Dạy con là một vấn đề không hề dễ dàng, đòi hỏi các bậc cha mẹ phải có phương pháp đúng đắn. Dưới đây là bài phát biểu về việc dạy con của giáo sư Huang Yufeng, Đại học Phục Hán (Thượng Hải). Theo ông, các cha mẹ cố gắng hết sức tích lũy của cải cho con cái, nhưng đã bỏ qua yếu tố quan trọng là trẻ em cần có một cuộc sống hạnh phúc – độc lập. Do đó, nhiều đứa trẻ giàu về vật chất nhưng không được tự do về tinh thần.
Các cha mẹ cố gắng hết sức tích lũy của cải cho con cái, nhưng đã bỏ qua yếu tố quan trọng là trẻ em cần có một cuộc sống hạnh phúc – độc lập. (Ảnh: Sohu)
Phạm Lãi là nhà quân sự và chính trị cuối thời Xuân Thu Chiến Quốc, người đã giúp Việt Vương Câu Tiễn đánh bại quân Ngô. Khi đại sự thành công, Phạm Lãi cho rằng Câu Tiễn là người nhẫn tâm, ở lúc hoạn nạn thì được chứ lúc an lạc thì không, nên ông đã bí mật đi ở ẩn, rồi đổi tên thành Đào Chu Công.
Ông có ba người con trai. Đứa con thứ hai sau khi đến nhà Sở làm ăn, vướng vào một vụ án giết người, rồi bị kết án tử hình. Để cứu con thứ hai, Chu Công sai con út mang vàng đi “đút lót” cho Trang Sinh, một người bạn cũ. Tuy nhiên, con cả sống chết đòi đi, ông đành phải nghe theo. Người con cả đến gặp Trang Sinh, được ông nhận giúp. Trang Sinh sau đó đã tâu vua Sở đại xá thiên hạ và vốn định sau khi việc thành sẽ trả tiền lại cho Chu Công.
Nhưng không ngờ con cả của Chu Công lại dùng tiền tiếp tục nhờ một vị quan khác. Nghe vị quan đó nói lại, người con cả này nghĩ đáng lý không phải phí vàng đem đút lót mà em mình vẫn được thả. Anh ta liền quay lại nhà Trang Sinh, đòi lại vàng. Trang Sinh trả vàng, song cảm thấy xấu hổ vì một đứa trẻ con. Ông đã tâu với vua tha bổng tất cả phạm nhân, chỉ riêng đem chém con Chu Công.
Ngày người con cả mang xác em về, Chu Công than: “Sở dĩ tôi muốn sai thằng út đi, vì khi nó sinh ra, nhà ta đã khá giả, nó sẽ không tiếc của mang hối lộ người ta. Còn thằng cả sinh ra khi nhà ta còn nghèo khó, nó sẽ tiếc của. Bởi thế lúc nó đi, tôi biết là nó sẽ phải mang xác em nó về”. Chu Công hiểu nhân tình thế thái, không những hiểu từng đứa con, còn hiểu cả Trang Sinh. Tuy nhiên, ông có thể cứu nước, nhưng lại không cứu nổi con mình.
Qua câu chuyện trên để thấy rằng, lớn lên trong một gia đình có điều kiện, không phải suy nghĩ cơm áo gạo tiền, có thể là việc tốt cũng có thể việc xấu. Điều quan trọng là hiểu chính xác con bạn và dạy những điều đúng đắn nhất.
Nhiều bậc phụ huynh trước đây tin rằng chỉ cần chăm chỉ lao động là có thể giàu có và thay đổi số phận. Trẻ em từ nhỏ buộc phải vào các trường tiểu học, trung học, đại học trọng điểm. Sau khi tốt nghiệp mong muốn tìm việc làm, kết hôn, mua nhà, rồi sinh con, thăng tiến… Dường như cả đời giống như bị người khác cầm dao rượt đuổi, cứ thế chạy mãi không ngừng nghỉ. Con cái mệt mỏi và cha mẹ cũng mệt mỏi. Tất cả mọi thứ như đọc sách, làm việc, tình yêu, hôn nhân đều được thực hiện như nhiệm vụ.Chúng ta đang ở trong một thời đại thay đổi quá nhanh khiến việc nuôi dạy con trở nên mơ hồ, không chắc cái nào đúng cái nào sai, cái nào có ý nghĩa.
