Tỉnh Hồ Bắc dự kiến hoàn tất việc phân phát hộp tro cốt của những người chết trong dịch bệnh viêm phổi vào trước Tiết Thanh Minh. Tại cổng vào của nhà tang lễ Vũ Hán, hàng người xếp dài dằng dặc, họ được hẹn trước phải đợi khoảng 5 tiếng mới có và phải có nhân viên của cơ quan hoặc xã khu đi cùng thì mới được nhận.
Vậy rốt cuộc đã có bao nhiêu người tử vong trong đại dịch lần này? Trong hai ngày 26, 27 tháng 2, chỉ riêng tại Nhà tang lễ Hán Khẩu tại Vũ Hán, hộp tro cốt đã được chất đầy hai xe tải, theo tính toán số lượng là 5.000 hộp, rõ ràng vượt xa con số hơn 3.000 ca tử vong vì dịch bệnh trên toàn quốc theo công bố của chính quyền Trung Quốc. Hơn nữa, Nhà tang lễ Hán Khẩu chỉ là một trong bảy nhà tang lễ của thành phố Vũ Hán. Bảy nhà tang lễ tổng cộng có 74 lò hỏa thiêu, theo ước tính sơ bộ, dưới 24 giờ làm việc không ngừng nghỉ, số lượng người chết một tháng lên tới cả vạn người. Con số này vẫn chưa bao gồm số lượng thi thể của 40 cabin đốt rác thải y tế di động xuất hiện tại Vũ Hán vào giữa tháng Hai.
Những tính toán này tuy không phải là con số chính xác, nhưng nó không thể phủ nhận được sự thật, mà trái lại lại đủ để khiến cho những lời dối trá của ĐCSTQ không còn đường bao biện.
ĐCSTQ tưởng rằng giấu kỹ “con số tử vong” vào “hộp đen” là có thể không một ai biết. Tuy nhiên, quả thực giống như một ngạn ngữ đã nói, khi ông Trời đóng một cánh cửa lại, thì sẽ có một cánh cửa khác mở ra.
Tổng quan từ khi Trung Cộng gây dựng chính quyền cho đến nay, cho dù là thiên tai hay nhân họa, cho dù là nạn nhỏ hay nạn lớn, để tô vẽ cho cái hình tượng “vĩ đại, quang vinh, chính xác” của mình, Trung Cộng đã dày công che giấu hoặc làm giả số lượng thương vong, thậm chí còn không báo cáo.
Ba năm sau trận “Đường Sơn đại địa chấn”, số người tử vong mới được công bố chính thức
Trong trận Đường Sơn đại địa chấn năm 1976, cả thành phố công nghiệp Đường Sơn, nơi sinh sống của hơn 1 triệu người dân Trung Quốc, trong chốc lát trở thành đống hoàng tàn đổ nát. Vậy mà mãi đến ba năm sau, chính quyền Trung Cộng mới công bố số liệu chính thức rằng trận đại địa chấn này đã gây ra cái chết cho 240.240 người.
Trận địa chấn ở Đường Sơn năm 1976 (Nguồn: Scmp.com)
Cuối năm 1976, khi phát tem phiếu mua vải lần thứ hai, vốn dĩ Đường Sơn có 1,2 triệu dân nhưng lại chỉ phát ra 650 nghìn phiếu. “Phiếu mua vải được tính dựa trên số đầu người, vậy rốt cuộc có bao nhiêu người đã tử vong?” Dựa vào đây có thể ước tính được rằng, số người tử vong trong trận động đất tại Đường Sơn tuyệt đối không phải là hơn 240 nghìn người, mà ít nhất cũng phải 550 nghìn người. Ngay sau khi trận động đất kết thúc, người dân sớm đã truyền nhau rằng, có khoảng 600 nghìn người bị thiệt mạng.
Trong thời bao cấp, người dân sử dụng tem phiếu để mua bán hàng hóa, và điều này cũng vừa hay trở thành một ấn chứng để chứng thực cho sự thực về vụ tai nạn này.
“-5,2%” của 500 triệu người
Trong giai đoan từ năm 1959 đến năm 1961, Trung Cộng thực hiện kế hoạch Đại nhảy vọt, tập trung luyện gang thép, xây dựng các công trình thủy lợi, bỏ bê mùa màng dẫn đến nạn đói lớn. Tại các thành phố, người dân sử dụng tem phiếu để mua hàng hóa, nhưng lương thực chẳng đủ ăn. Còn tại nông thôn, nông dân sau khi ăn hết khẩu phần lương thực hữu hạn của mình, họ phải ăn cỏ, vỏ cây thậm chí còn ăn cả thịt người. Nạn đói lớn này rốt cuộc đã làm bao nhiêu người chết?
