Người xưa có câu: “có đức mặc sức mà ăn“, lời này hết sức đúng đắn. Vinh hoa phú quý không phải tranh giành là được, mà nhờ phúc đức mới nên gia sản. Người có bao nhiêu đức sẽ có bấy nhiêu phúc, không có đức thì không thể có phúc, làm người thất đức thì dù sinh ra trong gia đình giàu có cũng sẽ khuynh gia bại sản
Rất nhiều người tin vào số phận, mọi người cũng thường nói đến vận may. Vậy phúc vận của mỗi người đến từ đâu? Số phận có thể thay đổi không?
1. Ăn mày thiện tâm trở thành tỉ phú
Tôi từng đọc được một bài bào viết về cuộc đời một tỉ phú Hong Kong. Người này trước khi đi Hong Kong đã nhiều năm làm ăn mày, có lẽ vì thế mà ông là một người rất thiện tâm, biết thông cảm cho mọi người.
Tỉ phú này cho rằng: Làm người nhất thiết không được bỏ đá xuống giếng, lúc người quen của bạn gặp bất hạnh hoặc bất công thì nên có lòng thông cảm, thiện tâm, cố gắng giúp đỡ hết khả năng, dù bất lực cũng nên nói vài lời an ủi, không nên cười nhạo, càng không được nói lời độc ác làm tổn thương người ta. Vì làm vậy sẽ mang lại vận rủi cho bản thân.
Cũng vì có thiện tâm như vậy nên người này có thể từ làm việc cực nhọc trở thành ông chủ của một cửa hàng nhỏ, sau đó phát triển lên làm ông trùm bất động sản, sống thọ đến hơn 90 tuổi, các con của tỉ phú này cũng rất hiếu thuận, sống lương thiện.
2. Phạm Trọng Yêm lo trước cái lo thiên hạ, gia tộc hưng thịnh 800 năm
Vào thời Bắc Tống có một nhân sĩ tên Phạm Trọng Yêm người huyện Ngô, phủ Tô Châu (nay thuộc Tô Châu, Giang Tô), xuất thân thanh bần. Vì từ nhỏ đã sống trong cảnh nghèo khổ nên từ trẻ ông đã lập lời thề: Nếu tương lai công thành danh toại nhất định sẽ cứu tế người bần hàn!
Sau bao năm đèn sách, ông đỗ tiến sĩ và được giao chức quan nhỏ, dần dần được thăng lên tể tướng. Sau khi đảm nhận chức tể tướng ông liền lấy bổng lộc mua nghĩa điền (ruộng đất của thân sĩ Trung Quốc cổ đại để phụng dưỡng người trong họ), phân cho người nghèo không có ruộng đồng trồng trọt. Ông còn cung cấp thức ăn, quần áo, thậm chí phụ cấp tiền cho họ mỗi khi có cưới xin hay tang ma. Cứ như vậy, lương bổng của một mình Phạm Trọng Yêm nuôi sống hơn 300 hương thân phụ lão.
Có một lần Phạm Trọng Yêm mua một ngôi nhà ở Tô Châu, một thầy phong thủy xem nhà liền khèn ngợi nơi này có phong thuỷ vô cùng tốt, đời sau nhất định xuất hiện đại quan. Phạm Trọng Yêm nghe vậy lại lập tức quyên tặng căn nhà này làm học đường. Ông nghĩ để cho con cháu của dân chúng ở Tô Châu có thể công thành danh toại chẳng phải tốt hơn chỉ mình nhà ông hưởng phúc?
Người xưa có câu: “Không ai giàu quá ba đời”, nhưng gia tộc họ Phạm lại hưng thịnh 800 năm! Cả bốn người con trai của Phạm Trọng Yêm đều tài đức vẹn toàn, trở thành tể tướng và đại quan. Đời sau của Phạm gia mãi đến đầu thời dân quốc đều không suy bại. Bí quyết chính là con cháu Phạm gia vẫn luôn ghi nhớ lời dạy của tổ tiên “Tích đức làm việc thiện” và “tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc” (lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ).
3. Gia đình hành thiện tất có phúc dư
tích thiện chi gia, tất hữu chi khánh”, ý nói những nhà hành thiện nhất định sẽ có chuyện tốt đang chờ. Cho thấy phúc vận của đời người đến như thế nào, phúc vận có được là nhờ xây đắp nên, chỉ có tích đức hành thiện mới có thể thay đổi số phận. Nếu muốn xây đắp tương lai tốt đẹp cho bản thân và người nhà, thì hãy làm một người có thiện tâm biết nghĩ cho người khác.
Theo quan niệm xưa của ông bà ta, mỗi năm 23 tháng Chạp, ông Táo sẽ về chầu trời, và ngày trừ tịch ông Táo sẽ từ trời về lại nhân gian, vì vậy dân gian có tục lễ cúng ông Táo. Sở dĩ ông Táo lên trời là để báo cáo lại thiện ác, công tội của các gia đình với Ngọc Đế. Nếu gia đình nào tích đức hành thiện thì thiên thượng sẽ cho gia đình này từ từ hưng vượng, còn những gia đình làm chuyện xấu sẽ suy bại dần dần.
Trong “Luận Ngữ” có kể lại rằng Vương Tôn Giả từng hỏi Khổng Tử: “Thay vì cúng thần Áo, thì thà cúng ông Táo còn hơn“. Từ một câu này có thể nhìn ra được, vào thời Xuân Thu, dân gian đã có phong tục lấy lòng ông Táo. Nhưng với điều Vương Tôn Giả hỏi, Khổng Tử đã trả lời thẳng rằng: “Không phải vậy, mắc tội với Trời, không thể cầu xin bất cứ chỗ nào“. Nếu làm chuyện xấu thì cũng là đã mắc tội với Trời, dù có cầu nguyện xin phúc cũng vô dụng.
4. Người hành thiện tương lai sẽ có phúc báo
Trong “Đạo Đức kinh”, Lão Tử có viết: “Thiên đạo vô thân, thường dữ thiện nhân“ (tạm dịch: thiên đạo không thân ai, mà thường gia ân cho người lành). Thật vậy, thiên thượng không có tâm thiên vị, chỉ bảo vệ những người thành tâm làm việc thiện. Những người hành thiện ắt sẽ được trời cao ban thưởng. Đúng như một câu trong “Hậu Hán Thư”: “Tự Thiên hựu chi, cát vô bất lợi“, có nghĩa là có thể được Thiên thượng bảo hộ, mà mọi sự cát tường, không có chỗ nào bất lợi.
Vậy nên Phật gia giảng nhân quả báo ứng. Người mà không biết nhân quả, nội tâm thường trống rỗng, cho rằng làm ác không mắc họa, làm thiện không được phúc báo. Vì thế, việc thiện thường không muốn làm, còn làm việc ác lại không sợ.
Người biết nhân quả báo ứng, nội tâm thường phong phú, có thể từng bước tự kiềm chế bản thân hành ác và dốc lòng hành thiện. Người tích thiện, tương lai đời sau sẽ được phúc báo, còn những người làm ác, tương lai sẽ gặp phải tai ương.
Ngoài ra, phúc đức của người hành thiện và tai họa của người hành ác cũng sẽ ảnh hưởng đến con cháu của họ. Như “Chu Dịch” viết: “Tích thiện chi gia tất hữu dư khánh, tích bất thiện chi gia tất hữu dư ương” (tạm dịch: nhà tích chứa điều thiện ắt sẽ có niềm vui, nhà tích chứa điều ác ắt sẽ có tai ương).
Tú Văn, theo Sound Of Hope