Tôn Tư Mạc là một danh y nổi tiếng thời Trung Quốc cổ đại. Tương truyền rằng, những phương thuốc mà ông một đời cứu giúp chúng dân là món quà mà Thần Tiên ban tặng.
Đông y, đặc biệt là y học Trung Quốc cổ đại, vì đã trải qua năm tháng dài đằng đẵng, hơn nữa ngày nay Tây y phát triển mạnh lấn át Đông y, cho nên có rất nhiều y thuật nguyên gốc của Trung y đã thất truyền. Vì vậy, con người hiện đại đã không cách nào lý giải được những tinh túy thâm sâu trong đó, càng không thể biết con người mấy ngàn năm trước làm sao có thể có được một số cách điều trị vượt qua cả tri thức và kỹ thuật của Tây y ngày nay như vậy.
Tuy nhiên, có rất nhiều cuốn sách cổ được lưu truyền tới ngày nay, đều cho thấy rằng Trung Quốc cổ đại thật ra là một thời kỳ huy hoàng “Thần và người” cùng tồn tại, vì thế y học cổ đại hơn hẳn bình thường là điều không khó lý giải.
Dược Vương Tôn Tư Mạc, người được sách quý dưới Long Cung
Tôn Tư Mạc là một danh y của Trung Quốc cổ đại, người đời tôn ông là Tôn chân nhân hoặc là Dược Vương Tôn Thiên Y. Trải qua hai đời Tùy Đường, ông hưởng thọ 101 tuổi, là một danh y tiếng tăm lẫy lừng.
Trong Liệt Tiên Toàn Truyền có ghi lại một đoạn liên quan đến Tôn Tư Mạc, kể rằng: Tôn Tư Mạc là người Hoa Nguyên. Ông từ nhỏ đã thông minh hơn người. Khi được 7 tuổi, mỗi ngày ông có thể đọc thuộc lòng một ngàn câu trong sách. Bởi vậy, người ta đã gọi ông là “Thánh đồng”. Tới năm 20 tuổi, ông có thể ung dung đĩnh đạc mà bàn luận về học thuyết của Lão Tử, Trang Tử.
Vào thời Chu Tuyên Đế, thời cuộc rối ren, Tôn Tư Mạc ẩn cư trong núi Thái Bạch học đạo, luyện khí dưỡng thần, thông suốt lý luận thiên văn, tinh thông y dược, âm thầm làm không ít việc thiện.
Có một lần, ông nhìn thấy một con rắn nhỏ bị chú bé chăn trâu dẫm đạp đến trọng thương, đang chảy máu. Ông liền cởi y phục của mình trao đổi với cậu mục đồng để cứu rắn nhỏ. Sau đó, ông đắp thuốc lên chỗ bị thương của con rắn nhỏ, rồi thả nó vào trong bụi cỏ.
Hơn mười ngày sau, Tôn Tư Mạc đang đi ở ngoài đường thì có một thiếu niên khôi ngô tuấn tú mặc quần áo trắng cưỡi ngựa chạy tới. Người thiếu niên xuống ngựa bái tạ Tôn Tư Mạc và nói: “Tạ ơn ngài cứu đệ đệ của ta!”.
Tôn Tư Mạc rất đỗi ngạc nhiên không hiểu người thanh niên này có ý gì, chàng trai này lại nhiệt tình mời Tôn Tư Mạc đến nhà làm khách.
Chàng trai nhường ngựa cho Tôn Tư Mạc cưỡi, còn mình thì dắt ngựa, hai chân của chàng bước nhanh tựa như bay bổng giữa trời. Trong nháy mắt đã đến một thành quách, bên trong cây lá xanh tươi, phòng ốc vàng son lộng lẫy, tràn đầy khí phách vương gia.
Chàng trai mời Tôn Tư Mạc bước vào, có một người mặc y phục màu đỏ, đầu đội một chiếc mão, có rất nhiều người hầu theo sau, vẻ mặt tươi cười chạy ra nghênh đón Tôn Tư Mạc. Vị này liên tục nói lời cảm tạ Tôn Tư Mạc: “Nhận được trọng ân của ngài, cho nên tôi cố ý phái nhi tử mời ngài đến đây”.
