“Lưỡi dao rỉ máu”, một bộ phim phơi bày nạn mổ cướp nội tạng cưỡng bức tại Trung Quốc, đã được trình chiều ở Liên hoan Phim Châu Á Vancouver (VAFF) tại Canada vào ngày 5 tháng 11 năm 2016.
Bộ phim của đạo diễn người Canada, Leon Lee, được dựng theo hình thức phim tự sự dựa trên những tình tiết có thật xoay quanh câu chuyện về một chuyên gia công nghệ thông tin tại Bắc Mỹ đang tham gia vào một dự án kiểm duyệt Internet tại Trung Quốc mang tên “Golden Shield” (Tạm dịch: Lá chắn vàng). Khi lên cơn đau tim, anh ta được chuyển tới bệnh viên cấp cứu để cấy ghép tim, và từ đó phát hiện ra sự thật kinh hoàng và đen tối về nguồn nội tạng dành cho cấy ghép. Người đàn ông này đã quyết định sẽ bất chấp rủi ro sống chết để cứu một người mẹ trẻ đang bị cầm tù thoát khỏi số phận trở thành nạn nhân bị mổ cướp nội tạng tiếp theo.
“Lưỡi dao rỉ máu” được công chiếu 4 lần tại rạp Mist Theater trong trường Đại học Toronto từ ngày 8 đến 11 tháng 11 vừa qua
Bên lề VAFF, “Lưỡi dao rỉ máu” đã được công chiếu tại Đại học Toronto với sự tài trợ của hội Choose Humanity, một tổ chức sinh viên của Đại học Toronto. Chủ tịch hội Choose Humanity, cô Trần Hy chia sẻ rằng, cô đã biết đến tội ác mổ cướp tạng sống ở Trung Quốc và hy vọng rằng Canada cũng sẽ giống như nhiều quốc gia khác, ban hành lệnh cấm công dân quốc gia này tới Trung Quốc cấy ghép tạng.
Chủ tịch của Choose Humanity, cô Trần Hy (bên phải) cùng cộng sự
Ông Richard, một tiến sỹ Trung Quốc đang nghiên cứu tại Đại học Toronto, đã xem “Lưỡi dao rỉ máu”. Ông chia sẻ hiểu biết của mình về một báo cáo độc lập mới đây do luật sư nhân quyền từng được đề cử giải Nobel Hòa bình, ông David Kilgour cùng hai người khác công bố. Theo đó, báo cáo đề cập tới con số từ 60.000 đến 100.000 ca ghép tạng mỗi năm và 95% nội tạng được lấy từ những người tập Pháp Luân Công, một môn tu luyện tinh thần bị chính quyền Trung Quốc đàn áp từ năm 1999. Ông nhấn mạnh: “Ở xã hội phương Tây, tự do tín ngưỡng là điều đầu tiên quy định trong hiến pháp, là nhân tố quan trọng bậc nhất trong cuộc sống của mỗi người”. Chính vì thế, ông Richard hy vọng rằng sẽ có ngày càng nhiều người dân Trung Quốc biết đến tội ác mổ cướp tạng sống vô cùng chấn động này.
Trong khi chính quyền Trung Quốc tuyên bố rằng tạng được sử dụng cho việc cấy ghép là lấy từ các tử tù, thì trên thực tế chỉ có khoảng 4.000 phạm nhân lĩnh án tử hình bị xử tử mỗi năm ở Trung Quốc và hầu hết sức khỏe của họ không đảm bảo để hiến tạng. Thậm chí nếu toàn bộ số tạng của tử tù được sử dụng, thì số lượng tạng đó cũng không không trùng khớp với số ca phẫu thuật cấy ghép mỗi năm ở Trung Quốc.
Một cảnh trong phim “Lưỡi dao rỉ máu”
Bà Suzette Laqua, nhà sáng lập và giám đốc điều hành của Vancouver Web Fest, tán dương bộ phim: “Bộ phim thu hút được sự quan tâm của công chúng về vấn nạn này.” Bà bày tỏ hy vọng bộ phim sẽ được công chiếu trên toàn thế giới để phơi bày tội ác mà chính quyền Trung Quốc đang cố gắng che đậy.
Diễn viên Ramjit Samra, khán giả của buổi công chiếu chia sẻ, bộ phim mang tính giáo dục và rất cuốn hút. Trước kia ông đã biết đến việc tra tấn và mổ cướp tạng sống ở Trung Quốc, nhưng không biết nó lại khủng khiếp đến thế.
Bà Anna, một nhân viên của Đại học Toronto
Bà Anna, một nhân viên của trường đại học, đã đặt ra nhiều câu hỏi sau khi xem bộ phim. Bà nói với đôi mắt đẫm lệ: “Nhất định phải chấm dứt tội ác thu hoạch tạng này.”
Bà Linda, một nhân viên khác của trường đại học, đã đến xem bộ phim, nói rằng nếu bà gặp phải với tình huống như vậy và cần phải phẫu thuật ghép tạng ở Trung Quốc, thì bà thà chết còn hơn là để tội ác mổ cướp tạng xảy ra. Bà nói rằng nếu tất cả bệnh nhân cần cấy ghép đều hiểu biết và từ chối tạng có được do mổ cướp tạng sống, thì tình huống đã khác.
Ông Rudi Stroble, chồng bà Linda, cho hay, ông rất sốc trước cảnh các bác sỹ mổ phanh ngực của một người mà không hề gây mê. Ông Rudi cho biết mình đã cầu nguyện cho người mẹ trẻ trong bộ phim đó.
Bà Linda, cùng chồng Rudi Stroble, và các tình nguyện viên
Nữ diễn viên Anastasia Lin, hoa hậu thế giới Canada năm 2015, vào vai người mẹ trẻ trong “Lưỡi dao rỉ máu”, đã đoạt giải People’s Choice cho Diễn viên xuất sắc nhất tại VAFF và Giải thưởng Leo cho nữ diễn viên chính xuất sắc nhất với bộ phim này.
Nữ diễn viên Anastasia Lin, hoa hậu thế giới Canada năm 2015, vào vai người mẹ trẻ trong “Lưỡi dao rỉ máu”
Được biết vào năm 2015, đạo diễn “Lưỡi dao rỉ máu”, Leon Lee, từng đoạt Giải thưởng Peabody cho bộ phim “Thu hoạch Nhân thể”, một bộ phim tài liệu cũng đề cập đến vấn nạn mổ cướp tạng ở Trung Quốc.
Trước khi được công chiếu tại Canada, “Lưỡi dao rỉ máu” đã đoạt giải thưởng Bộ phim xuất sắc nhất trong thể loại phim tự sự tại Liên hoan Gabriel lần thứ 52 tại Hoa Kỳ. Bộ phim cũng được trình chiếu ở Quốc hội Anh theo lời mời của Chủ tịch Hạ viện hồi tháng 9 vừa qua, và tại Diễn đàn lần 20 Hội nghị 2000 (20th Annual Forum 2000 Conference) ở Prague, Cộng hòa Séc trong tháng 10 với chủ đề: Dũng cảm đảm nhận trách nhiệm (The Courage to Take Responsibility).
Quang Minh T/H
Theo Trithucvn.net