Ngủ là một trong những chức năng sinh lý cơ bản nhất của con người, nó chiếm ít nhất 1/3 cuộc đời mỗi người. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ ràng về giấc ngủ.

Câu nói “Giấc ngủ chính là sản vật của việc điều hòa âm dương” quả rất có đạo lý. Cổ nhân cho rằng vào ban ngày, “âm” trong cơ thể con người bị ẩn đi, “dương” giữ vai trò chủ đạo, mọi chức năng của cơ thể rơi vào trạng thái hoạt động. Còn khi đêm đến, “dương” lại ẩn vào trong, “âm” chiếm ưu thế, con người đến lúc phải đi ngủ.

1Đối với người xưa, giấc ngủ chính là hưởng thụ, cũng là một môn học vấn. 

Nhưng ngày nay, giấc ngủ vốn là nhu cầu cơ bản này lại trở thành vấn đề nan giải của rất nhiều người. Làm thế nào để ngủ ngon đối với người hiện đại mà nói quả thật không đơn giản chút nào.

Khi nào nên đi ngủ, khi nào cần thức dậy?

Chúng ta đều biết, thời cổ đại rất coi trọng “Làm việc khi trời sáng, nghỉ ngơi khi chiều tà”. Đối với người xưa, giấc ngủ chính là hưởng thụ, cũng là một môn học vấn.

Vậy người xưa mấy giờ lên giường đi ngủ? Câu thơ “Yểm yểm hoàng hôn hậu, tịch mịch nhân định sơ” (U ám trời xuống bóng, tịch mịch đêm về khuya) trong bài thơ “Khổng tước đông nam phi” thời Hán đã giải thích rất rõ ràng, mọi người về cơ bản đều đi ngủ vào lúc “nhân định”.

“Nhân định” là thời gian nào? Cổ nhân chia một ngày 24 giờ ra làm 12 thời thần, đó là dạ đán, kê minh, nhật xuất, thực thời, ngung trung, nhật trung, nhật diệt, bộ thời, nhật nhập, hoàng hôn, nhân định. Tương ứng cũng có 12 địa chi để biểu thị thời gian: Tí, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi.

“Nhân định” chính là giờ Hợi, tương đương với 21h đến 23h ngày nay. Vì vậy “Nhân định” còn được gọi là “Định hôn”, “Di dạ”, hàm ý rằng đêm đã khuya, nên dừng mọi hoạt động để nghỉ ngơi đi ngủ.

Cổ nhân còn nhấn mạnh sự nguy hiểm khi đi ngủ quá khuya. Trong cuốn “Ngũ tạp trở” của Tạ Chiêu Triết đời Minh có viết: “Dạ độc thư bất khả quá Tí thời”, ý chỉ buổi tối đọc sách không được quá giờ Tí, tức từ 23h cho đến rạng sáng 1h. Ông cho rằng, đọc sách quá giờ Tí có thể làm suy giảm nghiêm trọng sức khỏe.

Một phương diện khác, cổ nhân sùng bái việc dậy sớm. Theo ghi chép trong cuốn “Tống triều sự thực loại uyển” của Giang Thiếu Ngu đời Tống có ghi chép, Tống Thái Tông duy trì thói quen đi ngủ lành mạnh, “Nửa đêm đi ngủ, canh năm thức dậy”. Nhưng việc này lại đòi hỏi các quần thần phải thượng triều sớm, vào khoảng rạng sáng 3h-5h ngày nay.

Văn hào Tô Đông Pha trước nay cũng không hề ngủ lười biếng, mỗi ngày “canh năm thức dậy”. Nhưng sau khi dậy, ông không lập tức đọc sách hay hoạt động, mà sau khi chải tóc gội đầu, ăn mặc gọn gàng, liền tìm một chiếc ghế sạch sẽ nhắm mắt nằm một lúc, gọi là “giả mị”.

“Giả mị” chính là ngủ nướng hoặc “chợp mắt” mà ngày nay nhắc đến. Tô Đông Pha vui thú với việc “giả mị”, đồng thời cũng hiểu rõ sự kì diệu của việc này.

2Tô Đông Pha nằm trên đá. (Ảnh: Pinshiwen)

Tư thế nằm ngủ đặc biệt quan trọng

Tư thế ngủ của người hiện đại có thể chia làm ba loại: nằm ngửa, nằm sấp, nằm nghiêng. Còn tư thế của người cổ đại có thể tổng kết trong câu nói: “Đứng thẳng như cây tùng, ngồi vững như cái chuông, nằm cong như cánh cung”. 

Cổ nhân không thích “nằm ngửa”, Khổng Tử cực kì phản cảm với kiểu tư thế ngủ này. Trong “Luận ngữ – Hương đảng” ông có nói: “Tẩm bất thi, cư bất khách”, ý rằng khi ngủ không nên nằm ngửa như tử thi, ở nhà thì không nên gò bó, mất tự nhiên như là làm khách.

Có thể là do chịu ảnh hưởng từ quan điểm của Khổng Tử, nên cổ nhân khi ngủ tối kỵ nhất là “nằm thẳng đơ”, mà đề xướng việc khi ngủ thân cong gập gối để sinh lực không bị tản mất; khi thức nên thư giãn hoạt động, để khí huyết lưu thông.

Tại sao “nằm ngủ cong như cánh cung” lại ngủ ngon nhất? Thầy thuốc thời Đường – Tôn Tư Mạc trong “Thiên kim yếu phương – đạo lâm dưỡng tính” có viết: “Bó gối nằm nghiêng, lợi cho khí lực, tốt hơn so với nằm ngửa”.

