Cuối năm 2019, giới y học ở Vũ Hán đã lan truyền tin về sự bùng phát của dịch SARS, chính quyền buộc phải thừa nhận dịch bệnh, nhưng nhấn mạnh rằng đó là “viêm phổi chưa xác định”, sau đó lại công bố là “chủng virus mới của coronavirus”. Vài ngày trước, chuyên gia Đức thậm chí còn thẳng thắn tuyên bố rằng đây là virus SARS.

Vào thứ Tư (ngày 15/1), “Đài tiếng nói Đức” (DW) trích dẫn lời ông Christian Drosten, chuyên gia nghiên cứu virus ở Berlin rằng, loại virus mới gây ra “viêm phổi chưa xác định” ở Trung Quốc là virus SARS, tương tự như loại virus bùng phát năm 2002-2003.

Drosten là giám đốc của Viện nghiên cứu virus tại học viện Charité, Berlin, ông chỉ ra rằng, loại virus mới này và virus SARS là “cùng một loại virus, nhưng hình thái khác nhau”. Sự khác biệt chủ yếu là virus này mượn những protein khác nhau để gắn vào tế bào người.

SARS là tên viết tắt của “Severe Acute Respiratory Syndrome” (hội chứng suy hô hấp cấp nặng). SARS có tỷ lệ tử vong cao vì có khả năng gây suy hô hấp, về cơ bản khác với bệnh viêm phổi thông thường. Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chính thức gọi SARS là “viêm phổi không điển hình”, được coi là cách nói “làm giảm tâm trạng hoảng loạn của người dân”.

Vài ngày trước, ĐCSTQ chính thức công bố trình tự gen của một trong những trường hợp nhiễm “viêm phổi chưa xác định” ở Vũ Hán. Nhiều chuyên gia Hồng Kông cho rằng, gen này giống gần 80% so với coronavirus SARS.

Chuyên gia Đức: “Chủng Virus mới của Coronavirus” ở Vũ Hán chính là SARS (ảnh 2)ĐCSTQ chính thức công bố trình tự gen của một trong những trường hợp nhiễm “viêm phổi chưa xác định” ở Vũ Hán. Nhiều chuyên gia Hồng Kông cho rằng, gen này giống gần 80% so với virus coronavirus SARS. (Ảnh: CNN)

Virus SARS dễ bị đột biến trong quá trình truyền nhiễm và tốc độ đột biến rất nhanh. Khi dịch SARS xảy ra vào năm 2003, giới y học khó có thể ngăn chặn và kiểm soát vì dạng virus này không ngừng thay đổi và cũng rất khó để phát triển loại vắc-xin tương ứng.

Giáo sư Viên Quốc Dũng, khoa bệnh truyền nhiễm Đại học Hồng Kông gần đây đã chỉ ra rằng, xét về tình hình căn bệnh, mức độ nghiêm trọng và tỷ lệ tử vong của virus mới ở Vũ Hán đều ngang với dịch SARS năm 2003. Ông nói rằng, năm đó SARS cũng trải qua sự đột biến virus nhanh chóng, sau đó là quá trình “siêu lây lan” quy mô lớn.

Tin tức về bệnh dịch bùng phát ở Vũ Hán lần đầu tiên xuất hiện từ giới y học Vũ Hán hồi cuối tháng 12/2019. Khi đó một số nguồn tin chỉ ra rằng, nhiều bệnh viện và cơ quan kiểm tra y tế đã xác nhận sự bùng phát SARS tại chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán.

Sau khi tin tức trên được truyền đi, chính quyền buộc phải thừa nhận bệnh dịch bùng phát, nhưng khẳng định đó là “viêm phổi không rõ nguyên nhân” và phủ nhận SARS. Đồng thời nhanh chóng cách ly một loạt bệnh nhân, trấn áp “những kẻ tung tin đồn” trên mạng. Vài ngày sau, chính quyền thông báo dịch bệnh đến từ “chủng virus mới của coronavirus” và công bố một ví dụ về trình tự gen “virus mới” rất giống với virus SARS.

Hiện tại, chính quyền Vũ Hán sau nhiều ngày khẳng định “không có bằng chứng rõ ràng về sự lây truyền từ người sang người đã được tìm thấy”, cuối cùng đã thừa nhận rằng virus có thể lây lan qua “các cuộc họp mặt gia đình”. Tổ chức y tế thế giới (WHO) cũng cho rằng, virus mới có thể lây nhiễm từ người sang người “ở một mức độ hạn chế”.

Chuyên gia Đức: “Chủng Virus mới của Coronavirus” ở Vũ Hán chính là SARS (ảnh 3)Người ta nghi ngờ rằng báo cáo xét nghiệm MAPMI của Trung tâm xét nghiệm y tế Bác Áo cho thấy virus SARS coronavirus được phát hiện. (Ảnh: NTDTV)

Sau khi bệnh dịch bùng phát ở Vũ Hán, Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore và Thái Lan đều lần lượt phát hiện các trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh. Trong đó, Thái Lan đã chuẩn đoán chính xác là có “chủng virus mới của coronavirus”. Những trường hợp bệnh lý này khiến các chuyên gia lo lắng rằng dịch bệnh từ lâu đã được truyền từ người sang người. Trong đó bệnh nhân ở Vũ Hán và bệnh nhân được chẩn đoán ở Thái Lan đều chưa từng đến Chợ hải sản Hoa Nam.

Hiện tại, dịch bệnh mới chưa xuất hiện tình trạng tương tự như dịch SARS năm 2003, nhưng các chuyên gia cho rằng không nên xem nhẹ.

Drosten, chuyên gia về virus ước tính rằng, loại virus không xác định gây ra sự bùng phát ở người như thế này, thường xảy ra khoảng 10 năm một lần. Đối với các virus dễ bị đột biến, chuỗi lây nhiễm là “nơi thử nghiệm” đối với virus.

Mới đây, Vũ Hán đã chính thức công bố trường hợp tử vong đầu tiên do loại virus mới gây ra. Nguyên nhân tử vong là “suy hô hấp”, tương tự như SARS năm đó. Ngoại giới bày tỏ nghi ngờ về số lượng bệnh nhân và số người chết được công bố tại Vũ Hán.

Đối với chính quyền ĐCSTQ, tầm quan trọng của việc “duy trì sự ổn định” trong dư luận luôn cao hơn lợi ích và thậm chí là mạng sống của người dân. Một trong những nguyên nhân chính khiến đại dịch SARS bùng phát toàn cầu vào năm đó là do ĐCSTQ che giấu tình hình dịch bệnh, khiến cộng đồng quốc tế không đề cao cảnh giác.

Sau khi bệnh dịch Vũ Hán bùng phát vào năm nay, Hồng Kông, Đài Loan và một số người Hoa sống ở các nước châu Á đã rút kinh nghiệm từ bài học quá khứ, nhanh chóng tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh để ngăn chặn đại dịch bùng phát một lần nữa.

Theo Tinh hoa