Mạng xã hội đã lan rộng đến mức len lỏi vào các ngóc ngách của cuộc sống và ảnh hưởng đến phần lớn dân số. Và lưu ý rằng sức khỏe tâm thần của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng nếu không ý thức được các xu hướng tâm lý khi tương tác với chúng.

1

Mạng xã hội đã thay đổi cách chúng ta giao tiếp với bạn bè, gia đình, nhưng nó không đem đến cho chúng ta những cảm xúc tích cực như đã hứa. (Ảnh: Clem Onojeghuo/Unsplash)

Mạng xã hội dẫn dắt chúng ta lòng vòng với những câu hỏi: Bạn có bắt kịp xu thế trên Facebook chưa? Bạn đã đăng ảnh chó cưng của bạn lên Instagram chưa? Bạn đã xem video mới nhất được đăng tải trên kênh YouTube yêu thích của bạn chưa?

Hiện tại, có đến khoảng 77% người Mỹ sở hữu một vài tài khoản mạng xã hội. Tính đến giữa năm 2018, ở Việt Nam, con số này là 55% dân số, chủ yếu với Facebook, YouTube, Zalo…

Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra việc sử dụng mạng xã hội có liên hệ với chứng trầm cảm, lo âu, chất lượng giấc ngủ kém, lòng tự trọng thấp, mất khả năng tập trung và tính hiếu động thái quá. Đây cũng là các biểu hiện thường thấy ở trẻ vị thành niên và thanh thiếu niên.

Nhiều người cho rằng mạng xã hội khiến các cá nhân cảm thấy chán nản và cô đơn hơn. Tuy nhiên, cũng có ý kiến phổ biến cho rằng, có lẽ những người trầm cảm và cô đơn thường có xu hướng sử dụng mạng xã hội để kết nối với thế giới.

Mạng xã hội có gây nên trầm cảm?

Một nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Tâm lý học xã hội và lâm sàng kết luận rằng, có mối liên hệ nhân quả giữa sử dụng mạng xã hội và các tác động tiêu cực gây ra trầm cảm và cô đơn.

Jordyn Young, đồng tác giả của bài báo và là sinh viên năm cuối tại Đại học Pennsylvania, cho hay:“Nhìn chung, nếu ít sử dụng mạng xã hội lại, bạn thực sự sẽ giảm nguy cơ mắc trầm cảm và ít cảm thấy cô đơn hơn. Đồng nghĩa với việc sử dụng mạng xã hội ít đi sẽ khiến sức khỏe của bạn thay đổi về chất”.

Cô nói: “Trước đó, chúng ta chỉ có thể nhận định là, việc sử dụng mạng xã hội có thể khiến chúng ta cảm thấy ít hạnh phúc hơn”.

2

Có mối liên hệ nhân quả giữa sử dụng mạng xã hội và các tác động tiêu cực gây ra trầm cảm và cô đơn. (Ảnh qua British GQ)

Nghiên cứu được thực hiện với 143 sinh viên ở Đại học Pennsylvania, chia làm 2 nhóm: Nhóm 1 tiếp tục thói quen sử dụng mạng xã hội như bình thường, nhóm 2 bị hạn chế đáng kể truy cập vào mạng xã hội.

Trong 3 tuần, mức độ truy cập mạng xã hội của nhóm 2 đã giảm xuống còn 30 phút/ngày, tức là 10 phút cho mỗi mạng xã hội (Facebook, Instagram và Snapchat).

Nhưng rốt cuộc thì tại sao vẫn để nhóm 2 sử dụng mạng xã hội? Young cho biết: “Chúng tôi nghĩ rằng việc hạn chế sử dụng hoàn toàn không thể đại diện chính xác cho bối cảnh thế giới mà chúng ta đang sống ngày nay. Mạng xã hội có mặt ở khắp nơi xung quanh chúng ta và nắm giữ quyền lực không hề nhỏ”.

Kết quả nghiên cứu rất rõ ràng: Nhóm 2 – ít sử dụng mạng xã hội hơn – có sức khỏe tâm thần tích cực hơn, sự cô đơn và các triệu chứng trầm cảm đều giảm. Những người có mức trầm cảm cao cho thấy nhiều thay đổi hơn.

