Khi virus Vũ Hán lây lan khắp thế giới kèm theo nỗi hoảng sợ lan rộng thì cũng là lúc có nhiều “đồn đoán” xung quanh dịch bệnh. Có một “câu chuyện” được cả Trung Quốc, Iran và Nga cùng kể: Rằng Hoa Kỳ đã tạo ra con virus Vũ Hán, và giờ đang “vũ khí hóa” cuộc khủng hoảng này vì lợi ích chính trị của nước Mỹ. Tuy nhiên, “câu chuyện” này đã nhanh chóng bị lật tẩy…
Lịch sử ghi nhận rằng, nước Mỹ luôn là “bia đỡ đạn” cho các nước độc tài “tập bắn”. Điển hình trong đại dịch AIDS những năm 1980, Liên Xô đã thực hiện Chiến dịch Infektio – một chiến dịch tuyên truyền giả mạo cáo buộc Mỹ cố tình chế tạo virus như một thứ vũ khí. Trong dịch bệnh Ebola năm 2014, Liberia và Bắc Triều Tiên đã cáo buộc Mỹ gây ra căn bệnh chết người này dưới dạng vũ khí sinh học. Năm 2013, Trung Quốc cũng cáo buộc Mỹ tạo ra đại dịch SARS cũng dưới dạng vũ khí sinh học.
Và lần này, năm 2020, Mỹ tiếp tục là nơi “sản xuất” virus Vũ Hán. Cả một guồng máy truyền thông nhà nước của Trung Quốc, Nga và Iran đã chạy theo và khuếch đại thông tin này ra toàn thế giới.
Trung Quốc: Mưu đồ bị lật tẩy
Tờ La Croix International đã công bố một báo cáo điều tra trích dẫn các tài liệu bí mật được gửi đến các đại sứ quán Trung Quốc và những người có quan hệ “bạn bè” với Trung Quốc trên khắp thế giới. Các đại sứ quán Trung Quốc được hướng dẫn cách để xóa bỏ nguồn gốc của con virus Vũ Hán và làm gia tăng sự nghi ngờ về việc virus Vũ Hán đến từ nước ngoài.
Thế nên, đại sứ quán Trung Quốc tại Tokyo đã bắt đầu “quảng bá” virus Nhật Bản và đó đây đã có thêm những cái tên như virus Ý, virus Iran… Nhưng virus Mỹ mới là cái tên được các quan chức Trung Quốc “ưa thích” sử dụng nhất, với cáo buộc quân đội Mỹ đã gieo rắc con virus nguy hiểm này vào Trung Quốc trong Thế vận hội Quân sự được tổ chức tại Vũ Hán vào ngày 18/10/2019.
Nhưng mưu đồ đổ vấy cho Mỹ lại có khá nhiều sơ hở. Đúng 1 tháng trước khi diễn ra Thế vận hội Quân sự, vào ngày 18/9/2019, chính quyền Bắc Kinh đã tiến hành một cuộc diễn tập tại sân bay Thiên Hà (Vũ Hán), mô phỏng một kịch bản ‘hư cấu’ về cách xử lý với một loại coronavirus mới và các biện pháp ứng phó.
Tháng 09/2019, chính quyền Vũ Hán đã tổ chức cuộc tập trận phản ứng khẩn cấp với các trường hợp được chẩn đoán nhiễm virus. Ảnh: Một số quan chức Vũ Hán đăng lại thông tin về cuộc tập trận. (Nguồn: ảnh chụp màn hình Weibo)
Theo tin hé lộ, trên trang sina.com.cn của Trung Quốc (18/9/2019) có đăng bài: Hải quan Vũ Hán tổ chức cuộc diễn tập ứng phó khẩn cấp tại cảng sân bay 30 ngày trước khi diễn ra Thế vận hội Quân sự.
