Ngày 16/5 vừa qua, khoảng 10.000 người thuộc nhiều quốc gia khác nhau đã tới New York để diễu hành qua các khu phố của Manhattan, kêu gọi chấm dứt cuộc đàn áp tín ngưỡng tại Trung Quốc.
Đoàn diễu hành 10.000 người phản đối chính quyền Trung Quốc đàn áp Pháp Luân Công. (Ảnh: The Epoch Times)
Đoàn diễu hành xuất phát từ Quảng trường Liên Hiệp Quốc ở Phố 47, Đại lộ 2, đi qua Quảng trường Thời đại, và kết thúc tại địa điểm gần lãnh sự quán Trung Quốc trên Đại lộ 12.
Theo những người diễu hành, họ tập hợp tới New York để kỷ niệm ngày đầu tiên môn khí công Pháp Luân Công bắt đầu được lưu truyền tại Trung Quốc. Đồng thời, họ cũng muốn thông qua việc diễu hành này để phản đối cuộc đàn áp Pháp Luân Công tại Trung Quốc cũng như tưởng nhớ những nạn nhân trong cuộc đàn áp này.
Buổi diễu hành cũng để kỷ niệm ngày đầu tiên môn khí công Pháp Luân Công được phổ truyền tại Trung Quốc.(Ảnh: Minghui.org)
Một buổi lễ mít-tinh tại Quảng trường Dag Hammarskjold gần trụ sở Liên Hiệp Quốc đã được tiến hành ngay trước khi đoàn diễu hành bắt đầu. Đặc biệt, một số nhà hoạt động thế giới tham gia phát biểu đã kêu gọi cộng đồng quốc tế chú ý tới tội ác thu hoạch nội tạng tại Trung Quốc, tội ác đã lan rộng trên quy mô rất lớn sau khi cuộc đàn áp Pháp Luân Công diễn ra, và hiện đã lan tới hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ đang bị đàn áp trong các trại tập trung ở Tân Cương.
“Tội ác thu hoạch nội tạng, một vấn nạn cực kỳ nghiêm trọng vẫn còn đang diễn ra tại Trung Quốc”, bà Terasa Chu, một luật sư đến từ Đài Loan cho biết.
Kể từ năm 2006, các nhà hoạt động nhân quyền đã bắt đầu công bố các báo cáo cho thấy chính quyền Trung Quốc đang thực hiện hành vi thu hoạch nội tạng từ các tù nhân lương tâm còn sống trong các nhà tù để phục vụ cho ngành ghép tạng quốc gia.
Những người diễu hành giơ biểu ngữ kêu gọi chấm dứt đàn áp Pháp Luân Công. (Ảnh: The Epoch Times)
Trong vài tháng vừa qua, hàng loạt các nước đang có động thái sửa đổi luật pháp để ngăn chặn người dân nước mình tới Trung Quốc ghép tạng và trở thành kẻ đồng lõa với tội ác xảy ra ở quốc gia này. Theo đó trong nửa đầu năm 2019, Hạ viện Bỉ đã thông qua dự luật cấm du lịch ghép tạng; Séc sửa luật cấy ghép tạng, chống nạn thu hoạch nội tạng; Thượng viện Canada thông qua dự luật chống buôn bán nội tạng; Nghị sĩ Anh cũng đang kêu gọi chính phủ cấm người dân đến Trung Quốc cấy ghép nội tạng; v.v.. Trước đó, luật cấy ghép tạng đã được Israel (2006), Tây Ban Nha (2013), Đài Loan (2015), và Ý (2016) thông qua.
Chuỗi các sự kiện sửa đổi luật trên thế giới này xuất phát từ việc vào cuối tháng 12/2018, quan tòa Geoffrey Nice của Tòa án độc lập điều tra về thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ tù nhân lương tâm tại Trung Quốc tuyên bố:
Chúng tôi chắc chắn không chút hoài nghi rằng tại Trung Quốc, việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ tù nhân lương tâm đã được thực hiện trên quy mô lớn, trong một thời gian dài, dẫn tới số lượng nạn nhân rất lớn.
Là người đảm trách vụ truy tố cựu Tổng thống Nam Tư Slobodan Milosevic tại Tòa án Hình sự Quốc tế, từng tham gia vào nhiều tòa án độc lập quốc tế, và tư vấn luật miễn phí cho các nhóm nạn nhân quốc tế khác nhau, luật sư Anh Quốc uy tín Geoffrey Nice còn cho biết chính quyền Trung Quốc đồng thời vi phạm một lúc ít nhất 7 điều của Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế, trong đó bao gồm cả việc tra tấn, không tuân thủ luật pháp khi bắt giữ và xét xử, thậm chí không tuân thủ cả quyền sống cơ bản nhất của con người được nêu ra trong Tuyên ngôn.
Tuyên bố của Tòa án độc lập đã mở đầu cho hàng loạt động thái sửa đổi luật pháp của các chính phủ thế giới. Thượng nghị sĩ Vaclav Hampl cho biết trong một phiên họp của Thượng viện Séc vào ngày 20/3: “Thật không may, phải mất một thời gian dài để có được thông tin thuyết phục, nhưng hôm nay chúng ta không còn nghi ngờ gì về việc người tập Pháp Luân Công ở Trung Quốc, và có thể là các nhóm người khác nữa, đã và đang bị lạm dụng để cấy ghép tạng và thậm chí ở quy mô rất lớn”.
Các nghị sĩ New York gửi thư ủng hộ sự kiện, do phía người tập Pháp Luân Công cung cấp.
Những người tập Pháp Luân Công trong đoàn diễu hành tại New York cho biết, tại Mỹ, rất nhiều nghị sĩ từ các bang khác nhau đã gửi thư chúc mừng và ủng hộ sự kiện này.
Theo TrithucVN.net