“Sống chết có số, phú quý do Trời” là một câu nói từ đời cha ông truyền lại, cũng là một danh ngôn mà các bộ phim và vở kịch thường xuyên dùng. Câu danh ngôn cổ này, rốt cuộc từ đâu mà có? Hãy cùng đọc câu chuyện cổ sau đây:

“Luận ngữ – Nhan Uyên” ghi chép rằng, đệ tử của Khổng Tử là Tử Hạ có một người bằng hữu, tên là Tư Mã Canh, còn gọi là Tư Mã Thị, tự Tử Ngưu, là người nước Tống. Tử Ngưu từ nước Tống đến nước Lỗ để học tập. Anh trai của Tử Ngưu tên là Hoàn Đồi ở nước Tống cũng giữ chức Tư Mã, tham gia phản loạn. Vì thế trong lòng Tử Ngưu lo lắng khôn nguôi, trong tâm luôn luôn sợ hãi.

Một ngày nọ, Tử Ngưu hỏi Khổng Tử như thế nào mới tính là “Quân tử”. Khổng Tử giảng giải rằng “Quân tử là người không sầu lo, cũng sẽ không sợ hãi”. Tử Ngưu liền nghi hoặc “Chẳng lẽ không sầu lo, không sợ hãi lại có thể xưng là quân tử sao?”. Khổng Tử đáp lại: “Luôn luôn nhìn vào nội tâm của bản thân mình, còn phải cần sầu lo sợ hãi điều gì đây?”.

Tử Ngưu đưa mắt nhìn các môn đệ đối xử với nhau vô cùng hòa nhã, cảm thấy chỉ riêng mình là lẻ loi cô độc, lại buồn phiền nói: “Mọi người đều có huynh đệ, chỉ riêng con là không có”. Bằng hữu của Tử Ngưu là Tử Hạ an ủi: “Thương văn chi hĩ: ‘Sống chết có số, phú quý do Trời. Quân tử kính mà không mất, đối với mọi người cung kính mà lễ độ, tứ hải giai huynh đệ. Quân tử cớ gì lo lắng không có huynh đệ?”

Sống chết, phú quý của con người là Thiên thượng ban cho, không phải lo sinh tử, cũng không phải lo được mất, không cần phải sợ sinh tử, tận tâm nắm giữ cơ hội và thời gian, hoàn thành thật tốt vai diễn là sinh mệnh mà Thiên thượng trao tặng, cố gắng làm tròn những sứ mệnh lịch sử khác nhau, luôn giữ thái độ tích cực.

Hóa ra “Sống chết có số, phú quý do Trời” còn hàm ý người có lòng khoáng đạt rộng lượng. Bất kể người này có thân phận gì, gặp phải đại sự gì, cũng đều có thể đối diện với nó bằng tâm thái chính trực, không có những suy tính vì những lợi ích cá nhân.

Dịch từ: Epochtimes