Ngoài việc suy nghĩ về vũ trụ, Hawking được cho là nhà khoa học quan tâm nhất đến vận mệnh của nhân loại. Ông đã nhiều lần cảnh báo rằng loài người đang trên bờ vực nguy hiểm…
Bắt đầu từ năm 2019, thế giới dường như là trong tình trạng hỗn loạn và bất ổn: Cháy rừng ở Australia kéo dài hơn bốn tháng, Thủ đô bị lửa bao vây, bầu trời đỏ ruộm như nhuốm máu. Thủ đô của Canberra lần đầu tiên tuyên bố tình trạng khẩn cấp sau 17 năm. Nạn châu chấu châu Phi khiến người ta kinh sợ, số lượng châu chấu sa mạc ở Ethiopia, Kenya và Somalia đã lên tới khoảng 360 tỷ con, nhiều nhất trong 25 năm qua. Trung Đông giống như một thùng thuốc súng, chỉ chạm vào là bùng nổ, chỉ không biết ai là người trước tiên giật dây châm ngòi. Các cuộc bạo loạn bùng nổ ở nhiều nước châu Âu, vấn đề người tị nạn đã trở thành nỗi đau không thể xóa nhòa của Châu Âu. Dịch bệnh hoành hành ở châu Á …
Hawking liên tục cảnh báo rằng nhân loại đang trên bờ vực nguy hiểm
Thế giới dường như rơi vào hỗn loạn, khiến người ta liên tưởng đến lời tiên tri về ngày tận thế của Hawking. Mặc dù cơ thể của Hawking gắn liền với chiếc xe lăn, nhưng tư tưởng của ông đã chạm đến toàn bộ vũ trụ. Lý thuyết nổi tiếng nhất của ông, “Bức xạ Hawking”, chính là tư duy về bức xạ nhiệt của các lỗ đen.
Ngoài việc suy nghĩ về vũ trụ, Hawking được cho là nhà khoa học quan tâm nhất đến vận mệnh của nhân loại. Ông đã nhiều lần cảnh báo rằng loài người đang trên bờ vực nguy hiểm: “Nhân loại phải nghiêm túc xem xét sự tồn vong của chính mình trong vài trăm năm tới. Tôi đã nhìn thấy sự nguy hiểm của loài người, và đã có nhiều cuộc khủng hoảng sinh tồn của con người trong quá khứ. Tần suất sẽ tăng lên và chúng ta cần hết sức cẩn thận để tránh những khủng hoảng như vậy. Nhưng tôi là một người lạc quan, nếu con người có thể mở rộng thành công không gian vũ trụ trong hai trăm năm tới, thì chúng ta có thể tránh được thảm họa”.
Hawking nói rằng con người nên khám phá không gian vũ trụ trước khi họ có thể tìm ra lối thoát duy nhất: “Đối với sự sinh tồn của nhân loại, mở rộng ra không gian vũ trụ là một điều rất quan trọng đối với con người. Nguy cơ sự sống trên trái đất bị phá hủy bởi một thảm họa đang gia tăng, ví như: Sự nóng lên của trái đất đột ngột xấu đi; chiến tranh hạt nhân; virus biến đổi gen; và thậm chí cả những nguy hiểm khác mà chúng ta chưa biết”.
Mặc dù Hawking tán thành việc khám phá vũ trụ của con người, nhưng ông bày tỏ mối lo ngại về việc nhân loại tìm kiếm sự tồn tại của những sinh vật khác trong vũ trụ: “Nhân loại nên thận trọng khi cố gắng thiết lập liên lạc với các dạng sống khác ngoài vũ trụ, bởi vì chúng ta không thể xác định liệu chúng có thân thiện với con người hay không. Nếu chúng ta là dạng sống thông minh duy nhất trong thiên hà này, chúng ta nên đảm bảo rằng chúng ta có thể tồn tại và tiếp tục. Nhưng trước những nguồn lực hạn chế của trái đất và dân số tăng theo cấp số nhân, cơ hội duy nhất để chúng ta tồn tại trong một thời gian dài là không ở lại trái đất, mà là tìm lối thoát ra không gian vũ trụ tầng ngoài”.
Hawking đưa ra nhiều dự đoán về số phận của nhân loại
Trong bối cảnh đó, Hawking đã đưa ra nhiều dự đoán về số phận của nhân loại:
- Con người phải rời khỏi trái đất vào năm 2060
- Năm 2100, con người bước vào vũ trụ và các chủng tộc mới xuất hiện
- Trái đất sẽ đối mặt với sự hủy diệt vào năm 2215
- Khi dân số trái đất tăng lên vào năm 2600, mức tiêu thụ năng lượng sẽ tăng lên và trái đất sẽ “biến thành một quả cầu lửa cháy rừng rực”.