Hơn 100 năm trước, Lỗ Tấn (1881-1936) cũng đã phải thốt lên: “Bây giờ làm thế nào để dạy con?”, bởi lúc đó ông cũng ở trong thời đại của những thay đổi mạnh mẽ. Trong thời đại ngày nay, nhiều thứ đã thay đổi khiến các bậc phụ huynh mất niềm tin vào điều trên. Bây giờ nếu cha mẹ cũng giáo dục con học hành chăm chỉ, điều đó đã không còn có ý nghĩa. Khái niệm và giá trị tiền bạc của con cái bây giờ cũng khác với thời của cha mẹ chúng. Những đứa trẻ giàu có, chúng sẽ có cuộc sống nuông chiều từ nhỏ.
Có một câu chuyện về nhà tỷ phú mang tiền của mình đến thuê phòng khách sạn, ông chọn căn phòng rẻ nhất. Người quản lý khách sạn nhận ra ông và nói: “Thưa ông, con trai ông lần trước cũng đến chỗ chúng tôi, nhưng lại chọn căn phòng sang trọng nhất. Ông có muốn đổi phòng không?”.
Người tỷ phú nói: “Con trai tôi có một người bố giàu có, nên mới sống trong một căn phòng sang trọng, nhưng tôi chỉ có một người bố rất nghèo”. Câu nói của ông rất thú vị. Nhiều người nghĩ rằng câu chuyện này châm biếm sự thất bại của cậu con trai, nhưng thực tế nó chỉ phản ánh hai quan điểm khác nhau về tiền bạc.
Cuộc đối thoại giữa nhà triết gia Hy Lạp Socrates và người đàn ông giàu có trong cuốn sách “Cộng hòa” của Plato có thể là một gợi ý để cha mẹ giáo dục con. Socrates hỏi: “Tiền của ông tự kiếm được hay thừa kế từ cha mình?”. Người đàn ông giàu có hỏi lại rằng: “Tại sao ông lại hỏi điều này? Tiền tôi tự kiếm được thì sao, thừa kế từ cha tôi thì như thế nào?”.
Socrates nói: “Bản thân tay trắng làm nên cơ đồ với người được thừa kế, ánh mắt nhìn tiền không giống nhau. Bởi số tiền này không chỉ của cải, mà còn là sản phẩm của chính mình, như vậy sẽ yêu tiền, giống như cha mẹ yêu con cái của họ. Nhưng nếu đó là tiền thừa kế, sẽ không có loại tình cảm như vậy, chúng ta chỉ sử dụng nó như một công cụ mà thôi”.
Qua những mẩu chuyện trên, Planmycollege, một trang web về giáo dục đã đưa ra một số gợi ý cho cha mẹ nuôi dạy con trong thời đại ngày nay.
Đầu tiên, tôn trọng sự độc lập của trẻ
Mọi đứa trẻ sinh ra đều là những thiên thần. Tuy nhiên, đến khi đi học, chúng sẽ bắt đầu có những thói quen “xấu” như không đọc sách, không ngoan ngoãn. Trên thực tế, điều đó không có nghĩa đứa con đang trở nên tồi tệ, nhưng chúng đã không hoàn toàn bị bố mẹ kiểm soát. Đặc biệt đối với những đứa trẻ sinh ra đã giàu có, chúng thường có nhiều cơ hội mở mang kiến thức, việc khác biệt với quan điểm của cha mẹ cũng hoàn toàn bình thường.
Giả Bảo Ngọc trong cuốn tiểu thuyết “Hồng Lâu Mộng” không thích đọc sách giáo khoa và từ chối các đợt thi cử. Cậu khinh thường những người theo đuổi danh tiếng và bổng lộc. Nhưng cậu tôn trọng phụ nữ và trân trọng bản chất thực sự của con người. Đối với chúng ta bây giờ nhìn vào đều cho rằng đây là cách nhìn có ý nghĩ tiến bộ. Tuy nhiên, trong mắt người cha, cậu là một đứa trẻ không hiếu thảo, vì đã không đáp ứng được yêu cầu của một người kế nhiệm kinh doanh trong gia đình.