Rồi vị này quay đầu lại chỉ vào một tiểu nam tử mặc y phục màu xanh và nói: “Mấy ngày trước, nó một mình ra ngoài, bị mục đồng đánh bị thương, may nhờ ngài dùng y phục chuộc cứu mới có ngày hôm nay”, rồi bảo cậu bé mặc áo xanh bái tạ Tôn Tư Mạc.
Tôn Tư Mạc lúc này mới nhớ tới sự việc ông từng cứu một con rắn nhỏ vài ngày trước. Ông khẽ hỏi người bên cạnh đây là nơi nào, người đó trả lời: “Đây là Kinh Dương thủy phủ”. Thì ra được ông cứu không phải là “con rắn nhỏ”, mà chính là con trai của Long vương.
Long vương cho người sắp đặt yến tiệc thiết đãi Tôn Tư Mạc. Thoáng chốc đã ba ngày, Tôn Tư Mạc xin phép trở về. Long vương tặng ông rất nhiều châu báu, gấm lụa, nhưng Tôn Tư Mạc kiên quyết không chịu nhận.
Thế là Long vương bèn lệnh cho con mình lấy ra 30 phương thuốc của Long cung tặng cho Tôn Tư Mạc và nói: “Những phương thuốc này có thể giúp ngài tế thế cứu người”. Rồi Long vương sắp đặt người ngựa đưa Tôn Tư Mạc về nhà.
Sau khi trở về nhà, Tôn Tư Mạc sử dụng những phương thuốc này, phát hiện chúng quả thực linh nghiệm.
Vì thế, ông đã viết những phương thuốc này vào trong cuốn Thiên Kim Yếu Phương. Người đời sau coi quyển sách là một bộ kỳ thư. Vốn dĩ những phương thuốc này có nguồn gốc từ tiên nhân, cho nên linh nghiệm cũng không có gì là lạ.
Tôn Tư Mạc đắc Đạo rời nhân gian
Sau khi nghe nói tới tiếng tăm của Tôn Tư Mạc, Tùy Văn Đế liền triệu ông vào triều làm quan, nhưng ông đã từ chối. Ông nói với mọi người: “50 năm nữa, sẽ có thánh nhân xuất hiện, đến lúc đó ta sẽ phò trợ thánh nhân cứu trợ bá tính”.
50 năm sau, là đúng vào thời đại hoàng kim của Triều Đại nhà Đường, Đường Thái Tông cho mời Tôn Tư Mạc tới kinh thành. Đường Thái Tông nhìn thấy khuôn mặt trẻ trung của Tôn Tư Mạc thì vô cùng kinh ngạc nói: “Ta nghe nói những người có Đạo đều xứng đáng được kính trọng”. Thái Tông muốn ban cho ông một chức vị, nhưng Tôn Tư Mạc vẫn kiên quyết từ chối.
Thời Thái Tông, khi Ngụy Trưng và những người khác nhận chỉ biên soạn “Ngũ đại sử ký” (Lịch sử 5 triều gồm Lương, Trần, Chu, Bắc Tề, Tùy), vì e sợ thiếu sót, nên đã nhiều lần thỉnh giáo Tôn Tư Mạc. Tuy ông thuật lại bằng miệng, nhưng nghe tựa như tận mắt nhìn thấy vậy.
Thị lang Tôn Xử Ước ở phía Đông Đài Châu (tỉnh Chiết Giang Trung Quốc), đã từng dẫn 5 người con trai của mình là Tôn Đĩnh, Tôn Cảnh, Tôn Tuấn, Tôn Hựu, Tôn Thuyên đến bái kiến Tôn Tư Mạc. Tôn Tư Mạc nói: “Tôn Tuấn là người đầu tiên hiển vinh, Tôn Đạt thì muộn hơn; Tôn Thuyên sẽ có địa vị cao nhất”. Về sau, tương lai của các anh em họ Tôn quả nhiên ứng nghiệm như lời Tôn Tư Mạc.
Quan Chiêm sự Lô Tề Khanh (quan Chiêm sự là quan chuyên phụ trách các sự việc liên quan đến Thái Tử), khi nhỏ có tới thỉnh giáo Tôn Tư Mạc về luân lí làm người, Tôn Tư Mạc nói: “50 năm sau, chức quan ngươi có thể đạt tới đứng đầu một phương chư hầu, cháu của ta sẽ trở thành thuộc hạ của ngươi”. Lô Tề Khanh sau này đã làm tới Thích sứ Từ Châu, Tôn Phổ – cháu trai của Tôn Tư Mạc quả nhiên là huyện lệnh Từ Châu. Khi Tôn Tư Mạc nói với Lô Tề Khanh những lời này, Tôn Phổ chưa sinh ra, vậy mà ông đã tiên tri trước được sự việc của Tôn Phổ. Trong cuộc đời của Tôn Tư Mạc còn có rất nhiều câu chuyện thú vị như vậy nữa.