Nói tóm lại, ý nghĩa cốt lõi được thể hiện bởi lời tiên tri của Hawking là: trái đất sẽ trở nên rất nguy hiểm và con người cần phải thoát khỏi trái đất. Với sự phát triển của công nghệ nhân loại, sự không chắc chắn về tương lai của trái đất cũng đang gia tăng. Hiện tại, một số dự đoán có thể phá hủy trái đất và con người bao gồm:
1. Tiểu hành tinh phá hủy trái đất
Tác động của tiểu hành tinh trên trái đất là một trong bốn thảm họa lớn trên thế giới. Nghiên cứu đã chứng minh rằng nhiều sự kiện tuyệt chủng sinh học trong lịch sử trái đất là do tác động của các thiên thể nhỏ. NASA cho biết trong tương lai, các tiểu hành tinh có thể va chạm với trái đất. Họ khám phá khoảng 30 “Vật thể gần Trái đất” (NEO) mới mỗi tuần, hiện nay đã phát hiện ra trên 19.000 vật thể. Tuy nhiên, NASA cảnh báo rằng danh mục “Vật thể gần Trái đất” của họ không đầy đủ, điều đó có nghĩa là những tác động khó lường có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Vào năm 2014, các nhà thiên văn học đã sử dụng một kính viễn vọng rất lớn để quan sát một tiểu hành tinh đã bị một ngôi sao lùn trắng xé nát và tạo thành một vòng các mảnh vụn phát sáng. Hiện tại họ tin rằng ngôi sao lùn trắng có thể đã nuốt chửng và phá hủy ít nhất 15 hành tinh.
Ngôi sao lùn trắng này có tên là “WD 1145 + 017”. Nó cách trái đất khoảng 570 năm ánh sáng và nằm trong chòm sao Xử Nữ. Nó còn được gọi là “ngôi sao chết” thực sự. Nghiên cứu khoa học cho thấy khi hành tinh quay gần ngôi sao chết, ngôi sao lùn trắng sẽ phá vỡ hành tinh và các mảnh vỡ hành tinh sẽ bị phá hủy hoàn toàn trong khoảng 1 triệu năm. Có bao nhiêu “ngôi sao chết” như vậy tồn tại trong vũ trụ vẫn chưa được biết. Liệu trái đất có được bảo trợ để tránh khỏi hiểm họa bởi các ngôi sao chết hay không cũng là một dấu hỏi.
2. Chiến tranh hạt nhân bùng nổ
Mặc dù nhân loại hiểu được sự nguy hiểm của vũ khí hạt nhân, nhưng một khi chiến tranh thế giới nổ ra, nhân loại không thể đảm bảo liệu sẽ có một kẻ điên nào ấn nút hạt nhân hay không. Chỉ riêng số lượng vũ khí hạt nhân do Hoa Kỳ sở hữu là đủ để tiêu diệt toàn thể nhân loại.
3. Virus hoành hành
Các nhà khoa học nghiên cứu Nam Cực đã tìm thấy một loại virus chết người trong vùng băng vĩnh cửu ở Nam Cực chưa từng thấy trước đây. Hiện tại, không có loài động vật nào trên trái đất có thể miễn dịch với loại virus này. Khi khí hậu toàn cầu ấm lên và sự tan chảy của các sông băng ở Nam Cực tăng cường, các nhà khoa học Mỹ đã cảnh báo rằng nếu như chủng virus này phục hồi và lan rộng, sẽ không có sinh vật nào trên hành tinh này sống sót.
Ngoài loại virus chết người ẩn dưới vùng đất đóng băng ở Nam Cực, vùng đất đóng băng ở Bắc Cực cũng không ngoại lệ. Các nhà nghiên cứu từ Hoa Kỳ và Đức đã phát hiện ra rằng sự hình thành của một hồ nước gọi là “Karst nóng” có thể khiến băng vĩnh cửu ở Bắc Cực đột ngột tan chảy, do đó làm tăng khí thải nhà kính và tăng tốc độ nóng lên toàn cầu.
Với sự tan chảy của băng vĩnh cửu ở Bắc Cực, một số loại virus được biết là đã bị loại bỏ, chẳng hạn như virus đậu mùa có quá trình sinh sản tương tự như “virus miệng rộng” (Pithovirus), có thể được hồi sinh trở lại. Điều này sẽ mang tới rủi ro khó lường cho con người.
