Chuyện kể về một cuốn kinh sách bị thất lạc ở một ngôi chùa nọ. Kinh Phật trân quý, không phải là thứ có thể đổi lấy ngàn vàng như con người vẫn nghĩ. Khi con người có tâm tôn kính Thần Phật, tôn quý kinh sách, thì những điều thần diệu sẽ xảy ra.
Nhà thơ lớn đời Đường Bạch Cư Dị đã nổi tiếng trong thiên hạ vì bài “Trường hận ca” và bài “Tỳ bà hành”. Tương truyền lúc cuối đời ông tự xưng mình là “Hương Sơn cư sĩ”, chú tâm niệm Phật tụng kinh, phát nguyện chép tay 100 quyển “Kim cương bát nhã kinh”. Qua mấy trăm năm binh hỏa chiến loạn, một trăm quyển sách đó đã thất tán chẳng biết đi đâu. Cuối cùng người ta chỉ tìm thấy một quyển ở trong một ngôi chùa trên núi Động Đình vùng Thái Hồ đất Ngô Trung. Thế là các tao nhân mặc khách bốn phương, các hiền sĩ nổi tiếng, đều tấp nập tới đó để xem, để bái lạy, để đề lời bạt lưu danh. Vì thế nên quyển kinh này càng thêm quý, các tăng lữ trong chùa xem là vật báu ngàn năm.
Năm 43 đời Gia Tĩnh triều Minh, đất Ngô Trung bị lũ lụt triền miên, mùa màng ngập hết, tai họa nghiêm trọng, đói khát khắp nơi. Số tăng lữ trong chùa ở núi Động Đình quá đông, bình thường sống dựa vào sự bố thí của thiện nam tín nữ, bây giờ dân nghèo gạo hết, các thí chủ đâu còn lương thừa mà bố thí nữa, các sư lo lắng vô cùng.
Bấy giờ có một ông sư Pháp danh Biện Ngộ nghĩ ra một cách: Đem quyển “Kinh Kim Cương” vẫn cất giữ trong chùa ra tìm một hộ có hiểu biết về đồ cổ để đổi lấy ít gạo về dùng lúc khó khăn trước mắt, khi nào nạn đói qua đi sẽ tới chuộc lại. Các sư người thì đồng ý, người phản đối, không nhất trí được. Cuối cùng vị sư trụ trì quyết định rằng: “So với chuyện chết đói thì thà làm theo cách của Biện Ngộ”. Thế là ông sai Biện Ngộ lo việc này.
Biện Ngộ có một người bạn họ Nghiêm là người mộ đạo, hay bố thí, làm Đô quản trong phủ Tướng quốc. Biện Ngộ nghĩ bụng: “Nghiêm Đô quản chưa chắc đã biết được giá trị của quyển sách, song nhất định anh ta đã có nghe nói đến. Hơn nữa, bạn bè với nhau nhiều năm, chắc chắn thế nào anh ta cũng giúp đỡ cho”. Thế là mang sách ngồi thuyền đi thẳng tới phủ Tướng quốc.
Gặp nhau, Biện Ngộ nói rõ vì sao mình lại đến đây, Nghiêm Đô quản đúng là có nghe nói đến quyển sách kinh quý cất giữ trong chùa Động Đình, giá trị ngàn vàng, song chưa được nhìn thấy. Anh ta nghĩ bạn của mình đã nhờ cậy thì nhận lời, một là được tiếng tốt, hai là được mở rộng tầm mắt, bèn bảo đưa sách cho xem. Nghiêm Đô quản cứ nghĩ một thứ giá trị ngàn vàng thì phải vàng ngọc lóng lánh trông lóa cả mắt, ai ngờ cái mà Biện Ngộ đưa ra lại chỉ là bọc giấy cũ mốc xộc xệch. Anh ta hơi thất vọng, bèn giơ tay lật lật, thấy sau sách có nhiều bút tích và dấu ấn của rất nhiều danh nhân tao nhã, trong đó có cả tên của quan Tướng quốc. Lúc này anh ta mới tươi cười, nhận lấy sách và trả cho Biện Ngộ năm mươi thạch gạo, gọi người viết cái phiếu kẹp vào sách cẩn thận. Biện Ngộ đem năm mươi thạch gạo hớn hở về chùa.
