Chiến dịch tuyên truyền ma quỷ hóa Pháp Luân Công của ĐCSTQ được cho là chưa từng có tiền lệ, kể cả so với cuộc Đại cách mạng văn hóa. Một nguyên nhân chủ yếu là vì nó lợi dụng toàn bộ hệ thống truyền thông phủ khắp trong và ngoài nước, bao gồm TV, radio, báo chí online và báo giấy, thậm chí là Sách giáo khoa. Và phương thức khiến người dân kỳ thị Pháp Luân Công dễ dàng nhất là ngụy tạo hoặc tuyên truyền “Pháp Luân Công gây chết người”. Điều này đã được thực hiện không chỉ trong Trung Quốc, mà cả ngoài Trung Quốc. Dưới đây là 3 trường hợp điển hình nhất, và điều đặc biệt là nó có cùng một kịch bản: mẹ giết con.
Vụ án mẹ sát hại con gái 5 tuổi tại Mỹ bị lợi dụng
Ngày 9/1/2017, Ming Ming Chen, một người phụ nữ gốc Hoa 29 tuổi từng mở một quán ăn Trung Hoa tại bang Ohio, Mỹ cùng với chồng Liang Zhao, 34 tuổi, đã bị cảnh sát bắt giữ vì bị tình nghi giết con gái 5 tuổi.
Theo thông tin điều tra sơ bộ từ phía cảnh sát Ohio, Chen đã “dùng tay phải đánh tới tấp vào phần đầu của cô bé”, khiến cho con gái 5 tuổi tử vong. Chen và chồng đem thi thể của bé gái giấu trong quán ăn, và sau đó báo cáo giả với cảnh sát là “mất tích”. Tuy nhiên, vụ việc đã bị phía cảnh sát phát hiện
Truyền thông của ĐCSTQ ngay lập tức đăng tải thông tin: Ming Ming Chen vì chịu “tà thuyết Pháp Luân Công tẩy não” nên mới giết con gái, đồng thời bộ máy tuyên truyền của ĐCSTQ đồng loạt đưa tin về “thành viên si mê Pháp Luân Công giết chết bé gái vị thành niên” để tấn công Pháp Luân Công. Tờ Phoenix, cơ quan tuyên truyền của ĐCSTQ, và một số trang mạng Hoa ngữ tại hải ngoại cũng cực lực truyền tải những tin tức này. Họ dựa trên thông tin Ming Ming Chen từng đăng ký tỵ nạn tại Mỹ lấy danh nghĩa Pháp Luân Công.
Kỳ thực nhiều người Hoa tại Mỹ đều biết rằng muốn sau này định cư tại Mỹ, thì hình thức dễ dàng nhất chính là giả mạo làm người tập Pháp Luân Công để xin tỵ nạn chính trị. Đã từng có thời gian tại một số bang ở Mỹ, một số người Hoa còn ngầm mở các lớp hướng dẫn tỵ nạn Pháp Luân Công. Năm 2009, Ming Ming Chen đã từng mạo danh là người tập Pháp Luân Công để làm việc này. Tuy nhiên, tại Tòa án Di dân, quan tòa đã phủ quyết trường hợp của cô ta, nguyên nhân là “không đáng tin”, bởi vì những lời chứng mà cô ta cung cấp không khớp với nội dung trên văn bản giấy tờ, kể cả những chứng cứ được bổ sung sau này cũng có nhiều điểm mâu thuẫn.
Tiến sĩ Jian Tianlun, người tình nguyện phụ trách cộng đồng Pháp Luân Công được đăng ký chính thức tại bang Ohio cũng cho biết, trên toàn bang Ohio không có người trong cộng đồng này từng biết về Chen. Ngoài ra cô Chen cũng không hề xuất hiện trong bất cứ hoạt động nào của họ tại địa phương. Vì vậy, cô Chen đã hoàn toàn không tới gặp cộng đồng này khi cần chứng minh thân phận để làm thủ tục tỵ nạn chính trị, bỏ qua bước quan trọng nhất này.
Sau lần bị bác đơn năm 2009, Chen lại tiếp tục khiếu nại lên Tòa phúc thẩm khu vực liên bang thứ 6 (US Court of Appeals for the Sixth Circuit), đây là một dạng Tòa phúc thẩm cấp liên bang của Mỹ, quyền hạn của Tòa án này chỉ đứng sau Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Quan tòa của Tòa phúc thẩm khu vực liên bang cũng nhất trí phủ quyết khiếu nại của cô ta, nguyên nhân cũng là vì Chen “không đáng tin”. Vậy có thể nói, Quan tòa đã cho rằng: Ming Ming Chen không phải là người tập Pháp Luân Công.
