Một người đàn ông tự xưng là điệp viên Trung Quốc đã tiết lộ những thông tin phơi bày các hoạt động gián điệp của chính quyền Trung Quốc ở Úc, Hồng Kông và Đài Loan.
Vương “William” Lập Cường xin tị nạn ở Úc và tiết lộ cho cơ quan tình báo hàng đầu của đất nước này hàng loạt thông tin về cách Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tài trợ và chỉ đạo các hoạt động phá hoại phong trào dân chủ ở Hồng Kông, can thiệp vào bầu cử Đài Loan và thâm nhập vào giới chính trị Úc.
Những thông tin Vương Lập Cường cung cấp xác nhận những quan ngại từ lâu về các nỗ lực của Bắc Kinh nhằm lật đổ và làm suy yếu các đối thủ của họ ở nước ngoài.
Trong một cuộc phỏng vấn trước đó với The Epoch Times ấn bản tiếng Trung, Vương Lập Cường, 27 tuổi nói rằng anh quyết định đào tẩu sau những thất vọng về những tham vọng xấu xa của ĐCSTQ.
“Khi tôi già dặn hơn và thế giới quan của tôi có sự thay đổi, tôi dần dần nhận ra những thiệt hại mà chủ nghĩa độc tài ĐCSTQ đang gây ra cho nền dân chủ và nhân quyền trên toàn thế giới”, anh nói.
“Sự phản đối của tôi đối với ĐCSTQ trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết, vì vậy tôi đã lên kế hoạch rời khỏi tổ chức này.”
Những lời khai của Vương Lập Cường trên truyền thông đã để lại dấu ấn lần đầu tiên một điệp viên Trung Quốc bước ra khai báo.
Tuyển dụng
Trong một bản tường trình chi tiết được cung cấp cho The Epoch Times, Vương mô tả cách anh ta trở thành điệp viên cho chính quyền Trung Quốc như thế nào.
Vương Lập Cường là người Phúc Kiến, một tỉnh đông nam Trung Quốc có hướng đối diện với Đài Loan qua eo biển Đài Loan. Anh là con trai của một quan chức ĐCSTQ tại địa phương. Vương lớn lên trong gia đình khá giả, thi đậu ngành nghệ thuật vẽ tranh sơn dầu tại Đại học Tài chính và Kinh tế An Huy. Vương đã giành được nhiều giải thưởng hội họa trong thời gian theo học tại trường.
Khi tốt nghiệp, một quan chức cao cấp của trường đại học đề xuất Vương vào làm việc tại China Innovation Investment Limited (CIIL), một công ty có trụ sở tại Hồng Kông chuyên về công nghệ, tài chính và truyền thông. Năm 2014, anh bắt đầu làm việc cho công ty này.
Bề ngoài, CIIL là công ty đầu tư vào các tài sản quốc phòng Trung Quốc đã niêm yết và chưa niêm yết. Vương sớm phát hiện rằng đây là bình phong cho hoạt động gián điệp của ĐCSTQ ở nước ngoài để phục vụ mục đích cho các cơ quan an ninh chính quyền Trung Quốc và quan chức ĐCSTQ.
Theo tin từ đài truyền hình Nine Network, Vương được giám đốc điều hành của CIIL là Hướng Tâm ưu ái và được vào “cung cấm” của nội bộ công ty nhờ dạy vẽ cho vợ ông Hướng Tâm. Qua đó, anh tiếp cận được rộng rãi thông tin về các hoạt động gián điệp đang diễn ra và các hoạt động thời trước của tình báo Trung Quốc, phần lớn liên quan đến việc thâu tóm công nghệ quân sự của nước ngoài.
Vương cho biết ông Hướng và phu nhân là bà Cung Thanh cả hai đều là đặc vụ của Trung Quốc. Ông Hướng đã đổi tên là Hướng Nianxin thành Hướng Tâm trước khi được các sỹ quan quân đội Trung Quốc gửi tới Hồng Kông để mua CIIL và công ty đầu tư China Trends Holdings Limited.
Ngày 24 tháng 11, ông Hướng và bà Cung đã bị chính quyền Đài Loan chặn tại cửa khẩu sân bay Đào Viên của Đài Bắc và yêu cầu họ hợp tác điều tra một vụ tình nghi về các vi phạm Đạo luật An ninh Quốc gia của Đài Loan.
Cả hai người đều nói họ không quen biết Vương Lập Cường.
Chính quyền Trung Quốc đã phủ nhận những báo cáo của Vương, cảnh sát Thượng Hải tuyên bố Vương là người thất nghiệp, 26 tuổi, đã từng bị bỏ tù vì tội lừa đảo.