Phu nhân của quan Tướng quốc suốt đời tôn trọng các đệ tử nhà Phật, kính mộ các kinh sách Phật. Một hôm, nhân lúc rảnh rỗi, bà tới thư phòng lật tìm sách đọc, bỗng thấy trong một bọc sách cũ kỹ có một tờ giấy nhỏ trên đề: “Ngày…tháng… năm…, quyển ‘Kinh Kim Cương’, tại ngôi chùa núi Động Đình, năm mươi thạch gạo”. Bà chợt nhớ ra nhất định sách này là sách quý “Kinh Kim Cương” trên chùa núi Động Đình mà Tướng quốc luôn nhắc tới đây. Nếu cứ để ở trong phủ thì thật là khinh nhờn kinh sách, rồi còn bị người ta nói là kiếm lợi trước đức Phật nữa chứ. Năm mươi thạch gạo cũng xem như mình bố thí suốt năm rồi. Thế là cho người đến chùa bảo tới mà nhận sách kinh về.
Được tin khắp chùa trên dưới đều rất vui mừng. Sư trụ trì bèn sai Biện Ngộ tới phủ Tướng quốc. Biện Ngộ cảm tạ Tướng quốc phu nhân rất nhiều rồi mang sách xuống thuyền trở về chùa.
Hôm đó, khách tới lễ chùa đông vô cùng. Biện Ngộ cùng ngồi chung thuyền với họ. Nửa chừng mới nói cái chuyện gặp may và chuyện trả lại sách kinh cho mọi người nghe. Những người đi lễ từ lâu đã nghe nói “Kinh Kim Cương” đáng giá ngàn vàng mà chưa hề được nhìn thấy, bây giờ nghe nói đang nằm trong bọc của Biện Ngộ thì xôn xao cả lên, bảo anh ta lấy ra cho xem một chút. Biện Ngộ không làm sao từ chối được, bèn lấy ra để lên ván thuyền. Bỗng có một trận gió to, mọi người xúm lại giữ lấy sách, song trang đầu đã bay lên không trung rồi liệng theo gió bay đi mất. Biện Ngộ dậm chân đấm ngực ân hận mãi. Anh ta bọc lại quyển kinh, buồn bã đi về chùa, đưa cho sư trụ trì. Sư trụ trì trân trọng cất kỹ mà không biết trang kinh đầu đã mất.
Bấy giờ quan Thái thú họ Liễu mới đến trấn nhậm phủ Thường Châu, vốn là người tham lam, nghe nói có sách “Kinh Kim Cương” giá đến ngàn vàng thì thấy ham. Một hôm, huyện Giang Ân bắt được một toán cướp trong đó có một hòa thượng đi lang thang. Liễu Thái thú thấy đây là cơ hội để chiếm lấy “Kinh Kim Cương” rồi, bèn bí mật sai người gặp hòa thượng đó, bảo rằng muốn được tha thì hãy cứ khai có quan hệ với sư trụ trì chùa Động Đình, đồ cướp được đều giấu ở chùa đó. Lúc thăng đường thẩm vấn, hòa thượng này khai như thế thật. Thái thú rất mừng, lập tức sai người đến núi Động Đình, bắt trói sư trụ trì giải về Thường Châu giam vào ngục lao. Lại sai người gọi Biện Ngộ đem nộp ngay quyển “Kinh Kim Cương” vào phủ Thái thú, có vậy thì sư phụ và ngôi chùa mới yên, nếu không sư phụ sẽ bị chết, chùa sẽ bị thiêu rụi.
Biện Ngộ không dám tự quyết, bèn vào nhà lao nói cho sư phụ biết. Sư trụ trì ngẫm nghĩ một lúc rồi đành đồng ý dùng “Kinh Kim Cương” để đổi mạng cho bản thân và các sư trong chùa.
