Cứ 60 giây lại có một em nhỏ Phi châu qua đời vì bệnh sốt rét. Đối với mỗi gia đình tại châu lục này, sốt rét là căn bệnh đáng sợ, có thể cướp đi mạng sống của họ bất cứ lúc nào. Nhưng chỉ một vật dụng đơn giản lại có thể làm nên điều khác biệt giữa sự sống và cái chết: màn chống muỗi.
Và đó là một phần trong câu chuyện của Katherine Commale, cô bé đến từ thị trấn Downingtown, quận Chester, tiểu bang Pennsylvania, nước Mỹ. Một buổi tối tháng 4/2006, cô bé 5 tuổi Katherine ngồi chăm chú theo dõi chương trình trên đài PBS: “Malaria: Fever Wars” (tạm gọi: Cuộc chiến sốt rét). Đây cũng là lần đầu tiên Katherine biết về sốt rét – căn bệnh cướp đi sinh mạng của một trẻ em châu Phi cứ mỗi 30 giây vào thời điểm đó.
“Mẹ, con không thể ngủ được”, Katherine nói với bà Linda Commale. Buổi sáng hôm sau, cô bé lại hỏi mẹ và được bà giải thích rằng đây là một bệnh dịch nguy hiểm, rằng những con muỗi đã mang vi khuẩn tới, và rằng biện pháp đơn giản là sử dụng màn chống muỗi, và chỉ màn chống muỗi mới có thể giúp họ phòng tránh căn bệnh này. “Vậy tại sao mọi người lại không có màn chống muỗi?” – Vì họ rất rất nghèo, những gia đình ở châu Phi thậm chí còn không có đủ 10 đô la để mua được một chiếc…
Katherine chăm chú lắng nghe, rồi cô bé bắt đầu đếm trên đầu ngón tay từ 1 đến 30… Vậy là lại thêm một bạn nhỏ nữa qua đời! Đôi mắt cô bé thể hiện nỗi kinh hoàng. “Mẹ, chúng ta phải làm điều gì đó!”
Thế là từ đó, nhờ có mẹ hỗ trợ, cô bé 5 tuổi của thị trấn Downingtown bắt đầu hành trình quyên góp tiền mua màn chống muỗi cho người dân nghèo châu Phi.
Katherine (6 tuổi) thuyết trình về bệnh sốt rét và màn chống muỗi tại chiến dịch “Nothing But Nets” ở New York (Ảnh: Mike DuBose/UMNS, ảnh được chia sẻ bởi Lynda Commale)
Việc đầu tiên Katherine làm là chia sẻ với mọi người về những gì mình vừa học được. Cô bé đến nhà thờ Hopewell United Methodist trong thị trấn vào một ngày cuối tuần năm 2006. Sử dụng chiếc vỏ hộp pizza làm “lều”, cùng với các em búp bê trong vai một gia đình châu Phi, một con bọ đồ chơi đại diện cho “muỗi”, thêm một mẩu vải tuyn làm màn ngủ, Katherine đã cho mọi người thấy những chiếc màn đơn giản ấy lại có thể cứu sống một sinh mạng như thế nào. Bài thuyết trình của cô gái bé nhỏ đã làm rung động mọi người dân trong thị trấn Downingtown. Chỉ trong vài giờ đồng hồ, Katherine đã quyên góp đủ số tiền để mua 150 màn ngủ gửi tới các gia đình châu Phi.
Katherine tiếp tục thuyết trình tại nhiều nhà thờ và trường học khác. Cả em trai của Katherine tên là Joseph và các bạn đồng trang lứa cũng tham gia với cô bé trong các chương trình gây quỹ từ thiện. Các em nhỏ cùng nhau làm nhiều tấm thiệp vẽ tay để tặng cho mỗi người quyên góp. Mỗi tấm thiệp tượng trưng cho món quà cảm ơn đối với tấm lòng hảo tâm vì đã cứu sống 1 sinh mạng tại châu Phi. Nhiều người ủng hộ thậm chí còn quyên góp thay mặt cho người thân của họ. Những tấm thiệp mà họ nhận được, sau đó, cũng được gửi tới người thân của mình.
Katherine cùng với tấm thiệp vẽ tay (Ảnh: Lynda Commale)
Trước khi tròn 6 tuổi, Katherine đã gây quỹ trên 10.000 USD. Vào thời điểm đó, một tổ chức liên hiệp quốc là United Nations Foundation đã khởi động chương trình đặc biệt mang tên “Nothing But Nets” (NBN), nhằm mục đích gửi màn chống muỗi tới từng hộ dân nghèo ở các nước thế giới thứ 3. Katherine đã được mời làm tiếng nói đại diện cho chiến dịch này.