Tôn Tư Mạc ngoài việc sáng tác ra 30 cuốn “Thiên kim phương“, lưu lại 30 cuốn “Phúc lộc luận“, 1 cuốn “Nhiếp sinh chân lục”, 1 cuốn “Chấn trung tố thư”, 1 cuốn “Hội tam giáo luận”. Theo những gì được ghi chép lại, thì đã từng có một vị thần tiên từ trên trời giáng xuống, nói với Tôn Tư Mạc rằng: “Cuốn Thiên Kim Phương của ông có tác dụng cứu người, công đức rất lớn. Nhưng lại dùng động vật làm thuốc, giết hại rất nhiều sinh mệnh. Ông sẽ trở thành thần tiên, nhưng không thể bạch nhật phi thăng được, mà phải để lại thân xác của mình lại”. Từ đó về sau, Tôn Tư Mạc dùng không dùng côn trùng, đỉa làm thuốc nữa mà thay vào đó ông dùng cây cỏ.
Đường Hiển Khánh năm thứ 4, Đường Cao Tông triệu kiến Tôn Tư Mạc, thỉnh mời ông làm Gián nghị đại phu, Tôn Tư Mạc lại kiên quyết từ chối. Năm 674, ông mượn cớ ốm xin về quê.
Tôn Tư Mạc qua đời năm 682, trước khi chết ông dặn dò việc mai táng làm đơn giản, không được bỏ theo bất cứ vật phẩm nào vào trong mộ, không được dùng dê, bò còn sống làm lễ tế. Hơn 1 tháng trôi qua, thi thể của Tôn Tư Mạc không hề bị thối rữa hay có bất kỳ thay đổi gì. Khi mọi người cho thi thể của ông vào trong quan tài, thì chỉ còn lại một bộ quần áo rỗng, thân thể của ông đã tiêu biến mất. Lúc đó, mọi người đều cảm thấy vừa kinh sợ vừa thán phục mãi không thôi.
Khi Đường Huyền Tông lánh nạn ở nước Thục, có một hôm ông mơ thấy Tôn Tư Mạc xin ông cấp cho mình khoáng hùng hoàng (khoáng vật có sắc vàng dùng làm thuốc, có thể giải độc). Thế là Đường Huyền Tông cử người mang theo 10 cân hùng hoàng lên đỉnh núi Nga Mi. Khi sứ giả lên đến lưng chừng núi, nhìn thấy một người râu tóc bạc phơ, đầu đội khăn vuông, thân mặc áo vải, có hai đồng tử mặc quần áo đen đi theo sau. Người đó chỉ vào một tảng đá lớn nói: “Ngươi có thể đặt thuốc ở đây, trên mặt của tảng đá có viết lời cảm tạ hoàng thượng”. Vị sứ giả nhìn, thấy trên mặt tảng đá quả nhiên có chừng một trăm chữ lớn. Vị sứ giả bèn chép lại từng chữ một, ông viết đến đâu thì chữ trên tảng đá cũng biến mất tới đó. Sau khi chép xong xem lại, trên tảng đá không còn lại chữ nào. Trong nháy mắt một làn khói trắng bay lên, người và thuốc đều không thấy đâu nữa.
Câu chuyện ở trên, có thể khiến người ta cảm thấy giống thần thoại, truyền thuyết. Nhưng mà, những sự việc này đều đã được ghi lại trong các sách cổ. Hơn nữa, sự việc “Thần và người cùng tồn tại” thời cổ đại giống như như vậy không phải là chuyện gì quá đặc biệt, mà là chuyện vô cùng bình thường.
Nếu như nói, những câu chuyện như vậy đã từng mang đến cho nhân loại nền văn hóa vô cùng huy hoàng, thì chúng ta ngày nay có lẽ nên nghiêm túc suy nghĩ: Tại sao những hiện tượng như vậy ngày nay không còn tồn tại, thậm chí còn bị biến thành truyền thuyết và thần thoại?
Hoàng Sâm, dịch từ qi-gong.me