Trung Cộng nhiều năm nay đều rất hạn chế nhắc đến vấn đề này, tuy nhiên vài năm gần đây, khi hồ sơ nhân khẩu được công khai, chúng ta có thể thấy rõ tỷ lệ tăng trưởng dân số năm 1959 là -2,4 %, năm 1960 là -4,7%, năm 1961 là -5,2% còn năm 1962 là -3,8%. Số dân Trung Quốc khi đó là 500 triệu người, dựa trên tỷ lệ này có thể tính ra, dân số của Trung Quốc lúc bấy giờ suy giảm từ 30 đến 40 triệu người, qua đó chứng minh được rằng 30 triệu người chết trong nạn đói là một con số không hề khó tin.
Người chết không thể mở miệng, nhưng từ số liệu tỷ lệ sinh giảm mạnh trong những năm đó có thể gián tiếp chứng minh được sự suy giảm bất thường của dân số.
Che giấu nạn lớn, chôn vùi nạn nhỏ
Con số thương vong của lính cứu hỏa trong vụ nổ Thiên Tân diễn ra vào tháng 8 năm 2015 được xác nhận là lớn nhất từ trước tới giờ. Theo tin tức từ các phương tiện truyền thông của Trung Cộng, có tổng cộng 21 người chết và bị thương, điều này đã làm dấy khởi nên sự chỉ trích của một bộ phận dân chúng.
Trên Internet có trích dẫn một tin tức của Cục Phòng cháy Chữa cháy thuộc Bộ Công an cho biết, toàn bộ thành viên của 9 đội cứu hỏa và 3 đội phòng cháy chữa cháy chuyên trách đều đã hy sinh. Theo thông tin từ một người am hiểu tình hình, một đội lính cứu hỏa thông thường có khoảng 20 đến 30 người, còn đội phòng cháy chữa cháy chuyên trách có ít nhất là 15 người. Như vậy, trong vụ nổ lần này, số lính cứu hỏa hy sinh phải là 200-300 người.
Các đội lính cứu hỏa đều được biên chế theo quy định, vì vậy, chỉ cần xác định được ngày hôm đó có bao nhiêu đội được điều động đi, và có bao nhiêu người trở về, liền có thể tính toán ra được có tất cả bao nhiêu người đã hy sinh.
Vào tháng 7 năm 2012, một trận mưa lớn hiếm hoi nhất trong 60 năm qua đã xảy ra tại Bắc Kinh, truyền thông của Trung Cộng đưa tin cho biết đã có 36 người thiệt mạng trong vụ này. Tuy nhiên rất nhiều người dân tại đây ước tính rằng số người chết phải nhiều hơn thế, có thể là hơn trăm người. Theo thông lệ của Trung Cộng, che giấu là điều tất nhiên, cho dù là nạn lớn hay nạn nhỏ, Trung Cộng đều không bao giờ tiết lộ sự thật.
Những người mất tích được mã hóa
Tháng 7 năm 1999, Giang Trạch Dân cùng Trung Cộng phát động chiến dịch đàn áp Pháp Luân Công. Trong suốt 20 năm qua, vô số học viên Pháp Luân Công bị bắt giữ phi pháp, bị đánh đập khổ hình, bị giết một cách tàn bạo, thậm chí họ còn bị thu hoạch nội tạng sống. Theo như thống kê của Minh Huệ tại hải ngoại, cho đến nay, có hơn 4.000 người có danh tính được xác nhận là bị bức hại đến chết.
Cuộc bức hại Pháp Luân Công xảy ra từ năm 1999 cho đến nay, số người chết thực sự vẫn luôn bị ĐCSTQ che giấu (Ảnh: minghui.org)
Vậy có bao nhiêu người vẫn chưa được tiết lộ? Do Trung Cộng cố ý che giấu, vì vậy cho đến nay, số lượng học viên Pháp Luân Công bị bức hại vẫn còn là một ẩn số.
Cô Cam Na là người Bắc Kinh, từng là nhân viên hải quan sân bay thủ đô Bắc Kinh hiện đang sống tại Toronto, Canada. Năm 2001, lần thứ ba bị giam giữ tại trại lao động cưỡng bức nữ tại Tân An, Bắc Kinh, cô bị ép xét nghiệm máu, chụp X quang, điện tâm đồ và kiểm tra mắt v.v. Cô Cam Na cho biết: “Khi đó tôi cảm thấy rất kỳ lạ, cảnh sát trại lao động cưỡng bức căn bản không xem chúng tôi là con người, nhưng lại đưa chúng tôi đi kiểm tra toàn diện, thật là khó hiểu.”