Theo đài ABC, Ming Ming Chen đã nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ khi còn là thiếu niên và tìm cách ở lại Mỹ. Ming Ming Chen sau đó lập gia đình với một người Mỹ gốc Hoa, họ mở quán ăn và Chen phải quản lý mọi việc trong quán.
Mặc dù sự thật đã rất rõ ràng, nhưng các bài báo tuyên truyền một chiều của ĐCSTQ vẫn lan truyền trong bối cảnh tự do báo chí ở phương Tây, và gây ảnh hưởng tới một số tờ báo phương Tây chưa kiểm chứng thông tin. Đặc biệt, sự việc này mới đây còn được một tờ báo Việt Nam đưa tin lại.
Ngụy tạo thông tin mẹ đốt con 6 tháng tuổi rồi tự thiêu
Phóng viên Hai Tao, VOA Los Angeles, từng dẫn một cuộc điều tra của Trung tâm Thông tin về Nhân quyền và Phong trào Dân chủ (Information Center for Human Rights and Democracy), một tổ chức có trụ sở tại Hồng Kông, là nguồn tin cho báo chí phương Tây về rất nhiều trường hợp người bất đồng chính kiến nổi tiếng tại Trung Quốc. Cuộc điều tra được VOA đưa tin là về trường hợp của Zhi Wen Zhang, một người phụ nữ sống tại Vị Nam, Thiểm Tây.
Trung tâm Thông tin về Nhân quyền và Phong trào Dân chủ tại Hồng Kông từng là nguồn tin chính của báo chí phương Tây về vụ việc đàn áp Lưu Hiểu Ba và vợ ông.
Ngày 28/11/1999, tờ “Lao động Tây An” đưa tin một người phụ nữ tên Zhi Wen Zhang tại Vị Nam, Thiểm Tây, đã đốt đứa con 6 tháng tuổi sau đó tự thiêu, nhằm “phản kháng việc chính quyền đàn áp Pháp Luân Công”. Tin tức này từng được đăng lại bởi rất nhiều tờ báo giấy tại Thâm Quyến, Cáp Nhĩ Tân, Thượng Hải, v.v..
Năm 2011, khi Trung tâm Thông tin về Nhân quyền và Phong trào Dân chủ Hồng Kông thực hiện một cuộc điều tra nhằm kiểm chứng vụ việc, họ bất ngờ phát hiện ra đây là một tin tức bị ngụy tạo hoàn toàn. Theo trung tâm này, khi họ liên lạc với các quan chức chính quyền tại đây, họ được cho biết thông tin về thời gian, địa điểm cho đến cá nhân đều là ngụy tạo.
Một quan chức làm việc tại Ủy ban Chính trị và Pháp luật Vị Nam Thiểm Tây tên Wu đã làm chứng với họ rằng không hề có bất cứ sự kiện tự thiêu nào, và cũng không hề có người phụ nữ nào tên là Zhi Wen Zhang. Ông ta cũng cho biết, có rất nhiều tờ báo Trung Quốc từng gọi điện tới Vị Nam để xác nhận, và đều nhận được câu trả lời tương tự.
Radio VOA dẫn lời Ông Chang Qin Cao, một phóng viên từng làm việc tại Trung Quốc, hiện là bình luận viên về các vấn đề tại Mỹ, chia sẻ rằng tại Trung Quốc, bên lề chiến dịch tuyên truyền của ĐCSTQ, các tờ báo luôn cần phải đặt việc thu hút độc giả lên trên hết, bất chấp tính chính xác của thông tin. Vì vậy, không ít tờ báo sẵn sàng ngụy tạo hoặc đăng tải lại thông tin giật gân chưa qua kiểm chứng để thu hút lượng lớn độc giả. Bên cạnh đó, khi đăng lại thông tin chưa kiểm chứng, họ có hai nguyên tắc: một là không ngụy tạo tin tức đối lập với ý của chính quyền; hai là không ngụy tạo tin tức về các quan chức và người nổi tiếng, vì họ sẽ dễ bị kiện.
“Trong hoàn cảnh đó”, ông Cao nói, “chỉ có một loại tin tức họ dám ngụy tạo, đó là tin về những người chính quyền không thích, về các nhà bất đồng quan điểm hay các tù nhân chính trị trong tù. Rõ ràng chính quyền sẽ không cảm thấy lo lắng về điều đó.” Tuy nhiên ông Cao cũng lưu ý rằng đây không phải tin tức ngụy tạo thông thường, vì tờ “Lao động Tây An” “không phải là tờ báo nhỏ thông thường”.