Biện Ngộ tức tốc chạy về chùa lấy “Kinh Kim Cương” đem tới. Quan Thái thú này cũng giống như Nghiêm Đô quản, cứ tưởng tượng quyển sách kinh này là báu vật bằng vàng lóng lánh rực rỡ. Đến khi mở được bọc giấy ra thì chỉ thấy tập giấy cũ xộc xệch, nhìn kỹ thì thấy mất cả trang đầu, ông ta thất vọng quá, mới nghĩ: “Trên đời này thiếu gì thứ chỉ có danh hão, quyển sách này có lẽ cũng vậy, mình lấy cái thứ vớ vẩn đọc cũng chẳng hiểu này làm gì?”.
Thế rồi trả lại sách kinh, tha cho sư trụ trì về, chuyện xem như kết thúc.
Sư trụ trì được tha. Ông cảm thấy chuyện này thật lạ. Biện Ngộ mới kể cho sự phụ nghe chuyện hồi trước ở Thái Hồ, gió thổi bay mất tờ kinh. Sư trụ trì cảm khái nói: “Nếu như không phải gió thổi bay tờ đầu thì bây giờ ắt là có ta mà không có kinh, có kinh mà không có ta rồi!”.
Hai thầy trò mang sách kinh về chùa. Lúc đi đến cạnh cầu Phong Kiều, bỗng trời đất tối sầm, một trận cuồng phong nổi lên, rồi mưa rất lớn, hai người mất phương hướng không biết lối nào mà đi nữa. Một lúc sau, Biện Ngộ trông thấy xa xa có một luồng ánh sáng lóe lên trên trời, hai thầy trò bèn đi về hướng đó. Tới gần, thấy chỗ có luồng ánh sáng là một căn nhà tranh, trong nhà có một ông già gõ mõ tụng kinh.
Hai thầy trò gõ cửa đi vào. Ông già thấy người hai vị sư vội mời ngồi. Biện Ngộ ngồi yên chỗ rồi mới nhìn xung quanh gian nhà, thấy trên tường có dán một tờ giấy, nhìn kỹ rồi kêu lên:“Quái lạ, quái lạ!”. Sư trụ trì cầm đèn đến gần coi kỹ cũng thất kinh: “Tờ giấy dán trên tường đó chính là tờ đầu cuốn sách “Kinh Kim Cương”. Hồ Động Đình lớn như thế, trang giấy thì nhỏ như thế, làm sao lại có thể lạc vào nhà ông già này vậy?
Thì ra ông già này từ nhỏ nghèo khó không được đi học song rất mộ Phật, một lòng một dạ tu hành. Vì không biết chữ, không biết đọc kinh nên lão rất khổ tâm. Thế nên mỗi khi nhìn thấy một cuốn sách hay một trang chữ nào là lão luôn nâng niu trên tay. Một buổi tối, trước căn nhà tranh của lão thấy rớt xuống một tờ giấy, lão nhặt lên cất đi. Sau có một tu sĩ đi qua bảo rằng đây là tờ đầu của sách “Kinh Kim Cương”, từ ngàn xưa truyền lại, bảo lão hãy gìn giữ cho kỹ. Lão bèn dán lên tường, hàng ngày vái lạy, ngắm nghía mấy lần.
Một hôm, tự nhiên lão thấy sáng lòng sáng mắt, đọc được hết các chữ trên tờ giấy. Bây giờ, nhìn thấy tờ giấy đó với quyển sách kinh mà Biện Ngộ lấy trong người ra cùng cỡ giấy với nhau, màu sắc cũng y hệt, lão bèn gỡ xuống trả lại cho chủ cũ. Sư trụ trì nâng quyển kinh hoàn chỉnh lên, cảm động nói:
“Nếu như không có lão Thái thú độc ác làm khổ như vậy, thì chúng ta cũng chẳng đến đây và cũng chẳng có lại được trang giấy này. Cho nên, mọi chuyện trên đời, họa phúc tương hỗ, gặp họa chưa chắc đã toàn là khổ, gặp phúc chưa chắc đã toàn là sướng”.
Ngày hôm sau, ông già đi theo hai thầy trò về chùa. Ông mời một người thợ bồi giấy có tiếng dán lại quyển “Kinh Kim Cương” thành quyển sách mới, sau đó cùng với các sư trong chùa thắp hương niệm “Kinh Kim Cương”.
Theo Tinhhoa