“Ngũ thường” là những tiêu chuẩn đạo đức mà người xưa truyền lại để giúp duy trì trật tự xã hội, không chỉ thế nó còn ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe cơ thể người, mà cụ thể là nội tạng.

“Nhân từ” ở đây là yêu thương người khác, là từ bi lương thiện, có thể thông cảm với người khác. (Ảnh: Siliconeoil)

Dưới đây là một số phân tích về sự ảnh hưởng của “ngũ thường” (nhân, lễ, nghĩa, trí, tín) và “ngũ hành” (kim, mộc thủy, hỏa, thổ) đối với nội tạng con người dưới góc độ y học thời cổ đại.

Một người chỉ cần có tâm chính thì khí tất sẽ chính, khi đã có khí chính thì hình thể tất cũng sẽ chính. Theo lý luận của y học Trung Quốc cổ đại thì con người được cấu thành bởi ba bộ phận, là hình, khí và thần. “Hình” chính là chỉ ngoại hình bên ngoài của con người. “Khí” chính là chỉ các kinh lạc, khí huyết của con người. “Thần” là phương diện tinh thần của con người.

Con người bị bệnh là bao gồm có ba nguyên nhân, đó là nguyên nhân bên trong, bên ngoài và nguyên nhân khác. Nguyên nhân bên ngoài chính là sự ảnh hưởng bởi các yếu tố thời tiết như nóng, lạnh, gió, hanh khô… Các nguyên nhân bên trong gồm có vui, buồn, giận, lo âu, suy nghĩ, bi thương, sợ hãi… Nguyên nhân khác (không thuộc nguyên nhân bên trong hay bên ngoài) chính là các yếu tố về ẩm thực và nơi sinh sống.

Trạng thái của một người ở vào thời điểm bình thường chính là khỏe mạnh, thông thuận và sáng suốt. Ngược lại, khi không biết được quy luật tự nhiên, tùy tiện làm việc xằng bậy, thì kết quả sẽ là gặp điều hung tai. Một loại thể hiện của “hung tai” chính là bệnh tật, thậm chí là bệnh nan y khó chữa. Mà trên thực tế rất nhiều loại bênh nan y là do nội tâm của con người gây ra. Trong đó, luân lý đạo đức (ngũ thường: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín) là có ảnh hưởng rất lớn, thậm chí quyết định đến sự tồn vong của con người thông qua “ngũ tạng”.

“Nhân” đối ứng với gan (ngũ tạng) và mộc (ngũ hành)

Trong “ngũ thường” đứng đầu là “nhân” (lòng nhân từ, nhân ái). “Nhân” đối ứng với “mộc” trong ngũ hành và “mùa xuân” trong bốn mùa. Mùa xuân là thời điểm cây cối sinh trưởng, vạn vật sinh sôi nảy nở. Nó đối ứng với trạng thái tâm lý của con người là yêu thương, nhân từ. “Nhân từ” ở đây là yêu thương người khác, là từ bi lương thiện, có thể thông cảm với người khác.

Cổ nhân thường nói: “Thượng thiên có đức hiếu sinh”, chữ “sinh” này cũng là có ý nghĩa nhân từ. “Sinh” là sức sống, đối ứng với tạng phủ là lá gan. Gan ở đây cũng không phải chỉ là gan trong tây y thường nói đến, mà là chỉ chức năng và trạng thái của các cơ quan nội tạng trong cơ thể. Tạng phủ, kinh lạc và thất khiếu (hai tai, hai mắt, hai lỗ mũi và miệng) là liên thông với nhau. Gan liên thông với mắt, bởi vậy, gan của một người mà có vấn đề thì biểu hiện ra bên ngoài là ánh mắt có vấn đề và ở phương diện đạo đức thì chính là khuyết thiếu nhân từ.

Lễ phép chính là những phép tắc cơ bản, là trật tự trên dưới và quan hệ ngũ luân. (Ảnh: Kknews)

Nếu một người muốn khỏe mạnh thì nhất định phải tu dưỡng tốt tính cách của mình. Bắt đầu tu dưỡng từ đâu? Chính là bắt đầu từ việc hiếu thảo với cha mẹ. Bởi vì “trăm thiện hiếu vi tiên”. Con người một khi hiếu thảo với cha mẹ thì hỏa khí sẽ giảm dần, kinh lạc sẽ dễ dàng thông suốt. Khi kinh lạc thông suốt rồi thì bệnh tật sẽ tự động khỏi.

Nhà sinh lý học Elma giảng dạy tại đại học Stanford, Mỹ từng làm một thực nghiệm nổi tiếng. Ông thu thập khí của người tức giận, bi thương, phiền não thở ra rồi dẫn vào một cái chai có đựng một loại nước thông qua ống dẫn. Sau đó, ông phát hiện ra màu sắc của nước ở trong cái chai này có sự thay đổi. Khí của người tức giận làm cho nước chuyển thành màu tím, khí của người bi thương khiến nước chuyển thành màu xám. Về sau, ông đổ nước màu tím này lên một con chuột trắng nhỏ, sau một khoảng thời gian thì con chuột trắng này run rẩy và chết. Thực nghiệm này chứng minh rằng, thời điểm con người tức giận là thời điểm con người đang bài tiết độc tố.

“Nhân từ” dưỡng gan, người nhân từ thì gan huyết thông thuận, khí mạch tốt và đương nhiên sẽ trường thọ. Lão Tử giảng: “Con người khi mới sinh thì mềm mại, mà khi chết thì cứng ngạnh.” Bởi vậy, “nhân từ” là có sức mạnh rất lớn đến sức khỏe và tuổi thọ của một người.