Ngày 24 tháng 11, Đại sứ quán Trung Quốc tuyên bố rằng Vương đang bị truy nã liên quan đến một vụ lừa đảo từ đầu năm nay.
“Ngày 19 tháng 4 năm 2019, cảnh sát Thượng Hải đã mở một cuộc điều tra Vương Lập Cường về tội lừa đảo 4,6 triệu NDT của một người có tên là Shu trong một dự án nhập khẩu xe hơi giả mạo vào tháng 2”, phát ngôn của đại sứ quán Trung Quốc cho biết.
Đại sứ quán cũng cho biết ngày 10 tháng 4, Vương mang hộ chiếu Trung Quốc giả và thẻ thường trú nhân Hồng Kông giả để rời Hồng Kông, và cũng cho biết cảnh sát Thượng Hải đang điều tra sự việc.
Hồng Kông
Theo Vương, cả CIIL và China Trends Holdings đều hoạt động dưới sự kiểm soát của quân đội Trung Quốc, cụ thể là bộ Tổng tham mưu quân đội giải phóng nhân dân Trung Hoa (PLA).
Cả hai công ty này đều bác bỏ lời khai của Vương, phủ nhận mọi liên quan đến các hoạt động gián điệp.
Ông Hướng có nhiệm vụ cung cấp báo cáo “tình báo” cho Bộ tổng tham mưu PLA về các cá nhân ở Hồng Kông mà có thể có những bình luận chỉ trích chính quyền Trung Quốc hoặc bình luận về các chủ đề nhạy cảm khác, Vương nói.
Người điều hành từ PLA của ông Hướng cũng chỉ đạo Vương thu thập thông tin về các nhà hoạt động xã hội và các học viên Pháp Luân Công trong thành phố.
Kể từ năm 1999, học viên Pháp Luân Công đã bị ĐCSTQ đàn áp vô cớ, bị bắt giam bất hợp pháp, lao động cưỡng bức, bị tẩy não và tra tấn.
Vương cho biết cả hai công ty đều nhắm mục tiêu tuyển dụng vào sinh viên ở Hồng Kông. Họ thành lập một quỹ giáo dục ở đây để đào tạo đặc vụ và giảng dạy về các chính sách của Bắc Kinh đối với sinh viên ở Hồng Kông. Quỹ giáo dục này đã nhận được 500 triệu nhân dân tệ (khoảng 71 triệu đô la) hàng năm từ chính quyền Trung Quốc.
Vương nói anh ta đã tuyển dụng sinh viên Trung Quốc đại lục để thu thập thông tin về các cá nhân và các nhóm được coi là mối đe dọa đối với chính quyền ĐCSTQ.
Anh nói với The Epoch Times: “Tôi đã giảng giải cho các sinh viên này về chính sách của chính quyền Trung Quốc đối với họ, giao cho họ nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo về phong trào độc lập của Hồng Kông cũng như các quan điểm chống lại chính quyền Trung Quốc.”
Hầu hết sinh viên Trung Quốc được tuyển dụng đều đến từ hai trường đại học: Đại học Khoa học và Công nghệ Nam Kinh ở tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc và Đại học Sán Đầu ở tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc.
Vương kể rằng Đại học Khoa học và Công nghệ Nam Kinh và các trường đại học khác của Trung Quốc có các hiệp hội cựu sinh viên ở Hồng Kông, và nhiều trong số đó có thành viên là đặc vụ của Trung Quốc.
Vương cũng nói rằng anh ta đã tham gia vào vụ bắt cóc năm nhân viên nhà sách ở Hồng Kông năm 2015. Những nạn nhân này sau đó bị bỏ tù ở Trung Quốc đại lục và bị cưỡng ép thú tội trên truyền hình.
Vương cho biết vụ việc này do CIIL phối hợp với PLA thực hiện.
Anh ta nói đã bị sốc khi thấy chính quyền Trung Quốc có thể tổ chức các vụ bắt cóc người.
“Tôi không thể nghĩ rằng chính quyền Trung Quốc lại có thể bắt giữ ai đó ở Hồng Kông vì họ đã cam kết thực hiện nguyên tắc “một quốc gia, hai hệ thống” – Vương nói, khi đề cập đến khuôn khổ của mức độ chủ quyền cao và tự do mà chính quyền Trung Quốc cam kết đối với thành phố.
Đài Loan
Khi nói với phóng viên tờ Vision Times, Vương cho biết phần lớn các hoạt động xâm nhập ở Đài Loan là do bà Cung Thanh, vợ của ông Hướng thực hiện.
