Một sự kiện bi thảm chưa từng được biết đến đã xảy ra với các loài động vật biển trên trái đất vào cái ngày mà tiểu hành tinh Chicxulub – “sát thủ khủng long” đâm vào trái đất.
Một nghiên cứu vừa công bố trên Proceedings of the National Academy of Sciences đã đưa ra bằng chứng về cuộc thảm sát khác mà Chicxulub, một tiểu hành tinh bề rộng ít nhất10 km đã gây ra với hệ sinh thái trái đất. Có nghiên cứu còn khẳng định tiểu hành tinh này đường kính trên 80 km.
Nhiều nghiên cứu trước đây đã vẽ nên bức tranh thảm khốc trên khắp các lục địa ngày mà Chicxulub va chạm: ánh mặt trời bị những đám mây mù độc hại che phủ, cháy rừng khắp nơi, siêu sóng thần tàn phá… Cú va chạm đã kiến loài khủng long hoàn toàn tuyệt diệt sau khi làm bá chủ hầu hết 3 kỷ Tam Điệp – Jura – Phấn Trắng.
Ảnh đồ họa mô phỏng thảm họa 66 triệu năm trước do tiểu hành tinh giết khủng long gây ra – ảnh: D. VAN RAVENSWAAY/SPL
Nhưng “tội lỗi” của Chicxulub chưa dùng lại ở đó. Trong nghiên cứu mới này, tiến sĩ Michael Henehan từ Đại học Yale (Mỹ) và các cộng sự đã tìm được bằng chứng về hiện tượng “axit hóa trong nháy mắt” của các đại dương thời tiền sử vào thời điểm Chicxulub đâm vào trái đất.
Cách các đại dương trở nên chết chóc đơn giản đến thảm khốc: cú va chạm đã khởi động hàng loạt trận mưa axit cực lớn trên khắp trái đất, trút axit vào đại dương và đem tử thần đến cho hàng loạt sinh vật đang phát triển mạnh mẽ thời kỳ đó.
Bằng chứng sống động nhất cho thảm cảnh này là hóa thạch kỳ dị của một số sinh vật thời kỳ đó. Nhóm gnhiên cứu đã tìm thấy hàng loạt tàn tích của các sinh vật phù du cổ đại gọi là foraminifera hay forams. Vỏ của chúng bảo tồn một lượng lớn boron, một nguyên tố hóa học rất ít gặp trong các hóa thạch khác. Chất này cho thấy chúng đã phải hứng chịu một môi trường xung quanh với mức axit cao khủng khiếp.
Đối chiếu tỉ lệ boron trong các hóa thạch cùng loại trước đó, các nhà khoa học đã xác định được sự thay đổi đột ngột đúng vào thời điểm xảy ra vụ va cham tiểu hành tinh. Sự thay đổi diễn ra trong 100 đến 1.000 năm đầu tiên sau tác động – một thời gian có vẻ dài với đời người nhưng so với “cuộc đời” của trái đất, có thể nói các đại dương đã hóa biển axit chỉ trong một đêm!
Quá trình gây tàn phá nặng nề, phá vỡ các chuỗi thức ăn nên thậm chí nhiều sinh vật sống được trong môi trường giàu axit cũng có thể bị tuyệt diệt vì đói. Phát hiện mới này đã đưa ra được mảnh ghép còn thiếu trong quá trình tuyệt chủng lan rộng khắp các đại dương trái đất sau thảm họa tiểu hành tinh.
Chicxulub đã để lại một “vết sẹo” khủng khiếp trên bề mặt trái đất bên dưới bán đảo Yucatan (Mexico): một miệng hố đường kính ước tính khoảng 150-180 km, sâu đến 20 km.