Chiếm 99,86% khối lượng Hệ Mặt Trời, mặt trời là ngôi sao gần chúng ta nhất và là nguồn gốc mọi năng lượng trên bề mặt Trái Đất. Nếu không có Mặt Trời thì sự sống của nhân loại chúng ta chắc chắn cũng sẽ không thể duy trì.
Mặt Trời là ngôi sao gần Trái Đất nhất và duy trì sự sống cho chúng ta. (Ảnh qua YouTube)
Dưới đây là một số điều thú vị về Mặt trời có thể bạn chưa biết.
- Phong tục tôn thờ thần Mặt trời thời cổ đại
Con người thời xưa rất tôn kính Mặt Trời. Nhiều nền văn hóa truyền thống tôn thờ Mặt Trời như một nam thần hay nữ thần và điều này vẫn được lưu truyền cho đến tận ngày nay.
Điển hình như trong thần thoại Hy Lạp, thần Mặt Trời có tên là Apollo, ông còn được xem là vị thần của ánh sáng, chân lý và nghệ thuật. Hình tượng của thần Apollo thường được thể hiện dưới hình dạng một chàng trai tóc vàng, đeo cung bạc hoặc mang đàn lia.
Thần Apollo có một đền thờ rất nổi tiếng ở Delphi miền trung Hy Lạp và một số đền thờ đáng chú ý khác ở Clarus hay Branchidae. Thần được biết đến như là người dẫn đầu của các nàng thơ. Những bài hát ca tụng Apollo được gọi là Paean. Sự thờ phụng thần Apollo của người La Mã được kế thừa từ người Hy Lạp. Kể từ thời vua Tarquinius Superbus, các vị vua đã đến Delphi để xin ý chỉ từ các lời sấm truyền.
Bức tượng nổi tiếng về thần Mặt Trời Apollo với con rắn Python đang nằm chết dưới chân ban đầu được đặt ở Florence, Ý, hiện tại nó đang được trưng bày trong một bảo tàng ở Baltimore, Hoa Kỳ.
Bức tượng về thần Mặt Trời Apollo với con rắn Python đang nằm chết dưới chân. (Ảnh qua GramUnion)
- Mặt trời thực chất mới là một ngôi sao
Ngắm nhìn bầu trời đêm lung linh chúng ta thường nghĩ trong đó có vô số vì sao, tuy nhiên trên thực tế phần lớn chúng chỉ là những hành tinh phản chiếu ánh sáng từ ngôi sao mà chúng đang xoay quanh đến mắt chúng ta. Theo các nhà khoa học nhận định thì cả hệ Mặt Trời chúng ta chỉ có duy nhất một ngôi sao đó là Mặt Trời. Nếu vậy phải chăng chỉ có duy nhất một ngôi sao giống như Mặt Trời?
Sự thật là, Mặt trời chỉ là một trong hàng tỷ ngôi sao tương tự nó. Dãy Ngân hà là nơi có tới 100 tỷ ngôi sao.
Phần trung tâm của Dãy Ngân hà rất nhỏ bé, chỉ rộng khoảng 100 năm ánh sáng và cách Trái Đất khoảng 26.000 năm ánh sáng, trong đó có đến hàng trăm triệu ngôi sao giống với Mặt Trời của chúng ta.
Mặt Trời là loại Sao lùn vàng, có đường kính khoảng 1.384.596,8 km. Nhiệt độ bề mặt của Mặt trời là khoảng 6000 ° C.
Thiên hà của chúng ta có tất cả khoảng 100 tỷ ngôi sao khác nhau, trong Vũ Trụ có hàng tỷ thiên hà và rất nhiều thiên hà có quy mô to lớn hơn, điều đó cho thấy Mặt Trời của chúng ta không phải là một thiên thể quá đặc biệt!
Mặt trời là một sao lùn vàng. (Qua Gizmodo)
- Phản ứng tổng hợp hạt nhân là nguồn năng lượng chính của Mặt Trời
Một sơ đồ cho thấy phản ứng tổng hợp hạt nhân là phản ứng quan trọng để tạo ra nguồn năng lượng và ánh sáng cho Mặt trời. (Ảnh qua owlcation.com)
Lực hấp dẫn tác động sẽ khiến các hạt nhẹ được hút lại gần nhau khiến cho khối lượng của các hạt trở nên đậm đặc hơn và tự sụp đổ.
Quá trình này tạo ra một lượng lớn năng lượng nhiệt do ma sát giữa các hạt. Ở nhiệt độ và tốc độ lý tưởng, hạt nhân của các nguyên tử hợp nhất với nhau để hình thành helium.
Quá trình này còn được gọi là “phản ứng nhiệt hạch”. Nó tạo ra các vụ nổ bức xạ lớn dưới dạng tia gamma. Phải mất khoảng 1 triệu năm thì các tia gamma mới có thể đi từ lõi ra đến bề mặt Mặt Trời. Đó là một quãng thời gian rất lâu!
Các tia gamma trong quá trình di chuyển sẽ thay đổi tần số cho đến khi tiến vào không gian trở thành loại ánh sáng vàng mà mắt thường chúng ta có thể thấy được như hiện nay.
Hiện Mặt Trời vẫn còn đủ hydro và nhiệt lượng để có thể hoạt động thêm 4 tỷ năm nữa sau đó nó sẽ phát nổ giống như những cảnh “người mẹ” của Mặt Trời (ngôi sao phát nổ tạo ra vật chất hình thành nên Mặt Trời) từng bị hủy diệt.