Chính phủ Trung Quốc xem Đài Loan là một tỉnh nổi loạn và chưa bao giờ từ bỏ ý định dùng quân sự để hợp nhất hòn đảo tự trị. Trong những năm gần đây, ĐCSTQ đã tăng cường nỗ lực thâm nhập vào các phương tiện truyền thông và gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử ở Đài Loan.
Vương kể đã tham gia vào chiến dịch trực tuyến tấn công đảng cầm quyền của Đài Loan là Đảng Dân Tiến (DPP) trước cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11 năm 2018, để hỗ trợ Quốc Dân Đảng (Kuomintang), đảng đối lập thân Bắc Kinh.
Vương cho biết rằng anh có hơn 200.000 tài khoản trên mạng xã hội và nhiều trang fan hâm mộ khác để thực hiện chiến dịch.
Theo Vương, công ty CIIL đã chi 1,5 tỷ nhân dân tệ (khoảng 213 triệu đô la) cho các kênh truyền thông Đài Loan để hỗ trợ nỗ lực gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử năm 2018.
Vương cũng nói họ đã tổ chức cho sinh viên Trung Quốc và Hồng Kông đang học tập tại Đài Loan và khách du lịch Trung Quốc hỗ trợ thúc đẩy các ứng viên thân Bắc Kinh tranh cử.
Các khoản đóng góp của Trung Quốc ở nước ngoài được sử dụng cho chiến dịch tranh cử của ứng cử viên thân Bắc Kinh. Hơn 20 triệu nhân dân tệ (khoảng 2,8 triệu đô la) đã được sử dụng cho ông Hàn Quốc Du, và ông này đã giành được ghế thị trưởng của thành phố Cao Hùng, phía nam của Đài Loan.
Ông Hàn hiện đang tranh cử tổng thống với tư cách là ứng cử viên Quốc Dân Đảng.
Đối với cuộc bầu cử năm 2018, Đảng Dân Tiến DPP đã phải chịu tổn thất lớn, mất bảy ghế cho Quốc Dân Đảng. Quốc Dân Đảng hiện kiểm soát 15 thành phố và quận, trong khi Đảng Dân Tiến chỉ còn nắm giữ sáu thành phố.
Vương Lập Cường mô tả cuộc bầu cử năm 2018 là chiến thắng của chính quyền Trung Quốc.
Vương cho biết nhiều người trong giới tinh hoa của Đài Loan đã bị ĐCSTQ chi phối, bao gồm người đứng đầu một tờ nhật báo địa phương, hiệu trưởng một trường đại học, tổng giám đốc một trung tâm văn hóa và một số chính trị gia. Ngoài ra lãnh đạo các băng đảng cũng bị ĐCSTQ giật dây. Những người này hàng năm được trả từ 2 triệu đến 5 triệu nhân dân tệ (từ 288,155 đến 710,388 đô la để hỗ trợ nhóm của Vương thực hiện nỗ lực xâm nhập vào Đài Loan.
Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 sắp tới, Vương cho biết mục tiêu của Bắc Kinh là lật đổ tổng thống Thái Anh Văn.
Vương kể rằng bà Cung muốn anh ấy đến Đài Loan vào ngày 28 tháng 5 để hỗ trợ các hoạt động gây ảnh hưởng đến truyền thông và internet Đài Loan. Nhưng tâm trí của anh đã thay đổi.
“Tôi đã thấy những gì đang diễn ra ở Hồng Kông. Và tôi không muốn phải biến Đài Loan thành Hồng Kông. Vì vậy, tôi quyết định nghỉ việc”, Vương nói với Vision Times, khi đề cập đến sự phản kháng của Hồng Kông đối với hành động xâm chiếm của Bắc Kinh.
Vì vậy, ngày 23 tháng 4, được bà Cung cho phép nghỉ, Vương tới Sydney thăm vợ và con trai.
Trong thời gian hợp tác với cơ quan tình báo hàng đầu của Úc – Tổ chức Tình báo và An ninh Úc, Vương Lập Cường đang lánh mình tại một địa điểm bí mật.
Tuy nhiên, theo Vương Lập Cường, ở Úc không đảm bảo an toàn cho anh và gia đình, bởi vì Bắc Kinh có mạng lưới gián điệp ở quốc gia này và có thể bắt cóc anh và gia đình để đưa về Trung Quốc.
Bất chấp rủi ro, Vương vẫn quyết định đào tẩu.
Anh nói với The Epoch Times: “Tôi đã suy nghĩ rất kỹ càng rồi.”
“Có lúc tôi tự hỏi không biết quyết định này sẽ khiến cuộc sống của tôi tốt lên hay xấu đi. Tôi không thể chắc chắn, nhưng tôi biết chắc rằng nếu vẫn tiếp tục làm việc với ĐCSTQ, tôi sẽ không có kết cục tốt.”