Hôm 8/10/2018 vừa qua, chương trình Impact của BBC World News đã phát sóng một phóng sự độc quyền của BBC về hệ thống cấy ghép nội tạng tai tiếng của Trung Quốc.

Trong phóng sự này, BBC sử dụng hình ảnh trong phóng sự tài liệu của đài truyền hình Chosun Hàn Quốc điều tra về bệnh nhân Hàn Quốc sang Trung Quốc ghép tạng. Điều tra của kênh TV Chosun chỉ giới hạn tại 1 bệnh viện ở thành phố Thiên Tân, nhưng số ca ghép tạng tại bệnh viện này đã là con số rúng động lòng người.

Trong điều tra của kênh Chosun, khi được hỏi bệnh viện thường thực hiện bao nhiêu ca phẫu thuật cấy ghép, y tá trả lời rằng ngày hôm trước, có 3 ca ghép thận và 4 ca ghép gan. Nếu đây là số lượng cấy ghép trung bình hàng ngày, thì bệnh viện sẽ thực hiện khoảng 2.500 ca cấy ghép mỗi năm. Tuy nhiên, không rõ trung bình mỗi ngày số ca cấy ghép ở bệnh viện là bao nhiêu.

Trong phóng sự, phóng viên của BBC cũng phỏng vấn 2 học viên Pháp Luân Công đã từng bị giam giữ trong các trại giam ở Trung Quốc. Cô Dương – người từng bị giam giữ 18 tháng tại Bắc Kinh vì tập Pháp Luân Công cho biết, sau khi cô bị giam giữ, cứ 3 tháng, cảnh sát lại đưa cô đi kiểm tra sức khỏe một lần. Cảnh sát đưa tất cả những người tập Pháp Luân Công đến một bệnh viện do cảnh sát kiểm soát. Bệnh viện này rất gần trại cải tạo lao động, tại bệnh viện, người tập Pháp Luân Công sẽ được tiến hành xét nghiệm máu, nước tiểu, kiểm tra mắt, thận, gan, chụp X quang, và kiểm tra toàn thân.

“Khi đó, tôi chưa hiểu vì sao họ lại kiểm tra sức khỏe của tôi, đến khi tôi đến nước Anh, tôi mới ý thức được là có lẽ họ cần nội tạng của tôi. Bởi vì người tập Pháp Luân Công chúng tôi không hút thuốc, không uống rượu”, cô Dương nói.

Một người tập Pháp Luân Công khác là ông Lưu, năm ngoái ông vừa mới được tự do, hiện đang cư trú tại Toronto, ông cho biết sau khi bị giam giữ 3 tháng, cảnh sát đưa ông đến bệnh viện của nhà tù, cưỡng chế lấy máu của ông. Ông Lưu nói, “tôi không hút thuốc, không uống rượu, sức khỏe của tôi rất tốt, nhưng bị giam trong tù, họ vẫn tiếp tục lấy máu của tôi, do đó tôi lo lắng có thể mình sẽ bị họ giết để lấy nội tạng.

Ông Lưu còn nói, trong nhà tù, cảnh sát ép họ xem các video phỉ báng Pháp Luân Công, tẩy não ông, cưỡng ép ông từ bỏ tín ngưỡng của mình. Nếu từ chối sẽ có thể bị đánh chết. Khi cảnh sát đánh ông, họ chỉ đánh vào tay, chân, hoặc đầu, còn các chỗ khác họ sẽ không gây tổn thương.

Người chịu trách nhiệm chính trong việc mổ sống lấy nội tạng là cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Trung Quốc Hoàng Khiết Phu khi đối mặt với câu hỏi của phóng viên BBC đưa ra, lại tỏ vẻ luống cuống, né tránh không trả lời.  

Bản tin BBC cho biết, ông Hoàng Khiết Phu khi đối diện với phỏng vấn của truyền thông quốc tế đã nói, “năm ngoái chúng tôi có 15.000 ca cấy ghép tạng”. Tuy nhiên phóng viên của BBC hỏi, “báo cáo điều tra ước tính mỗi năm có đến 100.000 ca“. Ông Hoàng Khiết Phu trả lời, “những cáo buộc đó là nói xằng, chúng tôi không muốn trả lời về vấn đề này nữa.” Phóng viên BBC tiếp tục truy vấn, “vậy sao khi tôi gọi điện đến bệnh viện tại Trung Quốc, rất nhanh sẽ có cơ hội được ghép gan? Sao lại có thể như vậy?” Nghe xong, ông Hoàng Khiết Phu bối rối và căng thẳng, không trả lời phóng viên, “tôi không muốn nghe, không muốn trả lời vấn đề này, một số người là có mục đích chính trị”.

Tiếp theo phóng sự ngày 8/10/2018, một phóng sự khác về tội ác chống lại loài người mổ cướp tạng tại Trung Quốc cũng được BBC đưa tin.

BBC đưa ra các thông tin như các bệnh nhân ghép tạng ở Trung Quốc nhận được tạng phù hợp chỉ sau vài giờ đồng hồ hoặc vài ngày; các tù nhân lương tâm hoặc đang ở trại hoặc bị theo dõi tại nhà đều bị lấy máu xét nghiệm từ năm 2016 mà không có giải thích rõ ràng cho mục đích này. Nhiều học giả y học đã khẳng định: Trung Quốc đang thành lập ngân hàng nội tạng sống, nguồn tạng sống dồi dào từ chính người dân của họ.

