất ngây thơ trong vấn đề kiểm soát môi trường trong các dự án Đầu tư nước ngoài.
Theo Thành Nam/ Bauxitevietnam’s blog