Dịch viêm phổi Vũ Hán Covid 19 lan rộng trên toàn thế giới không khỏi làm người ta nhớ tới dịch cúm Tây Ban Nha (Spanish flu) quét qua thế giới trong thế kỷ trước. Chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn, nó đã sát hại hàng chục triệu người trên hành tinh, vượt qua mọi căn bệnh truyền nhiễm quy mô lớn trong lịch sử bao gồm cả Dịch Cái chết đen thời trung cổ. Đợt dịch năm 1918 này đã cướp đi sinh mạng của gần 700.000 người Mỹ, trong đó có Frederick Trump, ông nội của đương kim Tổng thống Mỹ.
Theo Sanli News, dịch cúm Tây Ban Nha có thể được chia thành ba đợt: đợt đầu tiên xảy ra vào mùa xuân năm 1918, đợt thứ hai xảy ra vào mùa thu năm 1918 và đợt thứ ba xảy ra vào mùa đông năm 1919 đến mùa xuân năm 1920. Đợt dịch xảy ra vào mùa thu năm 1918 có tỷ lệ tử vong cao nhất đã giết chết 200.000 người Mỹ chỉ trong tháng 10. Bệnh dịch chưa từng có này cũng là một trong những lý do cho sự kết thúc của Thế chiến thứ nhất.
Dịch cúm Tây Ban Nha cũng có một đặc điểm vô cùng kỳ lạ: Bệnh cúm trước đây chủ yếu đe dọa người già và trẻ nhỏ, đồ thị biểu hiện là đường cong hình chữ U. Tuy nhiên, đợt dịch này đồ thị biểu hiện là chữ hình chữ W – tỉ lệ tử vong chủ yếu là người trẻ và ở tuổi trung niên.
Nguồn gốc của Đại dịch
Bệnh nhân tại khu cách ly vì dịch cúm Tây Ban Nha (ảnh: Wikimedia Commons).
Nguồn gốc của bệnh cúm đã được tranh luận từ lâu. Claude Hannoun của Viện Pasteur của Pháp đã khẳng định rằng virus có nguồn gốc từ Trung Quốc, sau đó lan sang Boston và Kansas, và từ đó, thông qua các cuộc dịch chuyển quân đội, đến Brest, Pháp. Đây là diễn biến theo dòng thời gian về cách dịch Cúm Tây Ban Nha diễn ra trên toàn thế giới.
Tháng 4 năm 1917, Hoa Kỳ tham gia chiến tranh thế giới lần thứ 1 với 378.000 người trong lực lượng vũ trang, điều này đã nhanh chóng làm gia tăng quân số tham gia chiến tranh lên hàng triệu người.
Tháng 6 năm 1918, để tăng số lượng người chiến đấu, một dự thảo luật được thiết lập tại Hoa Kỳ để huy động người cho quân đội. Quân đội Mỹ đã tạo ra 32 trung tâm đào tạo, mỗi trung tâm có từ 25.000 đến 55.000 người.
Tháng 3 năm 1918, hơn 100 quân nhân tại Trại Funston ở Fort Riley, Kansas bị cúm. Một tuần sau, con số đó đã tăng gấp 5 lần. Các ca bệnh cúm lẻ tẻ bắt đầu xuất hiện ở những nơi khác ở Hoa Kỳ, Châu Âu và Châu Á.
Tháng 4 năm 1918, lần đầu tiên đề cập đến bệnh cúm xuất hiện trong một báo cáo y tế công cộng của Mỹ, mô tả 18 trường hợp nghiêm trọng và ba trường hợp tử vong ở Kansas.
Tháng 5 năm 1918, Hoa Kỳ bắt đầu chuyển hàng trăm ngàn binh sĩ đến Châu Âu. Vì chiến tranh, các nhà kiểm duyệt ở Đức, Anh, Pháp và Hoa Kỳ đã ngăn chặn tin tức về sự bùng phát dịch bệnh, khiến Tây Ban Nha, nước trung lập của cuộc chiến tranh phải báo cáo về đợt dịch bệnh này. Đây là nguyên nhân vì sao gọi là “Cúm Tây Ban Nha”.
Virus này lây lan từ Châu Âu đến Bắc Mỹ, Châu Á, Châu Phi, Brazil, các đảo ở Nam Thái Bình Dương và thậm chí các bộ lạc bản địa sống ở Vùng Bắc Cực.
Tháng 9 năm 1918, một đợt virus thứ hai xuất hiện có tỷ lệ tử vong cao hơn nhiều so với đợt đầu tiên. Nó xuất hiện tại một cơ sở của Hải quân Mỹ ở Boston và tại một cơ sở của Quân đội Mỹ ngay bên ngoài thành phố.
Làn sóng này đã tạo ra hầu hết các trường hợp tử vong do virus, với 12.000 người chết ở Hoa Kỳ chỉ trong tháng Chín. Ủy ban Y tế Thành phố New York yêu cầu tất cả các trường hợp cúm phải được báo cáo cho họ và bệnh nhân phải được cách ly, tại nhà hoặc trong bệnh viện.