“Lễ” đối ứng với tim (ngũ tạng) và hỏa (ngũ hành)

“Lễ” ứng với hỏa trong ngũ hành, với tim (tâm) trong ngũ tạng và mùa hạ trong 4 mùa. Trong “Thượng Thư” viết: “Hỏa viết viêm thượng”, ý nói, hỏa được gọi là thiêu đốt hướng lên trên. Nó đại biểu cho tính tích cực, hướng lên trên, sáng tỏ và sự tiến bộ. Lễ ứng với hỏa cho nên lễ cũng có những ý nghĩa tương ứng. Muốn biết một con người, một quốc gia có tiến bộ hay không thì lễ phép là một tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá. Lễ phép này chính là những phép tắc cơ bản, là trật tự trên dưới và quan hệ ngũ luân.

Trong “Hoàng Đế nội kinh” giảng: “Tâm giả, quân chủ chi quan; chủ minh tắc hạ an, chủ bất minh tắc thập nhị quan nguy” nghĩa là cái tâm là có tác dụng chủ đạo, là chủ thần minh.

Tâm vốn dĩ là có trạng thái rất rộng mở và hướng lên phía trước, đây là trạng thái tự nhiên của nó. Nếu là trạng thái mất tự nhiên thì bệnh trạng chính là thù hận. Thù hận sẽ làm tổn hại trái tim. Vì sao lại nói như vậy? Đó là bởi vì tâm thù hận đều là từ bên trong mà phát ra bên ngoài. Hơn nữa, loại khí này là hướng vào bên trong mà tụ lại. Vì thế đặc biệt dễ gây ra các bệnh như tim mạch vành, hồi hộp, đánh trống ngực…

Một người mà ở vào trạng thái vui vẻ khoái hoạt thì khí mạch của họ cũng liền dễ dàng thông suốt. Điều này có thể phát hiện ra ở trẻ em, chúng suốt ngày đều là vui vẻ thoải mái.

Các nhà y học đã từng làm một cuộc thống kê và phát hiện: Trẻ em dưới ba tuổi, bình quân mỗi ngày cười 170 lần và tâm mạch của chúng hoàn toàn thông suốt, không có bệnh tật. Cổ nhân gọi đó là khí thuần dương. Người trưởng thành bình quân mỗi ngày cười bảy lần và những người có số lần cười càng ít thì thường mắc bệnh nhiều hơn.

“Nghĩa” đối ứng với phổi (ngũ tạng) và kim (ngũ hành)

Một người mà phế khí không đủ thì tức là ở phương diện “nghĩa” của người này có vấn đề. Phế thông với mũi, cho nên một khi mũi có vấn đề thì phế cũng là có vấn đề và tương ứng là “nghĩa” của người này cũng là chưa tốt.

Mặt trái của nghĩa chính là quá khích, hành vi quá khích, bất nghĩa. Nghĩa đối ứng với tinh (sự thuần chất, tinh hoa, tinh thần). Trong văn hóa truyền thống cổ đại, tinh là đại biểu cho sự thu liễm, mùa thu. Mùa thu là mùa lá rơi, là thời điểm gió thu thổi, khí của đất trời mùa thu chỉ một vẻ xơ xác. Cho nên mới nói, người có kim khí rất mạnh thì sát khí cũng rất nặng.

Cổ nhân gọi là sát khí, ngày nay có cách nói là “không giúp mà còn bỏ cát vào mắt”, ý chỉ những hành vi làm tổn thương người khác, chọc vào thiếu sót và nỗi đau của người khác. Người có loại tính cách này dễ dàng bị mắc loại bệnh về kim hành, phế kinh. Trong ngũ hành tương sinh tương khắc thì kim khắc mộc (đối ứng với gan). Cho nên, người có tính cách này cũng sẽ làm tổn thương đến gan, hơn nữa tính cách này càng nặng thì gan càng tổn thương nặng nề.

Một người mà kim khí quá cường thịnh, hơn nữa còn phát triển thêm thì đó chính là bầu không khí buồn thảm. Trong “thất tình” của Trung y nói, buồn sẽ làm tổn thương phế. Một người mà quá buồn rầu thì phế của người ấy sẽ bị tổn thương nặng nề. Cho nên, người có kim khí cường thịnh thì nên luyện tập lòng khoan dung, vui vẻ, thường xuyên mỉm cười. Vì khi con người mỉm cười thì khí của thân thể được nới lỏng, các cơ quan nội tạng được giãn ra, khoan khoái khiến thân thể khỏe mạnh.

Bi thương sẽ làm tổn thương phế, vậy cái gì có thể điều trị được bi thương? Con người thường bị vây khốn bởi cái tôi, ích kỷ, vì mình. Bời vì bị vây khốn trong ấy mà bi thương, buồn khổ. Khi một người hòa nhập với người khác, với tập thể thì họ sẽ chuyển bi thương sang từ bi. Chính là họ sẽ biết quan tâm đến những người khác vô điều kiện.

Có thể nói, hết thảy những lo lắng buồn đau của một người, rốt cuộc cũng đều là vì bản thân. Khi người ta có thể mở rộng hơn tình yêu thương của mình, đồng thời ý thức được bản thân còn có nhiều trách nhiệm khác (cái nghĩa) thì họ sẽ thoát được ra khỏi cái tôi cá nhân ấy. Khi ý nghĩ vừa mở ra, tấm lòng quảng đại hơn thì bản thân và hoàn cảnh sẽ liền có biến hóa, khí biến hóa, ngoại hình của bản thân biến hóa và sức khỏe cũng tốt lên.

Theo Tri Thức VN