Cũng với chiêu bài mẹ đốt con, nhưng lần này đi kèm việc thủ tiêu nhân chứng
Trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công tại Trung Quốc, ĐCSTQ đã vận dụng toàn bộ hệ thống truyền thông trên cả nước để tuyên truyền thù hận, tẩy não người dân. Không chỉ vậy, để hợp thức hóa cuộc đàn áp trước sự phản đối của người dân, ĐCSTQ đã cố gắng dàn dựng một vụ tự thiêu trên quảng trường Thiên An Môn vào ngày 23/1/2001 nhằm ma quỷ hóa Pháp Luân Công.
Ngày 23/1/2001, tức ngày 13 Tết Nguyên đán, tại quảng trường Thiên An Môn đã xảy ra vụ “tự thiêu” của 5 người. Trong vòng vài giờ sau sự kiện này, những cảnh quay chi tiết đã liên tục phát sóng trên các phương tiện truyền thông nhà nước trên toàn Trung Quốc cũng như khắp thế giới, với các báo cáo tuyên bố rằng những người tự thiêu là người tập Pháp Luân Công, trong đó tâm điểm là hình ảnh: một bà mẹ là Liu Chunling đã nổi lửa thiêu bản thân và thiêu con mình, bé Liu Siying.
Vở tự thiêu này đã bị vạch trần tại phương Tây và đã có bài viết phân tích về vấn đề này. Ở đây, chúng ta tập trung vào tình tiết về hai mẹ con trong màn kịch này.
Khi quay chậm đoạn video của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), sẽ thấy Liu Chunling, một trong những phụ nữ tự thiêu xuất hiện trong đoạn phóng sự của Tân Hoa Xã được cho là chết vì bỏng, nhưng thực ra là do bị một người đàn ông mặc áo khoác quân đội dùng một vật đánh mạnh vào đầu. Có thể thấy cô ta gục ngay xuống đất và gần như chắc chắn rằng chính cú đánh đó là nguyên nhân gây ra cái chết. Người đàn ông mặc áo khoác quân đội đó rõ ràng đang mưu sát Liu Chunling.
Từ trái qua phải, từ trên xuống dưới: 6 khung hình cho thấy một người đàn ông đã giết người diệt khẩu trong chính đoạn video mà chính quyền Trung Quốc công bố về vụ tự thiêu tại Thiên An Môn. Trong khi đó, những người cảnh sát khác xung quanh bàng quan đứng nhìn. Đây chỉ là một trong nhiều bằng chứng cho thấy vụ tự thiêu được dàn dựng.
Phóng viên Philip Pan của tờ Washington Post đã từng tự mình đi điều tra về Liu Chunling, và phát hiện rằng không có hàng xóm nào của cô ta từng nhìn thấy cô ta tập Pháp Luân Công. Philip Pan còn phát hiện ra người mẹ này đi làm trong hộp đêm để kiếm tiền, hoàn toàn trái ngược với giáo lý của Pháp Luân Công. Các phát hiện này được đăng tải trong bài viết “Human Fire Ignites Chinese Mystery” (Tạm dịch: Tự thiêu làm bùng lên những bí ẩn ở Trung Quốc) đăng trên Washington Post.
Số phận của con gái Liu Chunling là Liu Siying, 12 tuổi, cũng không khá hơn. Truyền thông Trung Quốc đưa tin cô bé bị bỏng, phải làm phẫu thuật mở khí quản. Tuy nhiên điều kỳ lạ là trên truyền hình, Liu Siying vẫn có thể hát và nói chuyện với người phỏng vấn rất to và rõ ràng chỉ trong vòng bốn ngày.
Trong một ca phẫu thuật mở khí quản, một chiếc ống sẽ được đặt vào trong cổ họng bên dưới dây thanh âm để bệnh nhân có thể hít thở. Bệnh nhân không thể thở bằng miệng, và không khí không thể đi vào dây thanh âm và thanh quản, nên bệnh nhân không thể nói được. Người trưởng thành cũng phải mất nhiều ngày mới thích nghi được với tình trạng này, trẻ nhỏ lại càng cần nhiều thời gian hơn. Nếu một bệnh nhân thực sự muốn nói thì phải che chiếc ống đang mở lại, nhưng giọng nói phát ra sẽ không liên tục và không rõ ràng.