Dưới đây là trích đoạn trong bài viết:
Chiều nay (18/9), một chuyến bay nội địa từ một quốc gia nào đó đã đến sân bay quốc tế Thiên Hà (Vũ Hán). Hệ thống giám sát bức xạ hạt nhân ở cổng vào bất ngờ kích hoạt báo động. Các nhân viên hải quan ở sân bay Thiên Hà lập tức kiểm soát hành khách và hành lý mang theo…
Ở phía bên kia, hải quan sân bay nhận được một báo cáo khác từ hãng hàng không rằng “một hành khách trên máy bay nội địa bị mệt, hơi thở nặng nhọc và có các dấu hiệu không ổn”. Hải quan sân bay lập tức đưa ra kế hoạch khẩn cấp chuyển trường hợp này được điều trị sức khỏe…. Hai giờ sau, Trung tâm sơ cứu Vũ Hán báo cáo rằng trường hợp này được chẩn đoán lâm sàng nhiễm coronavirus mới…
Dựa trên nguyên tắc “hoạt động thực tế và kết quả thực tế”, cuộc diễn tập này đã mô phỏng toàn bộ quá trình xử lý một trường hợp nhiễm coronavirus mới được phát hiện ở lối vào của cảng sân bay. Cuộc diễn tập thực hành việc điều tra dịch tễ học, điều tra y tế và khu vực cách ly tạm thời, kiểm dịch, kiểm tra và xử lý vệ sinh…
Cuộc diễn tập này được thực hiện tròn 1 tháng trước mốc quan trọng của ngày 18/10/2019 – tức thời điểm diễn ra Thế vận hội Quân sự với sự tham gia của gần 10.000 nhân viên quân sự tới từ 110 quốc gia tề tựu ở Vũ Hán. Tại sao các nhà chức trách Trung Quốc lại “ngẫu nhiên” lựa chọn coronavirus chủng mới trong hàng ngàn mầm bệnh mà họ có thể lựa chọn để tiến hành diễn tập?
Giả dụ, nếu cứ cho rằng quân đội Mỹ gieo rắc virus Vũ Hán vào Trung Quốc từ ngày 18/10/2019 khi Thế Vận hội Quân sự diễn ra, thì nó cũng cách ca nhiễm đầu tiên tại Trung Quốc (8/12/2019) tận những 50 ngày. Trong khi các chuyên gia y tế cho biết các trường hợp ủ bệnh thường diễn ra trong vòng 14 ngày và trường hợp lâu nhất ghi nhận là 20 ngày.
Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền của trang activistpost.com, Jennifer Zeng – một trong số các nhà báo độc lập của Trung Quốc đã giúp làm sáng tỏ những gì đang diễn ra tại quốc gia này trong thời điểm dịch bùng phát và chính quyền Bắc Kinh tiếp tục chính sách đàn áp và kiểm soát thông tin.
Nhà báo Jennifer Zeng đã đặt câu hỏi rằng, người dân bình thường ở Trung Quốc trước đó hoàn toàn không biết gì về nguồn gốc của virus corona cũng như diễn biến của dịch bệnh, trong khi tại sao chính quyền Bắc Kinh lại biết trước những thông tin về chủng virus mới này và diễn tập đối phó với nó?
Tại sao chính quyền biết trước những thông tin về chủng virus này và diễn tập đối phó với nó, trong khi người dân lại không hề biết gì về nguồn gốc cũng như diễn tiến của dịch bệnh? – Nhà báo Jennifer Zeng nói. (Ảnh: Epoch Times)
Bà Zeng cũng cho biết, phần lớn người dân Trung Quốc chỉ biết được thông tin qua WeChat và Weibo, đây lại là các nền tảng truyền thông bị nhà nước theo dõi và kiểm duyệt chặt chẽ. Thực tế, khi cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng diễn ra, chính quyền Bắc Kinh đã mạnh tay hơn trong việc kiểm soát thông tin về dịch bệnh, trong đó có việc thông qua những luật mới hà khắc như phạt tù từ 5-7 năm cho tội danh lan truyền tin đồn về virus Vũ Hán. Vậy ý nghĩa của luật này là gì?
Vẫn còn rất nhiều câu hỏi xoay quanh con virus Vũ Hán này, tuy nhiên việc “đoán trước” dịch bệnh coronavirus để thực hành diễn tập vào ngày 18/9/2019, cách 4 tháng trước thời điểm công bố dịch bệnh của ông Tập Cận Bình (20/1/2020) đã trở thành một mảnh ghép dối trá kệch cỡm trong chiến dịch tung hỏa mù về nguồn gốc của virus.
Iran: Chiến dịch cầu cứu thế giới và đổ vấy dịch bệnh cho Mỹ
Theo sau Bắc Kinh, Tehran gia nhập vào nhóm các nước tăng cường truyền thông đổ lỗi cho Mỹ đã gieo rắc virus Vũ Hán lây lan ra toàn thế giới. Ngày 13/3, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã viết thư cho nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới kể về những nỗ lực chống virus Vũ Hán của quốc gia này đã và đang bị ảnh hưởng “nghiêm trọng” bởi lệnh trừng phạt của Mỹ.
