Quán cơm 1.000 đồng nằm ở số 8 Đỗ Ngọc Du, quận Thanh Khê (Thành phố Đà Nẵng), hằng ngày, khoảng 11h trưa, quán bắt đầu đón người lao động nghèo và sinh viên tới ăn cơm.

Lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều

Mấy tháng trở lại đây, cánh xe ôm, vé số rỉ tai nhau về một quán cơm từ thiện đặc biệt tại Đà Nẵng. Khi đến với quán, khách hàng không những được ăn cơm với giá “siêu rẻ”, được thoải mái lựa chọn những bộ quần áo miễn phí mà người nghèo còn được cùng nhau làm “từ thiện” bằng chính số tiền 1.000 đồng/suất cơm của mình.

1
Ăn một bữa cơm 1000 đồng tức là người nghèo đã góp phần ủng họ nạn nhân chất độc màu da cam.

Cụ Nguyễn Văn Hòa (87 tuổi) chia sẻ rằng, dù đĩa cơm chỉ 1.000 đồng nhưng đầy đủ cả 3 món gồm thịt hoặc trứng, đồ xào và cạnh, nhìn rất bắt mắt và ăn cũng rất ngon.

Những tốp thợ hồ từ công trường gần đó cũng lần lượt vào quán rồi thoải mái kéo ghế ngồi trò chuyện rôm rả. Người còn lấm bụi và nhễ nhại mồ hôi, chú Nguyễn Vinh (60 tuổi) hào hứng khoe thái độ phục vụ của mấy chị bán cơm, lúc nào cũng xem chú như người nhà. Các chị rất “chăm sóc”, biết chú làm việc vất vả nên thường múc thêm cơm và “bắt” chú phải ăn nhiều mới đủ sức làm việc.

3Từ ngày biết quán cơm, đội phụ hồ thường xuyên tới đây vì vừa có cơm rẻ tiền, vừa sạch sẽ.

Trung bình mỗi ngày quán ăn phục vụ hơn 100 suất cơm cho người lao động và sinh viên nghèo. Nhiều người đi bán vé số, mua ve chai cách quán vài cây số nhưng buổi trưa vẫn tới đây ăn cơm cho đỡ tiền. Thu nhập bình quân của những người lao động đường phố mỗi ngày chỉ khoảng 50.000-60.000 đồng, nếu ăn cơm bụi thì chả còn lại bao nhiêu, vậy nên, quán ăn 1000 đồng như một vị cứu tinh đối với họ. Bác Tám (quê Quảng Nam) chia sẻ, từ khi có quán cơm, cuộc sống của bác bớt chật vật đi nhiều, mỗi ngày cũng tiết kiệm được mấy chục để gửi về quê. Bác cảm động lắm, bởi xã hội vẫn còn nhiều người dành sự quan tâm cho những người cơ cực giống như bác.

Khác hoàn toàn với những quán cơm 1.000 đồng khác, cách “mua bán” ở đây cũng rất “dễ thương”. Khi đến ăn cơm, mọi người sẽ tự giác bỏ tiền vào chiếc thùng quyên góp đặt ở góc quán. Giá một suất cơm được niêm yết là 1.000 đồng, nhưng ai muốn góp nhiều hơn tùy ý còn nếu không thích bỏ cũng chẳng sao. Rồi cứ cuối tháng, mọi người cùng nhau mở thùng quyên góp và đem số tiền bán cơm ấy ủng hộ hết cho Hội nạn nhân chất độc da cam/Dioxin Đà Nẵng.

2

San sẻ khó khăn với những người bất hạnh hơn mình là một cách để nối dài việc nghĩa, để gửi gắm tấm lòng của người nghèo đến với những người kém may mắn hơn, để người nghèo ấm lòng nhận ra họ cũng có thể làm từ thiện…

quan-com-1000Vừa tự tay bỏ 1.000 đồng vào thùng quyên góp, ông Phan Văn Sang phấn khởi nói: “Tôi rất vui và hạnh phúc vì chỉ với 1.000 đồng nhưng chúng tôi vừa được ăn cơm, được tặng áo quần mà còn góp phần giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình.”

Điều tử tế lại sinh ra điều tử tế

Chủ nhân của quán ăn đặc biệt này là anh P, một người đàn ông 34 tuổi muốn giấu tên thật và nghề nghiệp vì không muốn nổi tiếng khi làm từ thiện. Anh kể, thời sinh viên, anh từ Long An lên Sài Gòn học, nhà nghèo đến mức nhiều lúc không còn tiền để ăn cơm. Lúc đó, anh đã mơ ước có những quán cơm từ thiện ở khắp nơi để những sinh viên nghèo như anh không phải lo chuyện ăn uống mà chuyên tâm học hành. Sau này, anh lấy vợ và vào Đà Nẵng làm việc. Hồi mới lập nghiệp, anh cũng khó khăn lắm, gần như lúc nào túi cũng trống trơn, chẳng mấy khi có tiền, đến cả chiếc xe Dream cũ hay đi làm cũng là mượn của bố vợ.

