Khổng Tử từng viết: “Người quân tử thì thản nhiên thư thái, kẻ tiểu nhân thường hay lo lắng, ưu sầu”. Vì sao lại như vậy? Điều gì đã tạo nên sự khác biệt tư tưởng giữa người quân tử và kẻ tiểu nhân?

LfbjFp-20170730-vi-sao-nguoi-quan-tu-thuong-than-nhien-ke-tieu-nhan-lai-hay-lo-lang-uu-sauNgười quân tử thì thản nhiên thư thái, kẻ tiểu nhân thường hay lo lắng, ưu sầu. (Ảnh: Storm)

Trong “Luận Ngữ”, Khổng Tử viết: “Người quân tử thì thản nhiên thư thái, kẻ tiểu nhân thường hay lo lắng, ưu sầu”. Hay cũng có thể nhận thấy rằng, người quân tử không lo không sợ còn kẻ tiểu nhân thì luôn thấp thỏm lo âu. 

Trong dòng chảy dài của lịch sử, “quân tử” và “tiểu nhân” là hai vấn đề chính vô cùng trọng yếu. Nó giống như hai phù hiệu vô cùng quan trọng, luôn được người đời sử dụng để đánh giá nhân phẩm của mọi người.

Người quân tử đại biểu cho những gì là chân thật, lương thiện và tốt đẹp nhất. Trong khi đó, kẻ tiểu nhân thì hoàn toàn trái lại, nó đại biểu cho những gì là giả tạo, độc ác và xấu xa nhất. Như thế nào được gọi là quân tử? Như thế nào được gọi là tiểu nhân? Thực sự, không thể dùng một hai câu để nói hết được định nghĩa về hai khái niệm này.

Trong “Luận Ngữ. Nhan Uyên” cũng viết rằng: Khi Tư Mã Ngưu hỏi Khổng Tử về tính cách của người quân tử, Khổng Tử trả lời rằng: “Người quân tử không lo, không sợ!”

Tư Mã Ngưu nghe xong câu trả lời của Khổng Tử thấy đạo lý này thật là quá đơn giản. Vì thế đã hỏi lại Khổng Tử rằng: “Chỉ cần không lo, không sợ thì đã là người quân tử rồi sao?” Câu hỏi của Tư Mã Ngưu ngụ ý rằng, làm người quân tử chỉ đơn giản vậy thôi sao?

Khổng Tử nói: “Làm người quân tử là không hề dễ dàng, phải luôn luôn tự xét lại bản thân mình, trong lòng phải hoàn toàn không có một chút thẹn và áy náy nào, chỉ có một nội tâm quang minh sáng tỏ, một tấm lòng thanh tịnh, tường hòa thì ấy mới là người quân tử”.

Thời cổ đại, các bậc chính nhân quân tử đều là có thái độ đúng mực, tận lực thuận theo mệnh trời, tận lực giải quyết mọi việc một cách thỏa đáng, những sự tình không giải quyết được thì sẽ thản nhiên đối mặt mà trong lòng không lo không sợ. Người quân tử luôn tự kiểm điểm, soi xét lại trong lòng mà không thẹn với Trời, Đất, không lo, không sợ. Đây thực sự là một cảnh giới tinh thần cao quý!

Về người quân tử và kẻ tiểu nhân, trong “Luận Ngữ” cũng có phân biệt rằng: “Quân tử thượng đạt, tiểu nhân hạ đạt”, ý chỉ người quân tử hướng đến những điều cao cả, kẻ tiểu nhân lại hướng đến những điều thấp hèn. “Quân tử chu nhi bất bí, tiểu nhân bí nhi bất chu” , ý nói người quân tử hòa hợp mà không cấu kết bè phái, kẻ tiểu nhân cấu kết bè phái mà không hòa hợp. 

tiểu nhân, quân tử, Khổng Tử,

Người quân tử hòa hợp mà không cấu kết bè phái, kẻ tiểu nhân cấu kết bè phái mà không hòa hợp. (Ảnh: VNExpert)

“Quân tử hoài đức, tiểu nhân hoài huệ”, ý nói người quân tử luôn nghĩ đến đạo đức còn kẻ tiểu nhân thì chỉ nhớ đến ân huệ mà mình đã giúp người khác. Hay “Quân tử dụ vu nghĩa, tiểu nhân dụ vu lợi”, ý rằng quân tử hiểu rõ về nghĩa, tiểu nhân hiểu rõ về lợi.

“Quân tử thái nhi bất kiêu, tiểu nhân kiêu nhi bất thái”, ý nói, người quân tử thư thái mà không kiêu, kẻ tiểu nhân kiêu mà không thư thái. Nhưng câu được truyền tụng rộng khắp nhất là: “Quân tử thản đãng đãng, tiểu nhân trường thích thích”, ý nói người quân tử lòng dạ rộng lớn, không có sầu lo, còn kẻ tiểu nhân thường xuyên âu lo.

Trong “Luận Ngữ”, Khổng Tử còn viết: “Quân tử đạo giả tam, ngã vô năng yên: nhân giả bất ưu, trí giả bất hoặc, dũng giả bất cụ”. Tạm dịch: Người quân tử gồm có 3 đạo, mà ta chưa làm được đó là: Người nhân từ thì không lo, bậc trí giả thì không nghi ngờ, người dũng thì không sợ.

Ngoài “không lo, không sợ” ra thì trong đạo của người quân tử còn tăng lên một bậc đó là biết rõ thị phi, chính tà. Người quân tử nhân từ mà không lo, chính là nói người quân tử thủ vững nhân nghĩa, làm việc gì cũng công chính vô tư, không thẹn với lương tâm, bằng lòng với mệnh trời, không so đo lợi hại được mất, vì thế mà không lo.

Người quân tử là bậc trí giả không có nghi ngờ, chính là nói rằng người quân tử thực sự có trí tuệ cao, bất luận sự việc gì đều hiểu rõ, có thể phân biệt đúng sai, thật giả, vì thế mà vô luận là đối mặt với sự tình gì họ cũng sẽ không nghi hoặc.

Người quân tử dũng cảm mà không sợ chính là nói rằng người quân tử có tấm lòng rộng rãi, sáng tỏ, ngửa mặt nhìn trời hay cúi xuống nhìn đất đều không thẹn, xét lại lòng mình mà không thấy cắn rứt, dũng cảm chịu trách nhiệm, làm việc trượng nghĩa, đúng lý hợp tình, nên gặp bất cứ chuyện gì cũng không sợ hãi. Một người “nhân, trí, dũng” không lo, không nghi ngờ, không sợ thì mới là chính nhân quân tử.

Có người từng hỏi Phật Thích Ca Mâu Ni rằng: “Vì sao người đức hạnh cao thượng, tu thân dưỡng tính lại luôn tỏa ra tâm thái bình tĩnh và một vầng hào quang tràn đầy sự vui sướng, khoái hoạt như vậy?”

Phật Thích Ca Mâu Ni trả lời: “Đó là bởi vì, họ không vì chuyện quá khứ mà đau buồn, không cầu những chuyện chưa tới của tương lai, họ luôn thấy đầy đủ, thỏa mãn, bởi vậy mà họ luôn lộ ra vẻ dạt dào vui sướng”.

Kỳ thực một người bình thường sẽ rất khó lý giải trạng thái tinh thần của người tu luyện bởi vì trình độ cảnh giới tinh thần họ hướng đến là khác nhau.

Cũng giống như người tu luyện, người quân tử không lo không sợ, thản nhiên với được và mất, tiêu diêu tự tại, đó phải là kẻ sĩ đắc đạo mới có thể đạt đến cảnh giới đó!