Trong khi đặc phái viên của Iran tại Liên Hợp Quốc kêu gọi Hoa Kỳ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với nước này, thì kênh truyền thông presstv.com (trang tin chuyên chống Mỹ và Israel) loan báo, quân đội Iran sẽ bắt đầu các cuộc tập trận trên toàn quốc vào Chủ nhật (15/5) để đối phó với cuộc chiến tranh sinh học trong bối cảnh Iran đang chống chọi lại sự bùng phát của dịch viêm phổi Vũ Hán.
Kế hoạch tập trận chiến tranh phòng thủ sinh học do Tổng Tư lệnh quân đội, Thiếu tướng Abdolrahim Mousavi tiết lộ, cũng phù hợp với một sắc lệnh được ban hành của Lãnh tụ Cách mạng Hồi giáo Ayatollah Seyyed Ali Khamenei, trong đó ông ta cảnh báo dịch viêm phổi Vũ Hán có thể là kết quả của một cuộc tấn công sinh học của người Mỹ chống lại Cộng hòa Hồi giáo Iran.
Lãnh tụ Cách mạng Hồi giáo Ayatollah Seyyed Ali Khamenei ban hành sắc lệnh cảnh báo dịch viêm phổi Vũ Hán có thể là kết quả của một cuộc tấn công sinh học của người Mỹ. (Ảnh: Getty)
Chính quyền Cách mạng Hồi giáo bắt đầu đẩy mạnh tuyên truyền lên một cấp độ mới: Đó là cáo buộc Mỹ phát động một cuộc chiến sinh học với Iran. Tại sao Tehran lại đưa ra lời cáo buộc này?
Đơn giản, virus Vũ Hán đã tấn công Iran vào thời điểm đất nước này dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt đối với giới lãnh đạo nước này đang phải đối phó lại làn sóng phẫn nộ từ dân chúng. Nền kinh tế Iran trở nên ốm yếu bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ. Sự mất tín nhiệm của người dân đối với chế độ độc tài Iran sau khi chính quyền ra tay trấn áp, sát hại người biểu tình (11/2019) và sự dối trá trong vụ bắn rơi máy bay dân dụng Ukraina mà đa phần hành khách là người Iran (1/2020).
Với việc coi Trung Quốc là đối tác thương mại thiết yếu nhất để chống chọi lại lệnh trừng phạt của Mỹ, Iran vẫn tiếp tục mở cửa đón nhận các công dân Trung Quốc ngay khi dịch bệnh đang bùng phát dữ dội tại nước đồng minh này.
Các nhà lãnh đạo của Iran còn tự tin tuyên bố rằng, dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán đang tàn phá Trung Quốc sẽ không phải là vấn đề đối với nước họ. Họ thậm chí còn khoe khoang xuất khẩu khẩu trang cho các đối tác thương mại Trung Quốc.
Tuy nhiên, với việc gần 1/10 số quan chức Quốc hội bị nhiễm virus Vũ Hán và một số đã qua đời đã cho Iran một bài học rằng, khi một quốc gia với nguồn lực hạn chế càng cố gắng bưng bít thông tin bao nhiêu thì nơi đó dịch bệnh càng hoành hành dữ dội bấy nhiêu.
Xấu hổ bởi bất lực trong việc kiểm soát dịch bệnh bùng phát, chính quyền Iran đã đáp trả bằng một loạt các biện pháp đầy mâu thuẫn, bao gồm cả việc đàn áp và kiểm soát thông tin trong nỗ lực hòng vớt vát thể diện.
Thay vì khống chế dịch bệnh bằng cách tăng cường hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cộng đồng, chính quyền Iran lại sử dụng lực lượng an ninh đe dọa các nhân viên y tế, buộc họ phải giữ im lặng không được tiết lộ thông tin dịch bệnh để “đảm bảo an ninh quốc gia”.
Chính quyền Iran tìm mọi cách che giấu các trường hợp tử vong vì virus Vũ Hán bằng cách buộc các bác sĩ phải liệt kê các nguyên nhân khác như suy phổi, suy tim trên giấy chứng tử, trong khi các công tố viên hàng đầu của Iran đe dọa sẽ xử tử bất cứ ai tích trữ khẩu trang hoặc vật tư y tế khác. Đây chẳng khác gì “ngầm” thừa nhận về tình hình rối ren của đất nước.
Thánh địa Qom – ổ dịch đầu tiên tại Iran vẫn không hề bị cách ly, các nhà thờ Hồi giáo vẫn mở cửa cho khách hành hương viếng thăm bất chấp lời cảnh báo cho thấy “Chính phủ đã đặt uy tín tôn giáo và hình ảnh các nhà lãnh đạo lên trước cả sự an toàn cộng đồng. Đây là điều chưa từng có trong lịch sử của nước Cộng hòa Hồi giáo này”. Amir A. Afkhami, nhà Sử học tại ĐH George Washington chuyên nghiên cứu về Iran cho biết.