Theo khảo sát, 80% doanh nhân và cha mẹ hy vọng rằng con cái họ có thể kế thừa ngành nghề của mình. Nhưng liệu đứa trẻ có hạnh phúc sau khi thừa kế không? Nhiều bậc cha mẹ yêu con nhưng không thực sự tôn trọng con. Họ không tin rằng đứa trẻ có khả năng đưa ra quyết định và làm được mọi việc, vì vậy đã làm hộ chúng mọi thứ. Một đứa trẻ giàu có về vật chất, nhưng tinh thần không được tự do. Điều đó thực sự đau đớn.
Nhiều người giàu trên thế giới có suy nghĩ tân tiến. Họ từ chối cho con cái của cải. Đây không phải không yêu con, cũng không phải để con học cách khổ cực. Thực chất họ muốn cho con tự do lựa chọn và phát triển cuộc sống của chính mình.
Thứ hai, rèn luyện những thói quen tốt
Tiền đề của việc tôn trọng sự độc lập của trẻ em là nuôi dưỡng trẻ phát triển những thói quen tốt ngay từ nhỏ, bao gồm thói quen học, tôn trọng người khác, tập thể dục và thói quen có trách nhiệm.
Có một vở kịch tên là “Tam Nương dạy con”. Đứa trẻ không đọc sách và Tam Nương đã đánh nó bằng một cây gậy. Hiện nay, vấn đề trừng phạt thân thể là rất nhạy cảm, ở các nước phát triển bố mẹ không được phép đánh con. Cha mẹ nên xây dựng thói quen các quy tắc rèn luyện, trong đó, hình phạt cũng là một phương pháp giáo dục không thể thiếu. Hình phạt không phải là bằng trừng phạt thân thể, mà bằng nhiều biện pháp khác.
Vì vậy câu hỏi quan trọng không phải là trừng phạt hay không trừng phạt mà là bảo vệ lòng tự trọng của trẻ trong khi cha mẹ vẫn trừng phạt vì hành vi sai trái của chúng. Lòng tự trọng một khi bị phá hủy nó khủng khiếp hơn bất cứ sai lầm nào. Đôi khi bạn đánh con hai lần, nó không còn là nỗi đau cơ thể, nó là sự phủ nhận của cha mẹ. Đối với đứa trẻ, đây là tác hại tâm lý lớn nhất.
Thứ ba, chú ý đến việc giảng dạy
Theo cuốn sách lịch sử, Vương Hi Chi (nhà thư pháp nổi tiếng thời Đông Tấn) giỏi thư pháp từ năm 7 tuổi. Khi ông 12 tuổi, luôn theo dõi cha mình ở trong phòng và ông cảm thấy thú vị. Ông rất tò mò cuốn sách đó là gì? Một lần, vô tình ông thấy dưới gối cha có cuốn sách nói về nghệ thuật thư pháp của đời trước, Hi Chi bắt đầu chú ý. Nhân lúc cha ra khỏi phòng, ông thường vào lấy sách đọc trộm. Cha ông nghi ngờ nhưng chưa rõ con mình vào làm gì. Về sau, mẹ ông biết chuyện, khuyên đợi khi nào lớn cha sẽ truyền thụ cho. Hi Chi đáp rằng: “Con đã hiểu tường tận điều trong sách rồi, đợi khi con lớn e rằng đã muộn”.
Cha Hi Chi thấy con còn nhỏ đã có chí, bèn dạy con học. Chỉ qua thời gian ngắn, thư pháp của ông đã tiến bộ vượt bậc. Vì vậy, cho dù không cần dạy, cũng không cần ép buộc, con trai ông tự nhiên bị thu hút với việc học.
Trong giáo dục con trẻ, cha mẹ nên gần gũi, hiểu con, việc giáo dục mang tính gợi mở, hơn là ép buộc.
Tóm lại, dù có bao nhiêu thất bại, miễn là có đạo đức tốt, thái độ sống tích cực, bạn vẫn có thể rất hạnh phúc. Câu hỏi của Lỗ Tấn hay nỗi trăn trở của hàng triệu cha mẹ hiện nay nên được xác định là làm cho trẻ em hạnh phúc mãi mãi. Bất kể gió nào, mưa nào, mang đến cho đứa trẻ hạnh phúc gia đình, hạnh phúc cá nhân, đây mới là mục tiêu cuối cùng.
Theo Vnexpress