Thời cổ đại không có tủ lạnh, không có điều hòa nhưng cổ nhân vẫn ướp lạnh được thực phẩm, dùng đá làm thuốc, thậm chí còn lưu giữ được thực phẩm để sử dụng cho mùa hè và làm mát không gian sinh sống.

co-nhan-52(Hình minh họa: Qua taici.org)

Đối với nhân loại mà nói, đá được sử dụng rộng khắp trong đời sống hàng ngày. Trước khi con người làm ra đá theo cách hiện đại ngày nay thì thời cổ đại, người ta hoàn toàn là lợi dụng điều kiện tự nhiên và đá tự nhiên để ăn, bảo quản đồ ăn, làm thuốc trị bệnh và làm mát không gian sống. Cuộc sống hoàn toàn thuận theo tự nhiên, hòa hợp cùng thiên nhiên, trời đất.

Cách làm đá, lưu trữ đá và ướp thực phẩm thời cổ đại

Trong sách cổ có ghi chép lại về cách làm đá của cổ nhân vừa gần gũi thiên nhiên lại vừa không làm hại đến môi trường. Ngày xưa, mỗi khi mùa đông đến, thời tiết rất lạnh làm cho nước hay tuyết rơi xuống đóng thành băng đá. Người ta lại khai thác băng đá và lưu trữ sử dụng cho các mùa.

Vào thời Chu, triều đình thiết lập cơ quan chuyên môn quản lý việc khai thác và lưu trữ đá. Trong “Chu lễ. Thiên quan. Lăng nhân” có ghi chép: Lăng nhân là người quản lý việc khai thác và lưu trữ đá. Vào tháng 12 hàng năm, người quản lý sẽ lệnh cho người cấp dưới vào núi để tạc đá và tính toán lượng đá để lưu trữ trong phòng ủ đá. Khi mùa xuân đến, phải chuẩn bị các vật dụng đựng đá để ướp thực phẩm. Phàm là những thức ăn thịnh soạn trong cung phải được ướp lạnh bằng đá từ sau tháng 2 hàng năm.

Khi cúng tế hay biếu tặng thực phẩm cho khách cũng phải cung cấp đá để ướp lạnh. Trong tang lễ của Vua, Hoàng hậu, Thái tử phải có đá để ướp lạnh thi thể. Đến mùa hè, Vua dùng đá để ban thưởng cho quân thần. Khi mùa thu đến, người chuyên trách phải cho cọ rửa sạch phòng chứa đá để chuẩn bị lưu trữ đá cho mùa sau. Trong dân chúng cũng có mua bán đá, rất hút hàng vào mùa hè.

Thời xưa, cổ nhân đựng đá vào một vật dụng giống như chậu to gọi là “Giám”. “Giám” có thể chống lại được hơi nóng để bảo quản đá. Ngoài ra, cổ nhân có thể cho thức ăn hoặc rượu vào trong giám đựng đá này để ướp lạnh. Chiếc giám này có công dụng giống như tủ đá của người hiện đại ngày nay. Ban đầu, giám được cổ nhân chế tác ra từ đất nung, đồ gốm sứ, về sau nó được đúc bằng đồng.

cổ nhân
(Đồ đựng đá bằng đồng thời cổ đại. military.china.com)

Nơi cất giữ đá có thể là trong phòng, trong hầm, được gọi là “Lăng thất” (phòng cất giữ đá). Để đảm bảo chất lượng đá và có thể cất giữ được lâu dài, cổ nhân thường phải vào trong núi sâu hoặc các khe hang cốc để tạc đá. Bởi vì ở những nơi này có nhiệt độ rất thấp nên đá rất cứng và sạch sẽ. Hầm để đá thông thường giống nhau, nằm dưới đất sâu khoảng 1.5 m, dài khoảng 11m và rộng 6m, dung tích chứa đạt khoảng 330m3.

Đồng thời vì để cất giữ đá được lâu, người ta phải quy định kích cỡ của đá. Những tảng đá có kích thước quá nhỏ sẽ dễ bị chảy nước nên thường được sử dụng ngay mà không được cất giữ. Trong “Đường lục điển” có ghi rằng, cứ đến cuối đông, người ta lại tạc đá và cất giữ, mỗi năm cất giữ hàng vạn khối, kích thước khoảng 3 thước vuông (khoảng 1m2), dày khoảng 1 thước rưỡi (khoảng 35 cm).