Tại Philadelphia, 200.000 người tập trung cho cuộc diễu hành Liberty Bonds (Vì Tự do), và vài ngày sau đó, 635 trường hợp mới bị cúm được báo cáo. Thành phố yêu cầu các trường học, nhà thờ và nhà hát đóng cửa.
Tháng 10 năm 1918, có 195.000 người Mỹ chết vì cúm trong tháng này. Có một sự thiếu hụt nghiêm trọng các y tá vì nhiều người đang phục vụ ở nước ngoài. Hội Chữ thập đỏ Hoa Kỳ Chicago đưa ra lời kêu gọi các tình nguyện viên chăm sóc người bệnh.
Sự lây lan của đại dịch
Biểu đồ người tử vong vì cúm Tây Ban Nha cho thấy rất nhiều người ở độ tuổi trung niên (ảnh: Wikimedia Commons).
Ở Anh, 250.000 người chết và ở Pháp hơn 400.000 người chết. Có tới 17 triệu người chết ở Ấn Độ, chiếm khoảng 5% tổng dân số của quốc gia này. Tại Nhật Bản, 390.000 người đã chết và ở Indonesia, ước tính có 1,5 triệu người chết.
Iran có tỷ lệ tử vong đặc biệt cao, với khoảng từ 902.400 đến 2.431.000 người chết. Con số này nằm trong khoảng từ 8,0% đến 21,7% tổng dân số cả nước Iran tại thời điểm đó.
Ngay cả ở những nơi bị cô lập như Tahiti, Samoa, Úc và New Zealand, số người chết cũng rất lớn. Ở Tahiti, 13% dân số đã chết chỉ sau một tháng. Ở Samoa, 38.000 người chết, chiếm 22% toàn bộ dân số. Tại Úc, 12.000 người đã chết, trong khi ở New Zealand, cúm đã giết chết 6.400 người châu Âu và 2.500 người Maori bản địa chỉ trong sáu tuần.
Khi một người nhiễm bệnh hắt hơi hoặc ho, hơn nửa triệu phần tử virus có thể lây lan sang những người gần đó. Tỷ lệ lây nhiễm cúm Tây Ban Nha lên tới 50% với các triệu chứng bất thường như xuất huyết mũi, dạ dày, ruột, phù và xuất huyết phổi. Tổng cộng 500 triệu người trên toàn thế giới bị lây nhiễm và 50-100 triệu người, tức 3-5% dân số thế giới vào thời điểm đó, tử vong.
Ở Mỹ, 28% dân số nhiễm bệnh và 675.000 người chết. Có những ngôi làng của thổ dân Mỹ bị xóa sổ. Ủy ban Y tế New York yêu cầu người dân báo cáo tất cả ca nhiễm cúm và bệnh nhân phải được cách ly tại nhà hoặc trong bệnh viện. Philadelphia yêu cầu các trường học, nhà thờ, rạp hát đóng cửa. Chicago cũng đóng cửa nhiều nơi công cộng và cấm tụ tập đám đông. San Francisco khuyến nghị tất cả cư dân đeo khẩu trang khi ra ngoài.
Trong số các nạn nhân đại dịch cúm năm 1918 có họa sĩ người Áo Egon Schiele, nhà thơ người Pháp Guillaume Apollinaire và nhà phát triển bất động sản ở New York Frederick Trump, ông nội của đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ngày 29/5/1918, khi đang đi dạo cùng con trai Fred, Frederick đột nhiên cảm thấy rất yếu và qua đời ngay ngày hôm sau ở tuổi 49.
Theo hồi ức của các nhân viên y tế, cảnh tượng dịch cúm hành hạ người dân vô cùng thống khổ, đau đớn. Họ chỉ thấy bệnh nhân thở hổn hển, miệng nôn ra nhiều máu và cuối cùng ngạt thở mà qua đời. Khi giải phẫu thi thể họ phát hiện, hai lá phổi của người bệnh trở nên đỏ sẫm, sưng to, chứa đầy dịch thể có lẫn máu. Một nhân viên y tế từng may mắn sống sót qua đại dịch chia sẻ, bà thường xuyên gặp ác mộng, mơ thấy ma quỷ và không thể nào quên được hình ảnh nơi nhà xác: “Thi thể người xếp chồng lên nhau từ sàn đến trần nhà giống như một đống củi”. Sau 18 tháng tàn phá toàn cầu, dịch cúm dần lắng xuống, để lại số người chết chồng chất như núi cùng với cảnh vô số gia đình tan vỡ, chia ly.
Một thế kỷ trước, mọi người không biết nguồn nào gây ra bệnh cúm. Cho đến năm 1933, nhà khoa học người Anh Wilson Smith và những người khác đã phân lập được virus cúm người đầu tiên và đặt tên là cúm H1N1. Cúm là do virus cúm gây ra.