Tác phẩm kinh điển của Đạo giáo “Đạo tàng – hỗn nguyên kinh” cũng có quan điểm tương tự: “Nằm nghiêng có lợi cho việc vận hành khí lực trong cơ thể người, đem lại sức khỏe tốt hơn so với việc nằm ngửa”.

Trong “Trường sinh bất lão quyết” của Lý Khánh Viễn đời nhà Thanh cũng đề xuất “Thế ngủ chó nằm”. Đây có thể coi là lời giải thích cho lời giáo huấn “ngủ cong như cánh cung” của cổ nhân, yêu cầu mọi người khi ngủ cơ thể phải nằm nghiêng, lưng cong, bó gối, tay cong, như tư thế trẻ nằm ngủ trong bụng mẹ, khiến cho tứ chi, các bộ phận cơ thể, da thịt xương cốt được thả lỏng thoải mái, bảo tồn tinh khí bên trong, an nhiên đi vào giấc ngủ.

3Nằm nghiêng có lợi cho việc vận hành khí lực trong cơ thể người, đem lại sức khỏe hơn so với việc nằm ngửa. (Ảnh: Read01)

Ngủ nghiêng tốt nhất là nghiêng về bên phải, đạo Phật gọi là “cát tường thụy” (ngủ may mắn). Loại “cát tường thụy” này đã được khoa học hiện đại chứng minh là rất khoa học và hợp lý, vì từ góc độ giải phẫu sinh lý thì với cách ngủ này tim, gan, nội tạng sẽ nằm ở bên phải, nên tư thế này có thể làm giảm áp lực tim.

Người xưa tổng kết 10 điều tối kỵ trong giấc ngủ

1. Không nên nằm ngửa khi ngủ

Cổ nhân nói: “Khi ngủ thân cong gập gối để sinh lực không bị tản mất; khi thức nên thư giãn hoạt động để khí huyết lưu thông”. Nếu nằm ngửa thân thể sẽ căng thẳng, cơ bắp không thể thả lỏng, tay dễ đặt lên ngực, dễ sinh ác mộng và ảnh hưởng tới nhịp thở cũng như nhịp tim.

2. Khi ngủ không được suy nghĩ

Hãy đảm bảo bản thân cần tập trung yên tĩnh khi đi ngủ, không lo nghĩ về bất cứ việc gì. Người xưa nói: “Trước tiên cần để tâm ngủ sau đó mới tới thân ngủ”. Đây là một bí mật quan trọng của giấc ngủ. Nếu ngủ mà suy nghĩ linh tinh, thậm chí lo lắng ưu tư, như vậy không những mất ngủ, mà còn tổn hại nghiêm trọng đến cơ thể.

3. Không tức giận trước khi ngủ

Bất kỳ sự biến đổi nào về cảm xúc đều có thể dẫn tới khí bị đảo loạn, từ đó gây mất ngủ và bệnh tật. Do đó, không những không nên tức giận trước khi đi ngủ, mà còn phải tự kiềm chế bản thân nảy sinh ra những cảm xúc thái quá.

4Đứng thẳng như cây tùng, ngồi vững như cái chuông, nằm cong như cánh cung. (Ảnh: Kknews)

4. Không nên ăn trước khi đi ngủ

Ăn trước khi ngủ sẽ làm tăng gánh nặng đường tiêu hóa, ảnh hưởng đến cả giấc ngủ và làm tổn thương cơ thể.

5. Ngủ không nên nói chuyện

Cổ nhân thường nói “Khi ăn không bàn luận, khi ngủ không nói chuyện”. Mọi người khi ngủ, phổi thu lại, lúc này phát ra ngôn ngữ dễ hao tổn phế khí. Ngoài ra, trước khi ngủ nói chuyện sẽ làm tinh thần phấn khích, sôi nổi, từ đó ảnh hưởng tới giấc ngủ và dễ dẫn tới mất ngủ.

6. Nằm ngủ không nên đối diện với đèn 

Ngủ đối diện với đèn sẽ làm tâm trí không thể ổn định, không những khiến chúng ta khó ngủ, mà còn dễ thức giấc.

7. Đầu không nên quay vào bếp lửa khi ngủ

Nếu như ngủ quay đầu vào bếp lửa thì hỏa khí dễ bốc lên, khiến đầu nặng mắt đỏ hoặc mụn nhọt lở loét, còn dễ bị cảm.

8. Không nên mở miệng khi ngủ

Tôn Tư Mạc nói: “Lúc ngủ cần có thói quen ngậm miệng”, đây là phương pháp tốt nhất để bảo tồn nguyên khí. Mở miệng hô hấp có rất nhiều điều không tốt, không những không vệ sinh mà còn làm phổi dễ bị không khí lạnh và bụi bẩn gây kích ứng, khí lạnh cũng dễ đi vào dạ dày gây bệnh.

9. Không nên che mặt khi ngủ

Che mặt khi ngủ sẽ làm việc hô hấp trở nên khó khăn, hơn nữa còn làm bản thân tự hít nhiều khí carbon dioxide do chính mình thở ra, nên không tốt cho sức khỏe.

10. Chỗ ngủ không nên thông gió

Sau khi cơ thể ở trạng thái ngủ, khả năng thích ứng với những thay đổi của thời tiết giảm xuống, nên dễ bị phong tà xâm nhập.

Theo Tinh Hoa