Và có lẽ trước khi điều đó xảy ra, sự sống trên Trái Đất đã bị tuyệt chủng từ lâu.
Một ngôi sao mới được thành từ một đám mây vật chất, kết tụ và xoay vòng trong nhiều năm để tạo ra ngôi sao chính và các hành tinh xoay quanh nó. Và Mặt Trời của chúng ta cũng không ngoại lệ. (Ảnh qua ThePinsta)
- Mặt trời nóng đến mức nào?
Mặt trời rất, rất nóng! Ở phần lõi của Mặt Trời, nơi các phản ứng nhiệt hạch xảy ra không ngừng nghỉ thì nhiệt độ lên tới 15 triệu độ C. Trong khi nhiệt độ bề mặt chỉ rơi vào khoảng 6000 độ C.
Tuy nhiên, tại phần bề mặt của Mặt trời nhiệt độ lại không đồng nhất với nhau. Khi quan sát Mặt Trời qua các thiết bị lọc đặc biệt người ta có thể phát hiện một số khu vực được gọi là những “vết đen Mặt trời”.
Khi nhìn qua thiết bị lọc đặc biệt, các vết lóa Mặt trời có liên quan mật thiết với các vết đen Mặt trời. Các vết đen này được gây ra bởi sự biến thể từ trường. (Ảnh qua Howling Pixel)
Vết đen Mặt Trời là những khu vực dao động bất thường trong hoạt động từ trường của Mặt Trời. Tại trung tâm của vết đen thường có nhiệt độ thấp hơn phần còn lại của bề mặt ngôi sao này. Trong khi giảm nhiệt độ, các hoạt động từ trường tiếp theo của khu vực vết đen sẽ bùng phát và dẫn đến những “vết lóa Mặt trời”.
- Pháo sáng Mặt trời và hiện tượng vật chất cực quang
Pháo sáng Mặt trời là những vụ nổ tia X năng lượng cao và giải phóng ra một lượng vật chất cực quang, đó là một lượng lớn các hạt khí mang điện tích (plasma) phóng thẳng lên bề mặt các hành tinh xoay quanh nó.
Plasma phóng từ bề mặt của Mặt Trời tương tác lên bầu khí quyển Trái Đất gây ra hiện tượng Cực Quang Aurora Borealis. (Ảnh qua Dealchecker)
Vào tháng 3/2012 một lượng vật chất cực quang lớn đã hướng về Trái Đất khiến nhiều người lo sợ và thu hút giới truyền thông. Lý do khiến người ta lo lắng nhiều nhất đó là với một ảnh hưởng điện từ mạnh mẽ như vậy có thể khiến cho toàn bộ Trái Đất bị mất điện hoặc mất liên lạc.
Tuy nhiên tác động của đợt vật chất cực quang này lại không tiêu cực như người ta tưởng tượng. Trên thực tế, ngược lại người ta lại được dịp chứng kiến những hiện tượng cực quang vô cùng đẹp ở Bắc Bán Cầu.
- Kết cục của hệ Mặt Trời sẽ diễn ra như thế nào?
Mặt trời sẽ không thể tồn tại mãi mãi. Nó sẽ đốt hết nhiên liệu của mình và “chết”. Khi lượng hydro được tiêu thụ sạch sẽ, Mặt trời sẽ bắt đầu chuyển sang đốt cháy nguyên tố heli của nó. Quá trình này sẽ diễn ra trong khoảng 130 triệu năm.
Mặt trời sẽ mở rộng rộng kích thước gấp 100 triệu lần so với hiện tại, trở thành một gã khổng lồ và thiêu rụi toàn bộ Trái Đất. (Ảnh qua HelioNews.Ru)
Trong suốt quá trình đó, Mặt Trời sẽ tăng dần kích thước, nó sẽ trở nên sáng hơn, nóng hơn cho đến khi làm bay hơi hết các đại dương và phá hủy toàn bộ sự sống trên Trái Đất, rồi cuối cùng nuốt chửng toàn bộ hành tinh chúng ta cùng các tinh cầu lân cận.
Mặt trời được biết đến là một ngôi sao lùn vàng nhưng khi đó nó sẽ trở thành một gã khổng lồ đỏ. Cuối cùng, nửa bên ngoài của sao khổng lồ đỏ sẽ bị đẩy ra không gian tạo thành tinh vân, để lại đằng sau một lõi trơ chứa chủ yếu là cacbon và oxy, đó chính là sao lùn trắng.
Lõi này không còn nguồn cung cấp năng lượng và bức xạ nhiệt, chúng sẽ bắt đầu nguội dần đi. Lõi không còn sự hỗ trợ của các phản ứng nhiệt hạch để chống lại lực hấp dẫn nên sẽ cực kỳ cô đặc, khiến Mặt Trời chỉ còn một nửa khối lượng so với lúc ban đầu và thể tích chỉ bằng khoảng Trái Đất. Ngôi sao lùn trắng này được hỗ trợ duy nhất bởi áp suất suy biến điện tử. Tuy nhiên áp suất này cũng không thể duy trì được lâu và Mặt Trời có thể nguội dần rồi tắt hẳn hoặc sẽ bị nổ tung như các siêu tân tinh.
Video: Bề mặt của Mặt Trời