Với con số 600 người chết tại Iran, một tỷ lệ tử vong cao bất thường đã đặt ra nhiều câu hỏi về cách thức chế độ độc tài nổi tiếng là bưng bít thông tin nay lại tiếp tục che giấu thông tin, dẫn đến Iran trở thành ổ phát tán dịch bệnh ra toàn Trung Đông và khiến một loạt các quốc gia láng giềng xa lánh.
Chế độ độc tài Iran vốn đã bị cô lập vì lệnh cấm vận của Mỹ, nay càng khốn khó trăm bề. Cũng giống như Trung Quốc, trong khi không ngừng đe dọa, trừng phạt, bỏ tù bất cứ ai lan truyền tin đồn về dịch bệnh trong nước, chính quyền Iran đã ra sức đổ lỗi cho nước Mỹ gieo rắc con virus sinh học…
Iran PressTV – một kênh truyền thông của Iran đã thúc đẩy hầu hết các lý thuyết âm mưu lạ lùng về virus Vũ Hán, trong đó có giả thuyết rằng virus này là thứ vũ khí sinh học mà Mỹ và Israel sử dụng để chống lại Iran. Ngoài ra, Iran còn lan truyền thêm một thuyết nữa là chính quyền Tổng thống Donald Trump đã tung ra một loại virus độc hại để làm đòn bẩy chống lại Trung Quốc, trong đó loại virus này đã được “lai tạp” virus HIV. Kênh PressTV cũng đăng tải những bài viết ca ngợi Iran và Trung Quốc “vượt trội” hơn hẳn Mỹ trong cuộc chiến chống lại virus Vũ Hán ở cả biện pháp cách ly “logic” và xử lý khủng hoảng “nhân đạo”!?
Nga: Kinh tế suy thoái và nội tình phân hóa rõ rệt
Cũng giống như Trung Quốc và Iran, Nga đã gia nhập vào nhóm các nước độc tài đang cố gắng gây ảnh hưởng bằng các trò lừa bịp virus Vũ Hán là một loại vũ khí sinh học do Mỹ tạo ra, thông qua các phương tiện truyền thông do nhà nước bảo trợ.
Trong khi các phương tiện truyền thông của Trung Quốc và Iran dường như đóng vai trò là người tạo ra thuyết âm mưu về virus Vũ Hán, thì truyền thông nhà nước Nga, thông qua kênh tuyên truyền Russia Today (tiếng Anh) của điện Kremlin đã khuếch đại các lý thuyết âm mưu này, bao gồm công bố các đề xuất của Lực lượng Bảo vệ Cách mạng Iran rằng virus này là một thứ vũ khí sinh học của Mỹ.
Nga đã gia nhập vào nhóm các nước độc tài đang cố gắng gây ảnh hưởng bằng các trò lừa bịp virus Vũ Hán là một loại vũ khí sinh học do Mỹ tạo ra. (Ảnh: Shutterstock)
Các bài tường thuật khác được quảng bá trên kênh RT và Sputnik News của Nga cũng đăng những giả thuyết gợi ý rằng virus Vũ Hán đại diện cho những bất công tồi tệ nhất toàn cầu của nước Mỹ, gây rối loạn thị trường tài chính thế giới, hay đang “vũ khí hóa” virus nhằm chống lại Iran và Trung Quốc theo cách khủng bố hệ thống y tế của hai nước này….
Có điều, nhìn kỹ vào nội tình ba nước đang nuôi dưỡng thuyết âm mưu biến virus Vũ Hán thành virus Mỹ, đều cho thấy những bất ổn mà các thể chế độc tài đang phải đối mặt.
Ngày 30/1, WHO tuyên bố dịch viêm phổi Vũ Hán ở Trung Quốc là một trường hợp y tế khẩn cấp toàn cầu thì cùng ngày, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thừa nhận dịch bệnh sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế toàn cầu. Đối với nước Nga, sự lây lan của virus Vũ Hán trong thời điểm chưa có vắc-xin đã gây ra một tác động không hề nhỏ với nền kinh tế đang phải chịu lệnh cấm vận của châu Âu và phụ thuộc vào sự tăng trưởng từ việc xuất khẩu sang Trung Quốc (chiếm tới hơn 12% tổng kim ngạch xuất khẩu của Nga).