4. Chiến tranh di truyền
Với sự phát triển của khoa học và sự tiến bộ của công nghệ kỹ thuật di truyền, kỹ thuật di truyền trong lĩnh vực quân sự có thể sẽ phát triển thành vũ khí diệt chủng. Bởi vì bất kỳ hình thức nào của con người cũng phản ánh bởi gen của mình, vì vậy giết người bằng vũ khí gen có thể đạt được mục đích diệt chủng.
Một báo cáo gần đây do Đại học Cambridge công bố tuyên bố rằng vũ khí sinh học được tạo ra chống lại DNA của một chủng tộc cụ thể có thể xuất hiện trong tương lai và cảnh báo các chính phủ phải chuẩn bị trước những khủng hoảng của con người như vậy.
Theo báo cáo của Trung tâm nghiên cứu rủi ro của Đại học Cambridge, họ tin rằng trong những năm gần đây, khi công nghệ kỹ thuật di truyền đã trưởng thành hơn, chi phí trở nên rẻ hơn và khả năng gây hại cho người khác nhanh hơn đồng thời gây tử vong nhiều hơn thì công nghệ di truyền sẽ bị “dân chủ hóa”. “Trong một số trường hợp cực đoan, mọi người thậm chí sẽ tạo ra vũ khí sinh học nhắm vào các đặc điểm di truyền dân tộc cụ thể”.
Theo ước tính của nhà khoa học y tế nổi tiếng người Mỹ R. Hammerschlag, việc sử dụng vũ khí tác động tới gen di truyền của chủng tộc khác nhau có thể giết chết 25% – 30% dân số của quốc gia bị tấn công. Trong các cuộc chiến tranh hạt nhân, lượng thiệt hại dân số này được coi là “mất mát không thể chấp nhận” – điều này có nghĩa là đất nước này đã bị đánh bại. So với chiến tranh hạt nhân, chiến tranh di truyền cũng là một vấn đề lớn mà con người không thể bỏ qua.
5. Núi lửa phun trào
Các vụ phun trào núi lửa đã gây ra nhiều sự tuyệt chủng của loài, như trước đây đã từng xảy ra một vụ phun trào núi lửa được coi là thủ phạm tuyệt diệt sinh vật thời kỳ Kỷ Permi. Nếu núi lửa Công viên Yellowstone phun trào bây giờ, tro núi lửa có thể đủ để phá hủy toàn Bắc Mỹ. Núi lửa phun trào ở Công viên Yellowstone từng diễn ra cách đây 640.000 năm và vụ phun trào lên tới 1.000 km khối.
6. Cạn kiệt năng lượng và bùng nổ dân số
Đối với sự cạn kiệt năng lượng và sự bùng nổ dân số, tác động này đến số phận của loài người sẽ dần được giải quyết với sự phát triển của khoa học và công nghệ. Tuy nhiên hiện nay dân số trái đất đang tăng nhanh chóng, mà ở rất nhiều khu vực kinh tế phát triển thì dân số lại bị già hóa và tăng trưởng âm. Điều đó có nghĩa là, các khu vực kém phát triển và khu vực nghèo là nơi dân số phát triển như vũ bão. Điều này sẽ gây ra mâu thuẫn lớn trong tương lai, bởi vì cốt lõi của việc tạo ra sự giàu có và tài nguyên xã hội đến từ các khu vực phát triển, và việc giảm dân số của họ sẽ làm tăng sự mất cân đối trong cung và cầu của các nguồn lực toàn cầu và làm tăng mâu thuẫn trên thế giới.
Nhưng đây không phải là nguy cơ chí mạng cho sự phát triển của con người. Dự đoán của Hawking là có đạo lý ở một mức độ nhất định, nghĩa là để cảnh báo nhân loại về nhận thức khủng hoảng.
Bàn luận về tương lai sinh tồn của nhân loại, cũng như những nguy cơ và thảm họa mà con người đang phải đối mặt khiến chúng ta nhớ tới một câu nói trong tiểu thuyết khoa học viễn tưởng Three Body:
“Sinh tồn vốn đã là một loại may mắn. Nó đã từng như thế này trên trái đất trong quá khứ, và hiện nay nó ở khắp mọi nơi trong vũ trụ tàn nhẫn này, nhưng không biết từ khi nào, loài người có ảo tưởng rằng sự sinh tồn là thứ thò tay là lấy được”.
-
Theo Secretchina