Vào 4/2007, Katherine nhận được lời mời tham dự “Ngày Nhận thức về sốt rét” (Malaria Awareness Day) tại Nhà Trắng ở thủ đô Washington, DC. Tại đây, cô bé được nghe Tổng thống George Bush và Đệ nhất Phu nhân Laura Bush khẳng định quyết tâm đẩy lùi sốt rét. Những nỗ lực không mệt mỏi của cô bé Katherine đã góp phần thức tỉnh ý thức của cả cộng đồng đối với căn bệnh hiểm nghèo ở châu Phi. Cùng với mẹ Lynda, Katherine đã tham gia nhiều chiến dịch gây quỹ khác trên khắp nước Mỹ. Cô bé cũng nhiều lần xuất hiện trên các trang báo lớn như CNN, ABC, và The New York Times căn bệnh sốt rét. Sau đó, cô bé cũng được cựu Tổng thống Clinton mời tham gia cùng ông trong chiến dịch “Clinton Global Initiative”. Nhớ lại lần đầu tiên gặp Tổng thống Clinton, Katherine kể: “Ngài ấy (Clinton) rất cao lớn, còn ngài Tony Blair thì nháy mắt với cháu”.
Những nỗ lực không mệt mỏi của cô bé Katherine đã góp phần thức tỉnh ý thức của cả cộng đồng đối với căn bệnh hiểm nghèo ở châu Phi. Cùng với mẹ Lynda, Katherine đã tham gia nhiều chiến dịch gây quỹ khác trên khắp nước Mỹ. Cô bé cũng nhiều lần xuất hiện trên các trang báo lớn như CNN, ABC, và The New York Times; nhận được các giải thưởng danh dự từ Nhà Trắng và nhiều tổ chức nhân đạo.
Katherine (13 tuổi) với thông điệp: “Gửi một chiếc màn. Cứu một mạng sống” (Ảnh: Nothing But Nets, Facebook)
Cho đến năm 10 tuổi, Katherine đã gây quỹ trên 180.000 USD, tương đương với 18.000 chiếc màn chống muỗi đã được gửi tới các gia đình châu Phi. Không lâu sau dấu mốc quan trọng này, cô bé nhận được tin tức rằng con số cứ 30 giây lại có một đứa trẻ ra đi vì sốt rét đã được cải thiện thành 45 giây. Hiện nay, con số này đã được nâng lên thành 60 giây. Đây là lời khích lệ lớn lao cho những nỗ lực của Katherine.
ấm màn chống muỗi góp phần đẩy lùi bệnh sốt rét tại Châu Phi. Dòng chữ trên ảnh viết: 6,2 triệu người đã được cứu sống, nhưng chúng ta vẫn có thể cứu hàng tỉ người (Ảnh: Nothing But Nets, Facebook)
Có một câu chuyện cổ mà có lẽ những tín đồ Thiên Chúa giáo vẫn còn nhắc lại. Khi Chúa Jesus còn tại thế, một cậu bé đã dâng cho Ngài 5 ổ bánh lúa mạch và 2 con cá. Thành quả lao động của cậu bé đã giúp Chúa Jesus nuôi sống 5000 người dân nghèo. Sau đó, Chúa Jesus nói rằng: “Quả thật ta cho các con biết, nếu các con không thể thay đổi và trở lại thơ trẻ, các con sẽ không bao giờ lên được Thiên Đàng. Bất cứ ai có thể trở thành giống như cậu bé này sẽ là người cao quý nhất trong Thiên quốc của Chúa Trời”. Đây là câu chuyện đã được Đức cha Thomas Bickerton nhắc đến khi nói về Katherine.
(Ảnh: Nothing But Nets, Facebook)
Và có thể bạn cũng biết, mỗi chiếc màn chống muỗi có giá khoảng 10 USD (215.000 VND), có lẽ chỉ tương đương với một chiếc bánh pizza, hay một bữa trưa tại nhà hàng KFC hoặc McDonald’s. Bất kỳ ai trong chúng ta, dù ở bất kỳ lứa tuổi nào, cũng đều có thể làm nên điều khác biệt trên thế giới này. Bạn có tự tin về điều đó? Câu chuyện của cô bé 5 tuổi Katherine chính là một minh chứng.
Theo Daiynguyenvn