Sự ngừng trệ tạm thời của nền kinh tế Trung Quốc đã ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Nga trong mọi tình huống, do nhu cầu tiêu thụ năng lượng giảm dẫn tới giá dầu rớt thê thảm. Giá dầu Brent đã giảm 12,6%, trong khi dầu Urals của Nga giảm giá trị cả về đồng đôla lẫn đồng rúp. Kể từ đầu tháng 1, đồng rúp đã mất 3,35% so với đồng đôla và vào tháng 2, giá dầu Urals đã chạm mức thấp trong hai năm qua, giảm xuống dưới 3.400 rúp (56 đô la) một thùng.
Hiệp hội các nhà điều hành tour du lịch Nga cho biết, trong vòng 2 tháng qua, các biện pháp kiểm dịch của chính phủ Nga áp đặt đã khiến nước này thất thu khoảng 100 triệu đôla. Trung Quốc là thị trường mang lại nhiều lợi nhuận nhất cho ngành du lịch của Nga và thời điểm này, Nga đang mất ít nhất 1,3 triệu khách du lịch Trung Quốc.
Với những áp lực kinh tế suy giảm, nước Nga do Tổng thống Putin lãnh đạo còn phải đối mặt với những thách thức chính trị không hề “dễ chịu” chút nào, khi vào ngày 29/2 vừa qua, đã xảy một cuộc biểu tình đông đảo nhất của phe đối lập Nga phản đối đề xuất sửa đổi Hiến pháp của Tổng thống.
Đề xuất sửa đổi Hiến pháp mới được thông qua cho phép ông Putin tiếp tục tranh cử tổng thống Nga vào năm 2024 và có thể tại vị chức Tổng thống đến năm 2036 nếu ông Putin tiếp tục ra tranh cử. Phe đối lập trong nước đã rầm rộ phản kháng đòi quyền bầu cử tự do trong hoàn cảnh nội tình đất nước đang bị phân hóa rõ rệt, một nửa muốn ông Putin ra đi và nửa còn lại muốn ông tiếp tục nắm giữ quyền lực.
Đối mặt với các vấn đề nan giải trong nước, chưa kể phải lo lắng đối phó với đại dịch, việc tuyên truyền đổ vấy virus nguy hiểm là do nước Mỹ tạo ra ít nhất cũng giảm bớt nhiệt căng thẳng trong lòng nước Nga.
Việc tuyên truyền đổ vấy virus nguy hiểm là do nước Mỹ tạo ra ít nhất cũng giảm bớt nhiệt căng thẳng trong lòng nước Nga. (Ảnh: Getty)
Hệ quả
Iran, Trung Quốc và Nga đã cố gắng gây ảnh hưởng bởi các thuyết âm mưu về nguồn gốc lịch sử của con virus Vũ Hán thông qua các phương tiện truyền thông do Nhà nước “bảo trợ”, cùng các cách “tường thuật” khác nhau, nhưng đều có đích chung là nhằm vào… “kẻ thù” Mỹ.
Trong hệ sinh thái được kiểm duyệt, các phương tiện truyền thông do các nhà nước độc tài tài trợ đã loại bỏ được hầu hết các kênh truyền thông độc lập khác để “quảng bá” thuyết âm mưu mà họ ưa thích. Việc truyền bá thuyết âm mưu liên tục sẽ tạo ra những tường thuật sai lệch về sự bùng phát của virus và tăng thêm sức mạnh cho trò chơi “gắp lửa bỏ tay người”.
Các quốc gia này đã thúc đẩy các thuyết âm mưu bằng ngôn ngữ của họ để gây nghi ngờ và đổ lỗi cho nước Mỹ. Họ cũng “lập trình” các thông tin sai lệch tương tự này ở nước ngoài, thông qua các ngôn ngữ địa phương trên các nền tảng địa phương (ví dụ qua ngôn ngữ Pháp ở châu Phi) để lan truyền các thuyết âm mưu tới các đồng minh của họ, nhằm làm suy yếu uy tín của nước Mỹ, thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa sự độc tài của họ và nền dân chủ của phương Tây.
Mục tiêu cuối cùng là các chế độ độc đoán sẽ tiêm nhiễm những âm mưu không có thật vào lòng nước Mỹ, để tìm cách kích động mâu thuẫn giữa dân chúng và chính phủ trong việc đối phó với dịch bệnh đến từ Trung Quốc.
Chả cần biết thế giới có tin không, và những tác động của thuyết âm mưu ảnh hưởng đến “kẻ thù” ra sao, miễn là âm mưu đổ vạ do ba quốc gia này “tài trợ” đã bước đầu đạt được mục tiêu đề ra: Thúc đẩy “tình cảm” chống Mỹ dâng cao ở trong nước và giảm nhiệt bất ổn trong nước theo các mức độ khác nhau.