Ngay từ 3.000 – 4.000 năm trước, Trung Quốc đã có truyền thuyết về “phi xa” (xe bay). Về sau lại có những từ ngữ như “xích long”, “xa luân”, “úng”, “vu”, v.v. để miêu tả hoặc ẩn dụ về loại hiện tượng này.

Ngoại trừ truyền thuyết dân gian, trong cổ tịch Trung Quốc cũng có một lượng lớn ghi chép, chẳng hạn: «Trang Tử», «Thập di thiên», «Mộng khê bút đàm», «Ngự soạn thông giám cương mục», «Nhị thập tứ sử», «Sơn hải kinh», v.v. Ngoài ra, ở rất nhiều địa phương còn có ghi chép thực lục cực kỳ phong phú về loại “kỳ văn dị tượng” này. Tại huyện Tùng Tư tỉnh Hồ Bắc có ghi chép về cái gọi là “tiếp xúc loại thứ ba”. Thi nhân Tô Đông Pha triều Tống từng có một bài thơ miêu tả trải nghiệm tự thân của ông, thơ rằng: “…Giang tâm tự hữu cự hỏa minh, Phi diệm chiếu sơn tê điểu kinh…”

Kể rằng trên đường sang Hàng Châu nhậm chức, Tô Đông Pha từng đi chơi đêm tới chùa Kim Sơn ở Trấn Giang. Bấy giờ trên trời trăng mờ sao ít, bỗng nhiên giữa dòng sông nổi lên một quả cầu lửa, khiến Tô Đông Pha rất đỗi kinh ngạc. Do vậy trong bài «Du Kim Sơn tự», ông đã ghi lại tình cảnh này:

“Thị thời giang nguyệt sơ sinh phách,
Nhị canh nguyệt lạc thiên thâm hắc,
Giang tâm tự hữu cự hỏa minh,
Phi diệm chiếu sơn tê điểu kinh,
Trướng nhiên quy ngọa tâm mạc thức,
Phi quỷ phi nhân cánh hà vật?”

Tạm dịch:

“Dòng sông đang lúc đầu tháng còn chảy lững lờ,
Canh hai trăng xuống thấp trên bầu trời đen kịt,
Giữa dòng sông tự nhiên có ngọn lửa lớn chiếu rọi,
Lửa bay chiếu xuống núi khiến chim chóc thất kinh,
Trở về đi ngủ mà trong lòng bồn chồn trống rỗng,
Không phải người không phải quỷ rốt cuộc là vật gì?”

Thẩm Quát, nhà khoa học triều Tống thường dùng “địa học thuyết” để giải thích hiện tượng UFO. Trong «Mộng khê bút đàm», quyển 21 có ghi lại sự kiện về vật phát sáng bất minh như sau: “Ở phủ nhà họ Lư tại nước Ngô, từng có vật bất minh xuất hiện dưới bức tường và cây cột, tỏa ra ánh sáng. Khi nhìn nó, thấy chuyển động giống như nước chảy, tựa cánh quạt quay. Vật lạ có hình chiếc quạt xòe ra, mang dấu vết của nước mà ánh lửa lại chói lọi. Lửa cháy cần nến, mà nó không cần gì. Có vị chúa nước Ngụy thường thấy vật này, hay nói lại với quan quân, chỉ khác biệt rất ít với thứ thấy trong phủ họ Lư, không rõ là vật gì nữa”.

Triều Minh cũng xuất hiện miêu tả về “vật thể bay hình xoắn ốc”

Theo giới thiệu của nghiên cứu viên Đài Thiên văn Vân Nam thuộc Viện Khoa học Trung Quốc, vào những năm Càn Long, «Triều Châu phủ chí» ở Quảng Đông có ghi lại rằng: “Đêm mùng 3 tháng 12 năm Vạn Lịch thứ 5 thời Minh Thần Tông, ngôi sao có đuôi xoay chuyển như bánh xe, ngọn lửa sáng chiếu trời, một lúc sau thì tắt”.

Ghi chép này là điển hình trong miêu tả về “vật thể bay hình xoắn ốc” thời cổ đại. Người ta cho rằng vật thể bay hình xoắn ốc như miêu tả trên chỉ có trong thời hiện đại, thậm chí suy luận rằng hiện tượng này là xác tên lửa hoặc vệ tinh rơi xuống. Những ghi chép kiểu “ngôi sao có đuôi xoay chuyển như bánh xe” trong thư tịch cổ còn có rất nhiều.

Bức vẽ “Xích diệm đằng không” của họa sĩ triều Thanh được xem như báo cáo sinh động về UFO

Họa sĩ triều Thanh Ngô Hữu Như vào những năm cuối đời đã sáng tác ra bức họa “Xích diệm đằng không” (Ngọn lửa đỏ bay trên trời). Trong bức họa là cảnh người người qua lại đông nghịt trên cầu Chu Tước ở Nam Kinh, mắt đều hướng lên không trung, tranh nhau nhìn một khối cầu lửa tỏa sáng rực rỡ. Tác giả đã đề ký ở phía trên bức họa như sau: “Ngày 28 tháng 9, lúc 8 giờ tối, phía Nam thành Kim Lăng (nay là thành phố Nam Kinh), đột nhiên trông thấy tấm thảm lửa (tức khối cầu lửa) hình tròn, hướng từ Tây sang Đông, dường như có lõi lớn, sắc đỏ mà không sáng, phiêu đãng giữa lưng trời. Khách đi đường dừng hết cả lại, đua nhau ngước lên không, càng phân biệt rõ ràng với bầu trời đen. Đứng ở trên cầu Chu Tước, kiễng chân lên xem có không dưới mấy trăm người, sau một lúc số người giảm dần. Có người nói là sao chổi quá giang, có kẻ bảo là ngôi sao đang chạy. Chỉ trong nháy mắt, quả cầu trông như gần mà đã xa, tưởng như ở đó mà đã không còn, bay nhanh không sao tưởng tượng được. Có người nói là trẻ con thả đèn trời, do gió lớn ban đêm thổi về phía Bắc. Thế nhưng quả cầu bay mất hút về phía Đông, nên không thể là đèn trời được. Mỗi người một miệng, nhao nhao cả lên, suy đoán cũng cạn, cuối cùng có một cụ già nói: Vật này ban đầu trông bé mà có âm thanh, bay tĩnh đến mức nghe cũng không thấy tiếng, là do từ ngoài cửa Nam bay qua đây. Ô, lạ thay!”

Bức họa “Xích diệm đằng không” của Ngô Hữu Như có thể nói là một bản báo cáo tận mắt rất sinh động và chi tiết. Thời gian, địa điểm, số người chứng kiến, kích thước lớn nhỏ, màu sắc, độ sáng, tốc độ bay của quả cầu lửa bay qua thành Nam Kinh đều được ghi lại rõ. Bức họa sáng tác vào khoảng năm 1892 (năm Quang Tự thứ 18). Từ hơn 100 năm trước, người ta vẫn chưa có khái niệm về đĩa bay và UFO, nên họa sĩ đương nhiên cũng không thể biết được. Ngày nay, bức họa “Xích diệm đằng không” này đã trở thành một tài liệu lịch sử quý giá để nghiên cứu vật thể bay không xác định (UFO).

Theo Chánh Kiến