Danh y nổi tiếng nhà Minh, Lý Thời Trân trong “Bổn thảo cương mục” có viết: “Thương hàn dương độc, nhiệt thịnh hôn mê giả, dĩ băng nhất khối trí vu thiên trung, lương”, tức là bệnh thương hàn độc, người thường bị hôn mê và sốt cao lấy một khối đá đặt lên thiên trung (phần trên của trán) sẽ rất tốt. Ngoài ra, cổ nhân còn dùng đá đắp ở bên ngoài các huyệt vị hoặc bộ vị trên thân thể người là một cách để hạ sốt.

Cải tạo nhà ở được gọi là “Hạ thất”, “hạ thất” bắt đầu từ thời Tiên Tần, giống như hầm của người hiện đại ngày nay. Mục đích của việc đào hầm sinh sống là để tránh ánh nắng trực tiếp chiếu rọi vào. Ngoài ra, trong hầm đặt các khối băng đá lớn cũng là cách mà người cổ đại thường làm.

Theo sử sách ghi chép, vào mùa hè năm 552, Lệnh duẫn Tử Canh của nước Sở qua đời, Sở Khang Vương phong Vĩ Tử Phùng lên thay. Vĩ Tử Phùng ở trong phòng mặc áo khoác, cáo ốm không đi. Sở dĩ, Vĩ Tử Phùng giữa mùa hè nóng nực có thể mặc áo khoác chính là nhờ khối băng đá lớn dưới gầm giường.

Đến thời Hán, người ta tạo ra các mạch nước ngầm để làm mát. Đến thời nhà Đường, trong cung Đại Minh, người ta dùng nước kích hoạt quạt gió để làm mát. Đồng thời, họ cũng đem nước đặt ở chỗ cao, sau đó dẫn nước chảy qua mái phòng ngủ (Tẩm điện) của Vua. Sau đó lại làm cho nước từ trên mái hiên chảy xuống, hình thành các “mành nước” để làm mát không khí.

Sau thời nhà Đường thì việc cải tạo phòng không được áp dụng nhiều nữa. Đến thời nhà Minh, người ta đào giếng sâu trong phòng, sau đó dùng nắp đạy lên. Mục đích của cách làm này là tận dụng khí lạnh dưới nền đất để hạ nhiệt trong phòng ở.

Ngoài ra, cổ nhân còn dùng băng đá để làm mát phòng ở. Cách này được người cổ đại sử dụng rộng rãi. Trong cung Vua hay nhà ở của người dân thường, người ta đều chôn các khối băng đá lớn xuống đất để làm mát phòng ở. Trong hầm đá của Tử Cấm Thành có chôn hàng vạn khối băng đá.

cổ nhân

(Hình minh họa: Qua thepaper.cn)

Dùng trang phục làm mát cơ thể và tắm nước mát vào mùa hè cũng là một cách mà người cổ đại sử dụng. Những văn nhân hay người thuộc các tầng lớp khác trong xã hội còn vào trong núi nghỉ hè cũng là một cách “giải trí”.

Trên các đường phố, người dân cũng bán nước mát để giải khát, như nước Trầm Hương, nước Lệ Chi, nước đắng, nước trà, nước cây Dương Mai, nước Hương Đường, nước Đu Đủ, nước Ngũ Vị…

Những người thời cổ đại đều hiểu đạo lý “lạnh từ tâm sinh ra”, cho nên rất nhiều văn nhân, những người có phẩm hạnh đạo đức cao thượng đều theo đuổi một loại không khí “siêu nhiên, thoát tục” mà đạt tới cảnh giới “Tâm tĩnh tự nhiên lạnh”. Nhưng kỳ thực, để đạt được cảnh giới “tâm tĩnh tự nhiên lạnh” ấy thì không phải ai cũng làm được.

Có thể thấy, thời cổ đại, mặc dù không có tủ lạnh, không có quạt và điều hòa như ngày nay nhưng phàm là để lưu trữ thực phẩm, giải khát mùa hè, cúng tế, chữa bệnh bảo vệ sức khỏe, bảo tồn thi thể hay làm mát nhà cửa…, cổ nhân phần lớn đều là dựa vào thiên nhiên và chế độ lưu trữ đá – “đông giấu hạ dùng”. Điều này vừa thể hiện ra trí tuệ bất phàm và cũng thể hiện ra cách sống thuận theo tự nhiên của người cổ đại.

Theo Trithucvn