Thêm vào đó, mức độ lo lắng và sợ bị tụt hậu ở cả 2 nhóm đều giảm, có thể là do thông qua quá trình thử nghiệm, họ đã dần nhận thức rõ hơn về cách sử dụng mạng xã hội.

Cuộc sống “được sàng lọc” trên mạng xã hội

Tại sao các nền tảng mạng xã hội, vốn được thiết lập để kết nối chúng ta với gia đình và bạn bè, lại gây hại cho sức khỏe tâm thần của chúng ta?

Oscar Ybarra, Giáo sư tâm lý học tại Đại học Michigan cho biết: “Điều thường xuyên xảy ra khi kết nối mạng xã hội là bạn thường có xu hướng so sánh mình với người khác. Không hẳn ai cũng nhận thức được điều này, nhưng luôn luôn là như vậy. Nhìn chung, tham gia vào mạng xã hội đồng nghĩa với việc bạn đang tiếp cận với những nội dung mà người khác sàng lọc kỹ lưỡng rồi mới đăng lên”.

Giáo sư Ybarra công bố các nghiên cứu cho thấy Facebook có liên quan đến sức khỏe tâm thần. Ông cho rằng, ngay cả đối với những người nhận ra bản chất “được kiểm duyệt” trên mạng xã hội, mỗi khi xem bài đăng của người khác, họ vẫn băn khoăn: “Làm thế nào để mình cũng được như vậy?”, hoặc “Làm sao cho cuộc sống của tôi bằng người ta?”. Càng thường xuyên sử dụng mạng xã hội thì người ta càng có xu hướng so sánh với xã hội. Điều đó khiến sức khỏe tâm thần bị suy giảm.

“Liên tục so sánh với xã hội” như thế có thể xảy ra hàng trăm lần mỗi ngày, tùy thuộc vào tần suất bạn xem bản tin trên mạng xã hội.

Sợ bị tụt hậu là “căn bệnh” có thật

Gần đây xuất hiện cụm từ “Sợ bị tụt hậu” (FOMO – Fear of missing out) để chỉ cảm giác bức bối của thế hệ Y (thế hệ lớn lên cùng các phương tiện truyền thông xã hội). Đó là dạng ảnh hưởng sức khỏe tâm thần khác có liên quan mật thiết đến việc sử dụng mạng xã hội.

Amy Summerville, giáo sư tâm lý học tại Đại học Miami, Ohio cho hay: “Biểu hiện đặc biệt của FOMO là, bản thân bạn cảm thấy tiếc đã bỏ lỡ cơ hội vì bạn cảm giác rằng bản thân đã có thể ở sự kiện đó. Một phần lý do khiến cảm giác này thực sự trở nên mạnh mẽ, theo tôi nghĩ, là do bạn nghĩ rằng, những người có mối quan hệ xã hội quan trọng với chúng ta đã cho chúng ta ‘ra rìa’ khỏi các sự kiện”.

FOMO có liên quan đến các vấn đề lớn hơn như sự hòa nhập và vị thế xã hội. Việc sử dụng phổ biến các phương tiện truyền thông xã hội và công nghệ hiện nay đã tạo ra một thế giới méo mó. Ở đó, màn hình điện thoại hoặc vi tính chẳng khác gì quả cầu pha lê, nhìn vào là biết được các hoạt động của bạn bè vào bất cứ thời điểm nào trong ngày. Và điều đó không hẳn là tốt.

Giáo sư Summerville cho biết: “Vào thời điểm này, tôi không biết có nên nói rằng nghiên cứu này đang báo động mọi người cần cài chế độ khóa ứng dụng trên điện thoại của mình hay không. Tôi nghĩ rằng điều này có thể hữu ích, đặc biệt đối với những ai đang phải vật lộn với cảm xúc tiêu cực và cảm giác sở hữu”.

Hiển nhiên là mạng xã hội sẽ không lập tức biến mất, có chăng thì sẽ phổ biến hơn mà thôi. Tuy khó có thể ngắt kết nối, nhưng việc đặt ra giới hạn tương tác với mạng xã hội có thể giúp chúng ta giảm thiểu các tác động tiêu cực của chúng.

Bảo San (Theo Epoch Times)