Trà Đạo tinh túy chính là đàm về Trà và luận về Đạo, từ những đàm đạo nhân tình thế thái tới tiểu đạo thế gian và qua đó những người hữu duyên có thể có cơ hội mà tìm thấy được Đại Pháp, Đại Đạo.

Trà Đạo, theo cách hiểu thông thường là phong cách uống trà hướng đến giá trị tinh thần, tùy theo tâm tư tình cảnh mà có những phong cách khác nhau. Xã hội muôn hình muôn vẻ, chung quy cũng vì chí đồng đạo hợp mà quần tụ, bởi thế nên luận Đạo khi thưởng Trà không chỉ là những chuyện cao vời thoát tục mà cũng gồm cả những đàm đạo nhân tình thế thái trong cõi nhân sinh.

Nhân sinh như mộng, mộng thấm đượm tình, thế thái nhân tình sao dời vật đổi, mộng đến mộng đi lớp lớp về đâu? Hỏi thế gian ơi tình là gì, hỏi hoài chẳng đặng, chi bằng hỏi thế gian sống để làm gì !!! Một câu hỏi lớn muôn đời đó, hỏi tới hỏi lui vẫn hỏi hoài. Phải chăng duyên khởi vô lượng kiếp? Phải chăng Thần ban “Sáng thế” này? Hay chỉ giản đơn là Tiến hóa, khỉ vượn thẳng lưng thoắt thành Người?  

Rốt cuộc thì đàm đạo thế gian vẫn phải là hướng về Đạo với ý nghĩa tột cùng, siêu việt hết thảy thành kiến cũ kỹ được đóng trong những cái khung giáo điều chật chội, và đó là cơ hội để những ai yêu thích luận Đạo khi thưởng Trà có thể “hữu duyên” mà tìm thấy chân lý và ý nghĩa chân thực của sinh mệnh.  

Bây giờ nói về Trà

Có câu “nhất Thủy, nhị Trà”

Đầu tiên là Nước để pha Trà, đó là quan trọng nhất. Nhu cầu căn bản của con người là đói ăn khát uống, chúng ta cần uống Nước để sinh tồn. Kể từ khi Thần Nông nếm thử Trà và lưu truyền nó, người ta mới bắt đầu uống nước Trà. Ngoài ra chữ Thủy còn hàm ý khởi thủy, ngụ ý uống nước nhớ nguồn, Nước có thể dưỡng Trà mà Trà lại không thể dưỡng Nước.

Thuở ban đầu thì cách dùng Trà dường như cũng giống như một món canh để uống, vì thế cũng gọi là Phanh Trà (烹茶), tức là nấu Trà vậy. Người ta nấu Trà như Lão Tử nấu cá, kiểu “Trị đại quốc nhược phanh tiểu tiên”, cũng cần chút khéo léo. Sau này không Phanh Trà nữa mà chuyển sang Phao Trà (泡茶), tức là hãm trong nước đã đun sôi, người Việt quen gọi là Pha Trà. 

Kể từ Lục Vũ, việc Phao Trà được nâng lên thành kỹ nghệ.

Thần Trà Lục Vũ cực kỳ coi trọng Nước để phao Trà. Trước khi rời đi và để lại Trà Kinh cho thế gian thì còn viết “Lục tiện ca” (六 羡 歌), bày tỏ chí hướng không màng danh lợi, nhưng lại ngàn mong vạn muốn có được nước sông Tây giang từ hướng thành Cánh Lăng chảy đến để phao trà:

“千羡万羡西江水
  曾向竟陵城下来”  

“Thiên tiện, vạn tiện Tây giang thuỷ
Tằng hướng Cánh Lăng thành hạ lai.”

Tại sao Lục Vũ tiên sinh chính thức đã xác nhận “Sơn Thủy thượng, Giang Thủy trung, Tĩnh Thủy hạ” mà nay chỉ một mực mong có được nước Tây Giang? Đó là vì thuận tiện vậy, “tiện – 便” này một đường “tiện – 羡” kia một nẻo, Lục tiên sinh hoàn toàn có thể thỉnh nước Mông Tuyền trên đỉnh Phù Dung ở Quý Dương được chứ, nhưng xa xôi bất tiện chi bằng sẵn ngay nước Tây giang quê nhà cũng đủ “tiện” để thưởng thức Trà ngon rồi.

