Vành đai Sao Thổ là hệ vành đai rộng lớn nhất quanh một hành tinh trong hệ Mặt Trời. Theo dữ liệu mới, vành đai này đang biến mất một cách nhanh chóng, sớm hơn dự tính đến 200 triệu năm.

Vành đai sao Thổ là tập hợp của vô số các hạt nhỏ, kích thước từ vài micromet đến hàng mét liên kết với nhau tạo thành đám bụi khổng lồ quay quanh sao Thổ. Vành đai sao Thổ được nhà thiên văn Galileo Galilei phát hiện năm 1610, chỉ một năm sau khi ông quan sát bầu trời bằng chiếc kính thiên văn đầu tiên của nhân loại.

Nhưng hiện tại vành đai này đang biến mất…

Theo dữ liệu mới từ tàu vũ trụ Cassini của NASA, vành đai sao Thổ đang biến mất sớm hơn dự tính khoảng 200 triệu năm.

Sao Thổ vốn là hành tinh dễ nhận biết nhất khi quan sát Hệ Mặt Trời, vì nó được đặc trưng bởi một vành đai bụi kéo dài tới hơn 280.000 km, gấp 6 lần đường kính Trái Đất. Nhưng điều này có lẽ không thể duy trì được lâu nữa.

Đúng vậy, vành đai Sao Thổ đang biến mất! Hơn nữa còn rất nhanh chóng, ngoài sức tưởng tượng của các khoa học gia hàng đầu. Ngay lúc này đây, mỗi giây có khoảng 10.000kg cơn mưa bụi được trút xuống bề mặt sao Thổ. 

Những cơn mưa này đến từ các đám mây vật chất của Vành đai sao Thổ, chúng chủ yếu được tạo thành từ băng và đá. 

Dưới sự bắn phá liên tục của bức xạ UV từ Mặt trời cũng như các tiểu thiên thạch từ nơi khác. Các hạt băng bốc hơi tạo thành các phân tử nước tích điện và tương tác với từ trường sao Thổ, cuối cùng rơi về phía sao Thổ rồi bốc cháy trong bầu khí quyển hành tinh này.

Trên thực tế, nhân loại đã biết đến những cơn mưa như vậy ở sao Thổ từ những năm 1980 khi tàu vũ trụ Voy Voyager của NASA lần đầu tiên phát hiện các dải màu tối bí ẩn trên bề mặt hành tinh này. Đó là những cơn mưa được gây ra bởi từ trường sao Thổ. Trước đó, các nhà nghiên cứu ước tính vành đai này sẽ thoát nước hoàn toàn trong khoảng 300 triệu năm. Tuy nhiên các quan sát mới nhất từ tàu vũ trụ Cassini đã chỉ ra thời hạn này có thể ngắn hơn rất nhiều.

Giờ đây, những cơn mưa mang theo bụi và đất đá ngày càng dữ dội hơn trước. Với những quan sát rõ ràng hơn, các nhà khoa học đã tính toán được tuổi thọ của vành đai này chỉ còn khoảng 100 triệu năm. 

Điều thú vị là theo các nhà khoa học, khi mới hình thành Sao Thổ không hề có hệ vành đai như ngày nay, hành tinh này cũng trần trụi giống như Trái Đất. Mãi cho đến khoảng 100-200 triệu năm trước đây hệ vành đai này mới được hình thành, tức là không lâu trước sự xuất hiện của loài khủng long. Vì vậy, đây chính là hệ vành đai có 1 không 2 trong Hệ Mặt Trời. 

Đối với các nhà khoa học, việc nghiên cứu vành đai Sao Thổ còn đưa họ đến những khám phá khác.

Ví dụ, khi tàu vũ trụ Cassini khám phá mặt trăng Enceladus của sao Thổ, nó đã phát hiện một đường dẫn băng và khí từ mặt trăng này đến Vành đai E (Vành đai ngoài cùng của hệ). 

Bằng nhiều biện pháp nghiên cứu chặt chẽ hơn, các nhà khoa học đã phát hiện một loạt các cơ chế phun khí và bụi bặm của mặt trăng Enceladus. Một số quay trở lại mặt trăng này tạo ra màn sương mờ trên bề mặt, trong khi số khác được phóng ra không gian khiến Enceladus trở thành một nguồn cung cấp vật chất lý tưởng cho Vành đai E.

Theo Tinh Hoa