Từ ngàn xưa đến nay, từ Đông Phương đến Tây Phương đều có chung quan niệm rằng “Thiện hữu thiện báo, Ác hữu ác báo”… truyền thống nhận thức này đã được chứng minh trong suốt chiều dài lịch sử phát triển của nền văn mình lần này, câu chuyện dưới đây là một ví dụ.

ScreenHunter_299

Ai đã từng học qua sách Tam tự kinh đều biết câu: “Đậu Yên Sơn, hữu nghĩa phương; giáo ngũ tử, danh câu dương.” Sự tích Đậu Yên Sơn được nhắc đến ở đây chính là một câu chuyện nhân quả báo ứng rất xác thật, xin được kể lại dưới đây để mọi người chiêm nghiệm.

Đậu Vũ Quân là người U Châu, sống vào khoảng cuối đời Tấn. Vì U Châu thuộc nước Yên nên còn gọi là Yên Sơn. Vũ Quân mồ côi cha thuở bé, bao nỗi nhọc nhằn lo toan đều đè nặng trên đôi vai gầy của mẹ.

Vũ Quân là người chí hiếu, xưa nay chưa từng dám trái lời mẹ. Vào thời đó, thanh niên khoảng 20 tuổi đều đã kết hôn, và nếu đến năm 30 tuổi mà vẫn chưa có con nối dõi tông đường thì nhất định cảm thấy bồn chồn lo lắng. Vũ Quân đã hơn 30 tuổi mà vẫn chưa có con nên không khỏi ngày đêm lo lắng.

Bỗng một đêm nọ, tiên sinh nằm mộng thấy ông nội đã chết hiện về nói:

– Vũ Quân, đời trước cháu đã gây tạo nghiệp ác rất nặng, nên vận mạng của cháu trong đời này chẳng những không có con mà tuổi thọ cũng rất ngắn ngủi. Mong cháu sớm hồi tâm hướng thiện, nỗ lực làm nhiều việc lành, cứu giúp mọi người, nhờ đó có thể chuyển biến nghiệp lực, cải đổi vận mạng.

Vũ Quân giật mình tỉnh giấc, ngồi nhớ lại và ghi sâu từng lời nói của ông nội vào lòng, từ đó lập chí không làm các việc ác, chuyên tâm làm các việc lành.

Nhà họ Đậu có một người làm thuê, lén trộm của Vũ Quân đến hai vạn tiền vàng. Vì sợ Vũ Quân phát giác truy tố, liền tự ý viết một tờ giấy nợ ghi đủ số tiền vàng, buộc lên tay đứa con gái nhỏ của mình, trong đó ghi rõ: “Tôi bán đứa con gái này cho nhà họ Đậu để trừ số nợ đã vay.” Rồi người ấy bỏ đứa con gái lại mà trốn đi biệt dạng.

Vũ Quân phát giác ra sự việc, liền đốt bỏ tờ giấy nợ, từ đó nuôi dưỡng, dạy dỗ đứa con gái của người kia một cách hết sức tử tế, về sau còn lo chu đáo cả việc lập gia đình cho nó nữa.

Một lần, nhân dịp tết Nguyên đán Vũ Quân đến chùa Diên Khánh lễ Phật, bỗng thấy bên vách điện Phật có một cái túi nhỏ, nhặt lên xem thì phát hiện bên trong có 200 lượng bạc, 30 lượng vàng. Vũ Quân suy nghĩ, chắc chắn số tiền vàng này là của khách hành hương nào đó bỏ quên, khi phát hiện mất tiền nhất định sẽ quay lại tìm. Nghĩ vậy, tiên sinh liền ngồi lại trong chùa đợi người chủ mất tiền đến để trả lại.

Đợi rất lâu, quả nhiên thấy có một người đi đến, vừa đi vừa khóc than thảm thiết. Vũ Quân hỏi duyên cớ vì sao mà khóc than thảm thiết như thế, người ấy đáp:

– Phụ thân của tôi phạm tội bị kết án tử hình, tôi vất vả chạy đông chạy tây hỏi mượn bà con bạn bè mới được 200 lượng bạc, 30 lượng vàng, vừa đủ số nộp cho quan phủ để chuộc mạng cho cha. Nào ngờ tôi lại sơ ý đánh rơi túi tiền lúc nào không biết, như vậy cha tôi ắt không thoát khỏi cái chết. Tôi đang trở lại tìm kiếm những nơi vừa đi qua sáng nay, nhưng quả tình không thể biết được là đánh rơi ở nơi nào.

Vũ Quân xác định được người này đúng là chủ nhân của số tiền mình đã nhặt được, bèn mang trả lại cho ông ta. Người ấy nhận lại được số tiền đã mất, vui mừng khôn xiết, hết lời cảm tạ rồi ra đi.

Đậu Vũ Quân tuy còn trẻ tuổi mà đã nỗ lực làm được rất nhiều việc tốt. Những khi trong làng xóm có tang sự mà không đủ tiền mua quan tài, tiên sinh liền giúp tiền cho thân nhân để mua. Đối với người người nghèo khổ, khốn khó, tiên sinh thường cho mượn tiền làm vốn để buôn bán lập nghiệp, nhờ đó có rất nhiều người nghèo khổ ở khắp nơi nhờ sự giúp đỡ này mới duy trì được cuộc sống. Hơn thế nữa, để có tiền cứu giúp những người nghèo khổ, tiên sinh phải tự mình hết sức tiết kiệm trong sinh hoạt của gia đình và bản thân, không bao giờ lãng phí dù chỉ một đồng tiền. Tất cả thu nhập hằng năm, ngoài chi phí tối thiểu cho gia đình ra còn tất cả đều dùng vào việc cứu giúp người khác.

Tiên sinh đã xây dựng được 40 thư viện, trong đó có hơn ngàn quyển sách quý; còn mở trường dạy miễn phí cho con em trong làng, mời các thầy giáo nổi tiếng đến dạy học. Nhờ đó đã đào tạo được rất nhiều nhân tài ưu tú đóng góp cho xã hội.

Trải qua nhiều năm như vậy, một đêm nọ Đậu Vũ Quân lại nằm mộng thấy ông nội hiện về nói:

– Cháu đã làm được rất nhiều việc tốt, tích chứa nhiều âm đức, nhờ đó mà tuổi thọ sẽ được tăng thêm, đồng thời sẽ sinh được 5 người con trai, ngày sau đều thành đạt.

Từ đó về sau, Đậu Vũ Quân càng nỗ lực tu thân tích đức. Sau đó quả nhiên sinh được 5 người con trai, gia đình hòa thuận thương yêu nhau, con cái hết lòng hiếu kính cha mẹ. Cả năm người con ấy về sau đều thi đậu tiến sĩ. Con trai lớn nhất là Đậu Nghi làm tới chức Thượng thư; con trai thứ là Đậu Nghiễm làm chức Hàn lâm học sĩ; con trai thứ ba là Đậu Xưng làm quan Tham tri chính sự; con trai thứ tư là Đậu Khản giữ chức Khởi cư lang; con trai thứ 5 là Đậu Hi giữ chức Tả bổ khuyết. Cho đến những người cháu của Vũ Quân về sau cũng đều hiển đạt giàu sang. Bản thân Đậu Vũ Quân cũng làm tới chức Gián nghị đại phu, hưởng thọ 82 tuổi, trước khi lâm chung được biết trước ngày giờ, từ biệt bạn bè và người thân, tắm rửa thay y phục rồi an nhiên nhẹ nhàng ra đi.

(trích Lịch Sử Cảm Ứng Thống Ký)