Từ sau tháng 9, tháng 10 năm 2002 trở đi, những học viên Pháp Luân Công bị bắt cóc đến Mã Tam Gia đều bị tiến hành kiểm tra thân thể toàn diện và chi tiết, lần kiểm tra này hoàn toàn khác với những lần kiểm tra trước đây. Họ bị lấy máu, kiểm tra nhóm máu, và thực hiện rất nhiều cuộc kiểm tra khác nữa. Có người phải trực tiếp được các bác sỹ “hỏi thăm”, trước mặt các bác sỹ đều có một bảng điều tra có ghi tên của học viên, trước tên của họ đều được đánh một mã số. Những học viên có nhóm máu đặc biệt được ký hiệu hình tam giác trước mã số, các bác sỹ sẽ đặc biệt chú ý đến những kết quả xét nghiệm này và hỏi họ gia đình có tiền sử mắc bệnh di truyền không.
Theo báo cáo của Minh Huệ Net, vào năm 2000, Trung Cộng áp dụng chính sách liên đới vô cùng độc ác đối với những học viên Pháp Luân Công tham gia thỉnh nguyện như: sa thải người nhà, phạt lãnh đạo cơ quan, cắt tiền thưởng của toàn bộ nhân viên trong công ty, thậm chí còn bắt các phòng ban của chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm… Bằng cách này, Trung Cộng đã kích động toàn bộ môi trường xung quanh học viên Pháp Luân Công cùng tham gia vào cuộc đàn áp.
Do vậy, bắt đầu từ khoảng năm 2000, vì để không làm ảnh hưởng đến gia đình, cơ quan, khu phố, rất nhiều học viên Pháp Luân Công tham gia thỉnh nguyện đã không báo danh và địa chỉ gia đình. Từ những bài viết của học viên Pháp Luân Công trên Minh Huệ Net cũng có thể thấy rõ, “không ghi tên và địa chỉ” trở thành một cách làm rộng phổ biến của học viên Pháp Luân Công để hạn chế sự đàn áp liên đới này.
Theo nguồn tin nội bộ của công an thành phố Bắc Kinh, đến tháng 4 năm 2001, số học viên Pháp Luân Công đăng ký đi Bắc Kinh thỉnh nguyện là 830 nghìn người, không bao gồm những người không báo danh và không đăng ký. Con số những người không báo danh bị bắt giữ hiện vẫn chưa được công khai.
Tháng 7 năm 2000, để giảm nhẹ áp lực cho Bắc Kinh, những học viên Pháp Luân Công bị giam giữ tại các đồn công an Bắc Kinh không nói tên và địa chỉ, bị chuyển đến giam giữ tập thể tại các đồn công an Thiên Tân, những đoàn xe màu trắng chở học viên nối nhau chạy dài trên đường cao tốc, không thấy đầu đuôi.
Ngoài Thiên Tân, có một số bị chuyển đến vùng Đông Bắc, có người đến nay vẫn bặt vô âm tín. Luật sư Quách Quốc Đinh hiện đang sống tại Thượng Hải cho biết: “Tôi đã từng trực tiếp xử lý vụ án tương tự của Hoàng Hồng tại Thượng Hải, Hoàng Hồng mất tích tại Đại học Giao thông Thượng Hải, mà không hề có bất cứ thông tin nào, chúng tôi cũng đã tìm kiếm rất nhiều nơi nhưng đều không có kết quả.”
Năm 2006, cuối cùng cũng có một người dám đứng ra công khai sự thật. Một bác sỹ thực hiện phẫu thuật mổ cướp nội tạng sống tại Tô Gia Đồn, tỉnh Thẩm Dương vì không thể chịu đựng được sự cắn rứt lương tâm, đã cùng với gia đình tại nước ngoài nói ra sự thật về hoạt động cướp mổ nội tạng sống của học viên Pháp Luân Công. Sự việc này đã gây ra ảnh hưởng vô cùng lớn đối với cộng đồng xã hội quốc tế.
Sau hơn 10 năm điều tra và thu thập chứng cứ từ học viên Pháp Luân Công, trong tình huống không có hiện trường vụ án (cũng không thể nào có được, vì sau khi những kẻ độc ác thực hiện phẫu thuật nội tạng xong, sẽ ngay lập tức thiêu hủy thi thể), thông qua các thông tin từ nhiều chiều, các nhà điều tra đã xâu chuỗi được chứng cứ đầy đủ và chi tiết về vụ việc này.
Vào ngày 17 tháng 6 năm 2019, dựa trên chuỗi bằng chứng đa chiều và đáng tin cậy, Tòa án Nhân dân Độc lập tại Luân Đôn đã chính thức kết luận tội ác của chính quyền Trung Quốc trong việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng, và cho đến hiện tại hoạt động này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Những bí mật này còn có thể che giấu được bao nhiêu lâu? Người Trung Quốc có một câu nói rằng “Muốn người khác không biết, tốt nhất đừng có làm”.