Một lần, đang trên đường về thì xe hết xăng mà người không còn đồng nào. Những tưởng phải dắt bộ mười cây số về nhà, thế mà, đi được một đoạn thì có một cô mua xăng giúp cho. Anh cảm kích lắm, và ý nghĩ về một quán cơm thiện nguyện càng trỗi lên mạnh mẽ trong anh, nó thôi thúc anh gắng làm việc chăm chỉ hơn để có đủ điều kiện giúp đỡ những người khó khăn quanh mình. Nhờ trời thương, anh làm ăn khấm khá, mở được công ty riêng. Rồi anh đem ý định mở quán cơm từ thiện bàn bạc với anh chị em trong công ty và được mọi người hưởng ứng. Vậy là quán cơm từ thiện 1.000 đồng ra đời từ đó. Hàng tháng, mỗi nhân viên sẽ trích 2% tiền lương, riêng anh P chi thêm 10 triệu đồng cho tiền mặt bằng, thuê nhân viên…

6Mọi người không chỉ ăn cơm mà còn thoải mái lựa chọn quần áo

Từ khi có quán ăn, nỗi lo về bữa cơm của những người lao động nghèo quanh khu vực được giảm đi đáng kể. Những người hàng xóm gợi ý cho anh P lập thêm tủ quần áo miễn phí. Cũng từ đó, mọi người trong xóm lục tìm trong tủ quần áo nhà mình những bộ trang phục không dùng đem đến quyên góp cho quán cơm. Thấy mọi người có nhã ý, anh P cho nhân viên đặt chiếc kệ sắt, cây treo để mọi người mang quần áo đến đặt trên đó.

5Những lao động nghèo khi đến ăn cơm, tranh thủ ghé vào kệ quần áo cũ để lựa cho mình những chiếc áo, chiếc quần vừa vặn.

Những người lao động nghèo, sau khi ăn cơm xong, thường tranh thủ ra kệ chọn mấy bộ quần áo về mặc, đặc biệt là các cô, các chị. Chị Ánh (39 tuổi) chia sẻ, dù là quần áo cũ nhưng còn mới và đẹp hơn nhiều so với quần áo ở nhà của chị. Chị còn hớn hở khoe rằng từ ngày có tủ quần áo từ thiện, chị đi bán vé số không còn sợ nắng nữa nên chị vui lắm, không ngờ lại có nhiều quần áo như vậy.

Nhìn nụ cười rạng rỡ trên môi những vị khách hàng, cảm giác như những khó khăn mệt nhọc ngoài kia đều tan biến khi họ cùng nhau ngồi trên bàn ăn trò chuyện rôm rả, hóa ra hạnh phúc bình thường và giản dị đến vậy.

Câu chuyện cuộc đời anh P và quán cơm 1.000 đồng như một phép màu của cuộc sống. Sinh ra và lớn lên trong cái nghèo, vì hiểu rõ cái đói, cái khổ nó cơ cực thế nào nên anh đã quyết tâm thay đổi cuộc đời, không phải để mình được sống dư dả mà vì anh muốn san sẻ khó khăn với những người cùng cảnh ngộ. Chính suy nghĩ thuần phác, cao thượng, không vị tư đó đã giúp anh vươn lên thoát nghèo để có thành công như hôm nay, và thêm hành động tử tế của một người dưng qua đường càng khiến anh có nhiều động lực vượt qua khó khăn.

Những tưởng mấy chục nghìn đổ xăng chỉ là một chuyện rất nhỏ, nhưng đúng như người xưa vẫn nói “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, “tặng gấm trong hoa không bằng tặng than trong tuyết”, chuyện nhỏ đó đã trở thành một bước ngoặt lớn trong cuộc đời anh P, và biết đâu sẽ là bước ngoặt trong cuộc đời nhiều người khác nữa, khiến họ nhận ra giá trị thật sự của việc tốt không nằm ở hành động lớn hay nhỏ mà nằm ở cái tâm của người trao đi…

Một hành động tử tế, dù là nhỏ thôi, cũng đủ để thay đổi cuộc đời một con người. Vậy nên, hãy luôn rộng lòng trao gửi những điều tốt đẹp và tử tế đến với người khác, bởi điều tử tế sẽ sinh ra những điều tử tế, và sẽ tạo ra những điều tốt đẹp khác cho cuộc đời.