Một chuyện nhỏ tưởng chừng không đáng kể nhưng từng chút vụn vặt góp lại, tích tiểu mà thành đại. Một chút sơ sẩy nhỏ có thể gây ra hậu quả lớn, vậy nên phải luôn luôn chú ý giữ mình.

Vào những năm Khang Hy, ở trong thành Bắc Kinh có một tiệm sách tên là Liêm Ký. Ngày nọ, có một thanh niên dáng vẻ thư sinh đứng đọc sách phía trước giá sách bên cạnh quầy tính tiền. Lúc này, có một cậu thiếu niên tới mua một quyển “Lữ Thị Xuân Thu”, trong lúc thanh toán đã vô ý làm rơi một đồng tiền xuống đất và lăn tới chân của vị thư sinh bên cạnh.

Người thanh niên liếc xéo mắt, nhìn khắp chung quanh một lượt rồi nhanh chóng dùng chân của mình dẫm lên đồng tiền đó. Một lát sau, khi cậu thiếu niên kia thanh toán xong và rời đi, người thanh niên này mới cúi xuống lấy đồng tiền ở phía dưới chân mình.

Chẳng may, màn “đạp tiền, nhặt tiền” này đã không thoát khỏi con mắt của một ông lão đang ngồi trong tiệm. Chứng kiến toàn bộ sự việc, ông lão nhìn chằm chằm vào vị thư sinh hồi lâu, sau đó đi tới trước mặt anh ta và bắt chuyện.

Sau một hồi tìm hiểu, ông lão biết được người thanh niên này tên Phạm Hiểu Kiệt, còn biết cha của anh là một trợ giáo trong Quốc Tử Giám, anh đi theo cha tới Bắc Kinh, đã đọc sách trong Quốc Tử Giám nhiều năm. Hôm nay, ngẫu nhiên đi qua phố Diên Thọ, gặp tiệm sách Liêm Ký có nhiều sách hay mà rẻ hơn các tiệm khác nên đến xem thử. Ông lão cười cười rồi cáo từ rời đi.

Sau này, Phạm Hiểu Kiệt làm việc trong Quốc Tử Giám với thân phận giám sinh. Không lâu sau, anh ta được phái đến Giang Tô đảm nhiệm chức huyện úy. Phạm Hiểu Kiệt vô cùng vui mừng, liền cấp tốc xuôi thuyền tới miền Nam nhậm chức.

Sau khi đến Nam Kinh, anh ta trước tiên đi vấn an thượng cấp tại phủ Giang Ninh. Lúc này, tuần phủ Giang Tô là Thang Bân đang ở tại phủ Giang Ninh, ông ta thấy danh thiếp của Phạm Hiểu Kiệt liền không tiếp kiến.

Phạm Hiểu Kiệt đành phải quay lại dịch quán. Qua hôm sau anh ta lại đi, nhưng lại không được tiếp kiến, cứ như vậy suốt 10 ngày. Đến ngày thứ 11, Phạm Hiểu Kiệt tiếp tục nhẫn nại đi yết kiến, thì có quan hộ vệ của phủ nha tới truyền đạt mệnh lệnh của Tuần phủ đại nhân: “Phạm Hiểu Kiệt không cần phải đi nhậm chức nữa, tên của ngươi đã bị ghi vào tấu chương luận tội, ngươi đã bị cách chức rồi.”

Phạm Hiểu Kiệt cảm thấy khó hiểu, vội vàng hỏi: “Đại nhân vì sao lại tố cáo ta? Ta đã phạm tội gì?”
“Tham tiền” – Quan hộ vệ thong dong trả lời.

“Cái gì?” – Phạm Hiểu Kiệt chấn động, tự nghĩ: “Ta còn chưa làm quan, sao có thể có tang chứng tham ô chứ? Nhất định là tuần phủ đại nhân nghĩ sai rồi”. Sau đó anh ta thỉnh cầu được gặp mặt Tuần phủ đại nhân để làm sáng tỏ vụ việc.

Sau khi quan hộ vệ đi vào bẩm báo, liền trở ra truyền đạt lại ý của Tuần phủ đại nhân: “Phạm Hiểu Kiệt, ngươi không nhớ tại phố Diên Thọ, trong một tiệm sách ngươi đã từng làm những gì hay sao? Khi đó ngươi là một tú tài lại yêu quý một đồng tiền như tính mạng. Hôm nay may mắn làm quan, về sau lẽ nào ngươi lại không vắt óc nghĩ cách tham ô, lẽ nào lại không trở thành vị quan cường đạo? Ngươi hãy lập tức bỏ quan ấn xuống và rời khỏi nơi đây, đừng để cho dân chúng phải chịu khổ.”

Phạm Hiểu Kiệt lúc này mới nghĩ tới ông lão trong tiệm sách, ông ấy chính là Tuần phủ đại nhân Thang Bân đang tuần tra xem xét dân tình. Câu nói của Tuần phủ đại nhân như đánh trúng tim đen khiến Phạm Hiểu Kiệt á khẩu không nói được câu nào nữa.

Người xưa có câu: “Chớ thấy việc ác nhỏ mà cứ làm, chớ thấy việc thiện nhỏ mà bỏ qua”.

Lại nói: “Khi còn nhỏ ăn trộm cây kim sợi chỉ, khi lớn lên tất sẽ lừa gạt người”.

Một chuyện nhỏ tưởng chừng không đáng kể nhưng từng chút vụn vặt góp lại, tích tiểu mà thành đại. Một chút sơ sẩy nhỏ có thể gây ra hậu quả lớn, vậy nên phải luôn luôn chú ý giữ mình.

(Nguồn: Cỏ Mun)

>> Ca khúc: Ngàn năm ta đã chờ mong