“nhất Thủy nhị Trà”, rồi có người kể tiếp “tam bôi, tứ bình, ngũ quần anh” hoặc “tam pha, tứ ấm, ngũ quần anh”, cũng có người thêm cả Nhạc vào là thành tới sáu bậc cách thức.

Nói “tam bôi” ngụ ý coi trọng chén uống Trà ở hàng thứ ba, hơn cả cách pha hay ấm để pha. Có lẽ nhóm này hợp với phong cách Trà Đạo hình thức, chén phải rất ưa nhìn để việc thưởng thức bằng mắt nâng cao cảm thụ về hương vị, khả năng cao là nhóm này cũng sẽ yêu Trà Đạo kiểu Nhật, câu nệ tiểu tiết, được tính là tiểu Trà Đạo.

Nói “tam pha, tứ ấm” thì tam tứ ấy thực ra tính vào một cách thôi, trong một cuộc Trà thì người pha trà với ấm pha trà sẽ quyết định việc Phao Trà – Pha Trà hợp cách.

Điều quan trọng thứ tư chính là Khí.

Khí ở đây là khí trường hoàn cảnh, bao gồm không gian, thời gian, địa điểm, nhân khí, trạch khí và cả Nhạc khí nếu muốn.

Nhân khí cũng có thể hiểu giản dị là khí chất riêng của từng người, có câu “đồng khí tương cầu” vì thế bạn trà như thế nào cũng là một trong những điều quan trong cần tính đến trong một cuộc trà, còn nếu chỉ Độc ẩm thì Trà pha đúng cách vẫn ngon thôi.

Nhiều người hay gọi bạn trà với nhau là Quần Anh, nghe rất có khí thế, nhưng đó cũng chỉ là gọi cho sang mồm vậy thôi, có khi là Quần Anh, Quần Hùng có khi là Quần Hồ gì đó ai biết đâu !!! nhưng dẫu là quần gì thì quần, hễ cứ đồng chí đồng đạo là đảm bảo người ta vẫn có thể thưởng thức Trà ngon với nhau rồi.

Tóm lại thì đàm về Trà trong Trà Đạo có thể gói gọn trong 4 từ: “nhất Thủy, nhị Trà, tam Phao, tứ Khí”. Số 4 cũng là số của quái Chấn trong Bát quái, quy nạp tượng Trà, ý tưởng là Trà có thể chạm vào tâm thức, đánh thức, như Chấn là Sấm vậy, hốt nhiên ngộ Đạo, vì thế ý vị của Trà là ở chỗ hướng Đạo dẫn Đạo.   

Nói riêng về Thủy, có một loại Thủy đến từ Mông Tuyền Thủy mà người thưởng Trà nhất định phải xem qua cho biết, xem nó tại đây: bit.ly/543mt

Có người nói quan trọng nhất không phải là Thủy mà phải là Tâm, tâm trạng tốt thì Trà mới ngon được.

Nói rất hay. Khi tâm trạng không tốt thì người ta thường mượn Rượu giải sầu chứ ai mà nghĩ đến chuyện dùng Trà thay Rượu đâu !!! Còn như miễn cưỡng mang tâm trạng không tốt vào bàn Trà, mang theo sân khí, hận khí hay sầu khí, oán khí thì ở đó mà “đồng khí” với ai đây? Nếu không hạ tâm xuống, người đó sẽ làm hỏng Khí trường, hỏng cả cuộc Trà của quần anh – bằng hữu.

Trà là để thưởng thức và cao hứng khoát đàm, nhất định phải có tâm trạng thưởng thức trên tinh thần đàm Trà luận Đạo, như vậy mới có cơ hội trong khoảnh khắc nào đó mà tìm thấy được Đại Đạo. Trà Đạo tinh túy là vậy.

Địa Thủy Sư Trần Thọ
(ĐT: 0906299843 – Zalo/Facebook)

>> Mông Tuyền Thủy – Lộc Thủy Bảo Bình 

>> Phong Thủy Bảo Điển

>> Bí mật của Bình An