Thủ tục y tế chuẩn quy định rằng bệnh nhân có diện tích da bị bỏng lớn thì cần phải được đặt trong phòng vô trùng và phải được cách ly, bởi vì phần da bị bỏng cần tiếp xúc với không khí. Đó là để tránh cho bệnh nhân không bị nhiễm trùng và giúp y tá dễ dàng bôi thuốc và làm sạch vết thương. Các bác sỹ và y tá chữa trị cho những bệnh nhân này thường được yêu cầu đeo khẩu trang và mặc quần áo vô trùng khi bước vào phòng.
Đoạn phỏng vấn đăng tải trên CCTV về Liu Siying hát sau khi phẫu thuật mở khí quản 4 ngày. Nhân viên phỏng vấn không hề được trang bị cơ bản nhất khi tiếp cận người bị bỏng nặng.
Tuy nhiên, khi xem đoạn phim của CCTV, chúng ta có thể thấy bệnh nhân được đặt trong một căn phòng mở, toàn thân được quấn trong một lớp băng gạc dày, y tá không đeo khẩu trang, phóng viên cũng không đeo khẩu trang, găng tay hay mặc quần áo vô trùng. Tại sao một bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch với những vết bỏng nghiêm trọng như vậy lại được điều trị một cách cẩu thả đến thế?
Các nhà chức trách không cho phép bất kỳ phóng viên nào ngoài người của Tân Hoa Xã được phỏng vấn Liu Siying, đồng thời họ cũng không cho bất kỳ người nhà nào của Liu Siying được vào thăm. Thậm chí, họ còn hăm dọa bà của cháu bé, khiến bà cụ sợ tới mức không dám nhận lời mời phỏng vấn của bất kỳ phóng viên nào.
Sau đó truyền thông đột nhiên đưa tin, Liu Siying tử vong vào ngày 17/3/2001, khi đã sẵn sàng xuất viện. Nhân viên y tế tại Bệnh viện Tích Thủy Đàm báo cáo rằng nguyên nhân cái chết của Liu Siying rất đáng ngờ. Trong thời gian ngay trước cái chết của cô bé, kể cả thứ Sáu, ngày 16/3/2001, một ngày trước khi cô bé qua đời, điện tâm đồ của Liu Siying và các xét nghiệm khác đều cho kết quả hoàn toàn bình thường.
Sau đó, vào thứ Bảy, ngày 17/3/2001, từ 11 giờ sáng đến 12 giờ đêm, bác sỹ đột nhiên phát hiện thấy Liu Siying rơi vào tình trạng nguy kịch và nhanh chóng qua đời. Bên cạnh đó, sáng ngày 17/3/2001, từ 8 – 9 giờ sáng, giám đốc Bệnh viện Tích Thủy Đàm và trưởng Phòng Quản lý Y tế Thành phố Bắc Kinh đã đến thăm Liu Siying tại phòng bệnh và nói chuyện với cô bé một hồi lâu. “Lúc đó, Liu Siying vẫn đầy sinh khí và tỉnh táo”, theo báo cáo của nhân viên bệnh viện.
Cuộc khám nghiệm tử thi của Liu Siying được thực hiện tại Bệnh viện Tích Thủy Đàm, nhưng kết quả khám nghiệm lại do Trung tâm Cấp cứu cấp công bố. Ngoài ra, kết quả khám nghiệm tử thi không hề tiết lộ bất kỳ kết luận nào về trường hợp này. Nó chỉ đưa ra tuyên bố chung chung rằng cái chết của cô bé có khả năng là do cơ tim của cô bé có vấn đề.
Một số nhà phân tích người Hoa ở hải ngoại nhận định, trong những người bị cáo buộc là tự thiêu, Liu Siying kỳ thực là người có khả năng tiết lộ bí mật cao nhất bởi cô bé còn quá nhỏ để có thể bị ảnh hưởng bởi những lời đe dọa như với người trưởng thành. Người lớn có thể bị kết án tù hoặc cách ly với thế giới bên ngoài, ít nhất là tạm thời. Nhưng Liu Siying chưa đến tuổi giam giữ theo luật định. Do đó, việc giam giữ cô bé công khai sẽ có thể gây ảnh hưởng hết sức tiêu cực, nhưng việc thả cô bé ra sẽ có thể khiến họ gặp nguy hiểm vì cô bé có thể lên tiếng, và sự thật sẽ bị lộ. Cách duy nhất để có thể đảm bảo cô bé im lặng và tránh tiết lộ bất kỳ bí mật nào với công chúng là giết cô bé.