Trong phóng sự lần này, người dẫn chương trình của BBC đã có dịp trao đổi trực tiếp với nhà báo điều tra Ethan Gutman, tác giả cuốn sách “Đại thảm sát” kể về những tội ác trong ngành kinh doanh ghép tạng của Trung Quốc, và cựu bác sĩ phẫu thuật ở Tân Cương Enver Tohti.

Trong cuộc phỏng vấn, ông Tohti một lần nữa kể lại cuộc mổ cướp nội tạng do nhà nước Trung Quốc bảo trợ vào năm 1995 mà ông đã tham gia. Bác sĩ Tohti đã đào thoát khỏi Trung Quốc vào năm 1999 và được cấp quy chế tị nạn ở Anh Quốc. Khi bước chân đến một xã hội tự do, ông mới hiểu ra hành động của mình là điều đáng bị lên án. Trong những năm gần đây, ông Tohti thường tham gia cùng các nhà điều tra, công bố sự thật về hoạt động thảm sát thường dân để lấy nội tạng ở Trung Quốc, như một cách để cất lên tiếng nói lương tâm của mình.

>>> Lời thú tội của bác sỹ trong hệ thống thu hoạch nội tạng cưỡng bức Trung Quốc

Cùng với đó, ông Ethan Gutman cũng kể về cuộc điều tra bắt đầu từ năm 2002 của mình và những con số ghép tạng ghê rợn mà ông thu thập được. Ông cho biết, một cuộc điều tra chuyên sâu năm 2016 cho thấy trên thực tế, Trung Quốc không phải thực hiện 10.000 ca ghép tạng mỗi năm như trích dẫn của các quan chức Trung Quốc, mà họ thực hiện từ 60.000 đến 100.000 ca cấy ghép mỗi năm. Con số này không thể đến từ các tử tù và kể cả những người hiến tạng, mà từ những tù nhân lương tâm như người tu luyện Pháp Luân Công, người Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ và Kitô hữu,…

Cuốn sách “Đại thảm sát” được xuất bản năm 2014 của ông cũng nói về những tường thuật của các bác sĩ biết hoặc tham gia vào hành động mổ cướp nội tạng từ những người tập Pháp Luân Công đang còn sống. Với những nỗ lực không ngừng trong việc phơi bày tội ác mổ cướp nội tạng học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc, ông đã được đề cử giải Nobel Hòa Bình năm 2017.

Kết quả hình ảnh cho Ethan Gutmann

Ông Ethan Gutmann và cuốn “The slaughter” (Đại thảm sát) nói về vấn đề mổ cướp nội tạng người tu Pháp Luân Công tại Trung Quốc. (Ảnh qua Epoch Times)

>>>Luật sư David Matas, Người dành hơn một thập kỷ điều tra về mổ cướp nội tạng tại Trung Quốc được nhận giải thưởng Hòa bình Gandhi

Ngoài ra, người dẫn chương trình của BBC còn đề cập đến việc một số quốc gia trên thế giới đã ban hành luật cấm công dân nước họ đi du lịch ghép tạng. Ông đã hỏi nhà báo Ethan: “Ông có nghĩ nó cần trở thành luật cấm trên phạm vi toàn cầu không?” Ông Ethan trả lời: “Có” và còn vinh danh những nước như Israel, Ý, Đài Loan, Tây Ban Nha vì là những nước đầu tiên trên thế giới đưa ra luật lệ này nhằm ngăn chặn tội ác mổ cướp nội tạng tại Trung Quốc.

Nhớ lại tội ác diệt chủng của Hitler, Giáo sư Klemperer, một giáo sư gốc Do Thái sống trong nước Đức Quốc xã đã nói về các đồng nghiệp chấp nhận đi theo phục vụ chính quyền phát-xít như sau:

“Nếu có ngày tình thế thay đổi và số phận những kẻ thua trận nằm trong tay tôi, tôi sẽ tha thứ đám dân thường. Thậm chí, tôi sẽ tha thứ một số lãnh đạo, họ có lẽ cũng chỉ là những kẻ thật lòng và không biết mình làm gì. Nhưng tôi sẽ treo cổ hết các trí thức, và tôi sẽ treo các giáo sư cao hơn những tên khác một mét; tôi sẽ để chúng trên cột đèn chừng nào tình trạng vệ sinh còn cho phép”.

Sự phẫn nộ của Klemperer có lẽ là hoàn toàn chính đáng. Và hiện tại, bao nhiêu đồng nghiệp của chúng ta, đồng bào của chúng ta đang làm điều tương tự? Bao nhiêu người Trung quốc đang làm điều tương tự như đồng nghiệp của Klemperer?

Tội ác diệt chủng thời hiện đại đáng sợ nhất đang tồn tại ngay bên cạnh Việt Nam. Và không loại trừ trường hợp một số người Việt Nam cũng đã trở thành nạn nhân của tội ác phản nhân loại này.

 

Hồng Liên
Tinhhoa