Hệ thống kính viễn vọng vô tuyến CHME tại Canada gần đây đã phát hiện 8 cụm tín hiệu lạ ngoài hành tinh truyền đến Trái đất và lặp lại nhiều lần. Đây được cho là dấu hiệu chứng tỏ khả năng tồn tại sự sống bên ngoài Trái đất chúng ta.
Sự sống ngoài hành tinh là một trong những bí ẩn lớn nhất khiến con người tìm kiếm nhiều thế kỷ qua. Liệu con người chỉ có một mình trong vũ trụ này hay còn tồn tại những sinh mệnh khác ở đâu đó ngoài vũ trụ đang cố gắng liên lạc với chúng ta?
Nhờ sự nghiên cứu miệt mài của một nhóm các nhà thiên văn học quốc tế ở Canada gần đây, chúng ta đã có thể tiến tới gần hơn mục tiêu tìm ra sự sống ở những hành tinh xa xôi kia.
Theo dữ liệu mới nhất, hệ thống kính viễn vọng vô tuyến hiện đại bậc nhất thế giới mang tên Canadian Hydrogen Intensity Mapping Experiment (CHIME) đã bắt được 8 cụm tín hiệu lạ ngoài hành tinh.
Tất cả các tín hiệu này đều ở dạng chớp sóng vô tuyến (FRB), ngắn và sắc nét. FRB rất mạnh, có khi chỉ kéo dài vài mili giây, nhưng đủ phát ra nguồn năng lượng hơn cả năng lượng từ 500 triệu Mặt trời trong khoảnh khắc đó.
Theo trang Futurism, 6 trong số các tín hiệu này chỉ lặp lại 1 lần sau lần phát đầu tiên. 1 cụm tín hiệu lặp lại 3 lần. Đặc biệt, cụm thứ 8 tạo ra đến 10 lần chớp.
Những chớp sóng vô tuyến này có thể sinh ra từ một sự kiện vũ trụ lớn, và cũng có thể là tín hiệu từ một nền văn minh ngoài Trái đất. (Ảnh qua Play Stuff)
Lần đầu tiên được phát hiện vào năm 2007, cho đến nay nguồn gốc của Chớp sóng Vô tuyến vẫn là điều khiến giới khoa học phải đau đầu. Nhiều nhà khoa học cho rằng FRB có thể sinh ra từ một sự kiện vũ trụ lớn, ví dụ sự va chạm của 2 sao neutron mang nguồn năng lượng khổng lồ, nhưng cũng có thể là tín hiệu từ một nền văn minh ngoài Trái đất.
Phần lớn các tín hiệu vô tuyến chỉ được phát hiện một lần, điều đó có nghĩa là chúng không dễ theo dõi. Chính vì vậy việc thăm dò sự lặp lại của sóng vô tuyến sẽ tạo ra những phát hiện thú vị. Đồng thời qua đó, các nhà thiên văn học có nhiều khả năng hơn trong việc xác định chúng đến từ thiên hà và môi trường nào.
Những phát hiện từ nhóm nghiên cứu cũng có thể giúp những nhà nghiên cứu khác xác định rõ hơn về nguồn gốc đã tạo ra những chớp sóng vô tuyến này. Một số tín hiệu mới dường như đến từ hệ Mặt trời của chúng ta:
“Dựa trên mức độ tín hiệu phân tán của các chớp sóng vô tuyến, chúng ta có thể đoán được chúng bắt nguồn từ đâu. Tần số càng cao thì khoảng cách càng xa”, nhà vật lý học Ziggy Pleunis thuộc đại học McGill cho biết.
Vào tháng trước, lần đầu tiên một nhóm khoa học gia cũng đã xác định được nguồn của một cụm tín hiệu lặp đi lặp lại khác mà kính viễn vọng Gemini South ở Chile bắt được. Đó là một thiên hà cách chúng ta tận 3,6 tỷ năm ánh sáng.
Mặc dù còn nhiều nghi vấn chưa được giải đáp, nhưng chúng ta đang dần trả lời được câu hỏi liệu hành tinh chúng ta có phải là nơi duy nhất tồn tại sự sống hay không. Các tín hiệu vô tuyến này dường như chỉ ra rằng chúng ta không hề đơn độc trong vũ trụ bao la này.